Phát hoảng khi con hỏi ‘mẹ đang nấu cơm thật hay trong game vậy?’

Phát hoảng khi con hỏi ‘mẹ đang nấu cơm thật hay trong game vậy?’

Khi biết con nghiện game online, nhiều phụ huynh tìm mọi cách “cắt cơn” thì đã muộn. Bị cấm đột ngột, nhiều em mất kiểm soát, đánh cả cha, mẹ, thầy cô, không ít trường hợp đã ở giai đoạn rối loạn tâm thần.

 

 

Phát hoảng khi con hỏi mẹ đang nấu cơm thật hay trong game vậy? - Ảnh 1.

Chỉ với chiếc điện thoại, học trò có thể chơi game bất kể nơi đâu, khi rất nhiều game online có bản mobile chơi trên điện thoại – Ảnh: VŨ THỦY

Bị lấy điện thoại, con lao vào đánh bố

“Ban đầu cháu chỉ chơi sau giờ học, nên tôi cũng không để ý cháu chơi gì trên điện thoại. Sau đó, cháu thường trốn học để vào tiệm net để chơi game online. Đến khi thầy cô gọi điện thông báo cháu bỏ học nhiều ngày, tôi và cha cháu mới tá hỏa” – chị Nguyễn T.T.T., một phụ huynh có con trai học lớp 7, cho hay.

Chị kể, chỉ mới cho con dùng điện thoại một năm, con trai chị thay đổi đến mức không thể ngờ. Chị nói trong nước mắt: “Tính tình cháu nóng nảy hơn, thậm chí cả tắm rửa cháu cũng để đến tận khuya mới làm.

Có lúc bực mình quá, cha cháu lấy điện thoại lại, không cho dùng nữa thì cháu hung hăng nhảy vào đánh cả cha. Nhiều lần gia đình bắt cháu viết cam kết sử dụng điện thoại trong thời gian cho phép là 1 giờ mỗi ngày, cháu viết xong lại không thực hiện”.

Chị cho biết vì cháu học thêm ngoại ngữ tại trung tâm nên cần dùng máy tính bảng để làm bài tập.

Khi máy hư, chị đổi cho con chiếc điện thoại thông minh để “giống như các bạn” và tiện liên lạc. “Có điện thoại, cháu dùng cho việc học thì ít mà chát chít rồi chơi game online cùng nhóm bạn lại nhiều.

Có nhiều đêm cháu chơi đến 1-2h sáng, mình vật vờ buồn ngủ nhưng cháu vẫn vừa bấm máy vừa nói chuyện với nhóm bạn, đa số hay nói tục. Cháu còn tỏ ra giận dữ khi cha mẹ bắt đi ngủ” – chị Nguyễn T.T.T. chia sẻ.

Chị Th.Dung (Q. Gò Vấp) làm nghề buôn bán nên hai vợ chồng chị thường đi sớm về khuya, cũng có không có thời gian theo sát cậu con trai lớp 7. Đến lúc để ý con thì con đã nghiện điện thoại từ lúc nào.

Suốt ngày con chị cắm mặt vào cái điện thoại để chơi game, xem YouTube, lướt Facebook… “Nhiều đêm nó lấy xe máy đi chơi ở tiệm net và tụ tập bạn bè, có khi không về. Tôi gọi điện, cháu không nghe, mấy lần đi tìm trong vô vọng…

Mỗi lần xin tiền không được, cháu rất hung hăng, có lần đã cầm dao đe dọa tôi phải cho cháu tiền để ra tiệm net chơi. Cháu nói ra đó game mới mạnh, còn chơi điện thoại hay máy vi tính ở nhà không đáp ứng nhu cầu của cháu” – chị Dung tâm sự.

Bỏ trường lớp vì nghiện game

Gần một năm nay, chị K.L. đã phải bảo lưu kết quả của cậu con trai đang theo học năm nhất đại học để điều trị bệnh rối loạn thần kinh bởi đã sử dụng điện thoại chơi game nhập vai quá nhiều. Đến một ngày, chị thấy con hay nói nhảm, lo sợ đủ thứ, không thể đến trường tiếp.

Chị kể: “Tôi đang nấu cơm thì cháu hỏi Mẹ nấu cơm thật hay con đang ở trên mạng vậy? Ánh mắt cháu khi đó thất thần.

Tôi dẫn đi khám mới hay cháu bị ảnh hưởng của game online và Internet. Tôi thường xuyên thấy cháu dùng điện thoại và máy vi tính, tưởng cháu học nhưng không ngờ hậu quả khủng khiếp. Uống thuốc gần một năm nay, cháu cũng cải thiện dần, nhưng vẫn chưa thể trở lại bình thường” – chị K.L. buồn rầu nói.

Phát hoảng khi con hỏi mẹ đang nấu cơm thật hay trong game vậy? - Ảnh 2.

Cấm chơi game rất khó, nhưng phụ huynh có thể giúp con kiểm soát giờ giấc chơi game ngay từ đầu – Ảnh: VŨ THỦY

Rất nhiều phụ huynh có con học cấp III rơi vào tình cảnh như chị K.L.. Biết con nghiện game và hay bỏ học chơi chung với một nhóm bạn trong trường, vợ chồng anh N.C.T. (ngụ quận 4) – phụ huynh của M.Đ. (học sinh lớp 10) – đã chuyển con sang trường khác, sau khi đã tìm mọi cách từ khuyên bảo đến đe dọa.

Nhưng chưa đầy một tuần, Đ. gây gổ với giáo viên, thậm chí đập bàn, đập ghế, đuổi đánh giáo viên. Đến lần tái phạm thứ hai, Đ. đã bị buộc nghỉ học. Gia đình anh T. đành gửi con vào một trường chuyên dành cho học sinh cá biệt.

Lời hứa mua điện thoại có thể là lời hứa hại con

Cô Phạm Thị Kim Dung – giáo viên chuyên trách phòng tâm lý tại Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) – cho biết ngày càng có nhiều phụ huynh tìm đến phòng tâm lý để nhờ can thiệp khi con nghiện game.

“Học sinh hiện nay chơi game rất nhiều, khi hầu hết các em đều có điện thoại riêng. Khi trò chuyện, rất nhiều phụ huynh cho biết họ hứa mua điện thoại cho con khi con tốt nghiệp cấp II. Có phụ huynh dù hoàn cảnh khó khăn nhưng vì lời hứa với con, thậm chí đã mua trả góp điện thoại cho con. Có điện thoại và được tự do sử dụng, nhiều em sa đà vào game. Đến khi gia đình phát hiện, các em đã chơi một thời gian dài, rất khó từ bỏ”, cô Dung cho biết.

Theo cô Dung, phụ huynh cần “phòng bệnh” – tránh để các em nghiện game rồi mới can thiệp. “Nếu mua điện thoại cho con, phụ huynh và các em phải có cam kết về giờ giấc sử dụng, chẳng hạn các em chơi game quá giờ sẽ bị thu, bị cấm sử dụng. Khi các em vi phạm, phụ huynh phải kiên quyết thực hiện quy định đã giao kèo với con… Nếu phụ huynh không quản lý điện thoại của con, lời hứa mua điện thoại có thể là lời hứa hại con”, cô chia sẻ.

Cô dự định thiết kế những bài nói về quản lý điện thoại, game online với phụ huynh và các em học sinh của trường ngay khi các em bắt đầu lớp 10, để “tránh mất bò mới lo làm chuồng”.

KIM ANH – VŨ THUỶ
TTO