Chúa Nhật X TN A 2020 – Lễ Chúa Ba Ngôi: Thiên Chúa Ba Ngôi đang sống

Trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”[1], ĐGH Phanxicô nhắc nhở chúng ta và các bạn trẻ về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn sống động trong đời sống của từng người tín hữu: “Đây là điều thiết yếu chúng ta không bao giờ được bỏ qua. Đây là một sứ điệp chứa đựng ba chân lý cao cả nhất mà chúng ta cần lắng nghe” (số 111).

Chúa Nhật X TN A 2020 – Lễ Chúa Ba Ngôi

Thiên Chúa Ba Ngôi đang sống

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Trong Tông huấn “Đức Kitô đang sống”[1], ĐGH Phanxicô nhắc nhở chúng ta và các bạn trẻ về sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn sống động trong đời sống của từng người tín hữu: “Đây là điều thiết yếu chúng ta không bao giờ được bỏ qua. Đây là một sứ điệp chứa đựng ba chân lý cao cả nhất mà chúng ta cần lắng nghe” (số 111). Đây cũng là chân lý đặc biệt nhất của Kitô giáo mà không một tôn giáo nào biết đến vì được chính Đức Giêsu chỉ dạy.

1. Thần linh trong các tôn giáo là gì hay là ai?

Hiện nay nhiều bạn trẻ ít quan tâm đến tôn giáo. Chỉ sau 10 năm kể từ cuộc Tổng kiểm tra dân số ngày 1/4/2009 đến 1/4/2019 và kết quả được công bố ngày 19/12/2019 ở Hà Nội, số người theo tôn giáo sụt giảm khoảng 5%, từ 18,23% xuống còn 13,7%, từ 15,6 triệu xuống 13,2 triệu[2]. Thực trạng này nói lên người Việt Nam ngày càng bớt quan tâm đến tôn giáo, nhất là giới trẻ. Đó cũng là xu hướng chung của toàn cầu.

Người trẻ xa rời tôn giáo, vì nhiều lý do, nhất là họ thấy tôn giáo không có ý nghĩa gì với đời sống thực dụng của mình. Những lời kinh, nghi lễ chẳng đem lại một lợi ích thiết thực nào, trái lại còn gây khó chịu, phiền toái. Nếu dành số thời gian đọc kinh, dự lễ đó để học hành, làm việc, giải trí,… có lẽ họ đã thu nhận được một chút gì[3].

Nhiều người ngày nay dị ứng với tôn giáo vì thấy các tôn giáo sùng bái rất nhiều thần linh mà họ thấy chúng chỉ là những sức mạnh tự nhiên được thần hoá như mây mưa sấm chớp (Tứ Pháp: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện trong Phật giáo)[4]. Nhiều thần linh của người Ai Cập mang những hình thù loài vật như thần trí tuệ Tehuti hình người đầu cò, thần Usir cai quản cõi âm có hình dạng đàn ông quấn trong vải ướp xác, thần xác ướp Anubis hình người đầu chó….

Các thần linh trong nền văn hoá Hy Lạp và La Mã, cũng như trong huyền thoại của các dân tộc (thí dụ: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh của nước ta), không có thật, mà chỉ là những sản phẩm do trí tưởng tượng con người thêu dệt nên để giải thích các hiện tượng trong trời đất (gió mưa, mặt trời, mặt trăng, sấm sét…), các hoạt động của con người (vui chơi, giải trí, tiệc tùng, chiến tranh, sống chết, cày cấy, lao động) hoặc các giá trị tinh thần như tình yêu, thi ca, y học, sắc đẹp.

Nhờ tinh thần biết suy tư, nhất là sau này được khoa học hỗ trợ, con người loại bỏ các sức mạnh thiên nhiên và vật chất ra khỏi danh sách thần linh vì biết rằng chúng chỉ là những vật thể vô hồn, không thể chi phối hay tác động đến con người. Tuy nhiên, sự hiện hữu của chúng vẫn đòi con người tìm hiểu: ai đã tạo thành các vật thể đó? Ai đã tạo nên cấu trúc vô cùng phức tạp của các sinh vật, ban vẻ đẹp tuyệt vời cho những bông hoa?

Con người nhận ra rằng phải có một Đấng linh thiêng tối cao tạo thành nên muôn vật muôn loài, gọi là Tạo Hoá, cũng là nguồn của chân thiện mỹ, để giải đáp các giá trị nơi các vật thể đó. Đấng đó được các dân tộc gọi bằng đủ thứ tên khác nhau: Trời, Thiên, Giàng, Chúa Trời, Thánh Allah, Đấng Chí Tôn, Đấng Cao Đài, Phạm Thiên, Thiên Chúa…

Khám phá tiếp theo của tinh thần con người là tất cả những giá trị hiện hữu đều phải bắt nguồn từ một tinh thần tuyệt đối, chứ không phải từ nhiều nguồn tách biệt nhau như các tôn giáo đa thần giới thiệu. Lý do là vì tinh thần tương đối của con người nhận ra những giá trị như: tình yêu, hạnh phúc, niềm vui, tự do, chân thiện mỹ, sự sống, nhân hậu, từ bi, thành tín, bình an, ân sủng… đều nằm ở trong tinh thần chứ không ở trong thể xác hay vật chất như hai bài đọc đầu vừa kể cho ta nghe[5].

Vì vậy, nhân loại thiên về khuynh hướng độc thần, nghĩa là chỉ tin vào một Đấng linh thiêng là nguồn của mọi hiện hữu. Đấng đó tự mình hiện hữu, có tất cả mọi sự và chia sẻ những gì mình có cho muôn loài. Ta gặp thấy khuynh hướng này ở Kitô giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, đạo Baha’i, đạo Sikh[6].

2. Thiên Chúa Ba Ngôi

Điểm khác biệt giữa các tôn giáo độc thần: trong khi Do Thái giáo và Hồi giáo chỉ tin Đức Giavê hay Đức Thánh Allah là Thiên Chúa duy nhất, thì Kitô giáo lại tin Thiên Chúa duy nhất đó có Ba Ngôi vị: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Ba Ngôi có ba tác động chuyên biệt dù trong hoạt động chỉ có một Thiên Chúa thực hiện: Ngôi Cha, Đấng sáng tạo; Ngôi Con, Đấng cứu độ; Ngôi Thánh Thần, Đấng thánh hoá. Cả ba có một bản tính duy nhất là bản tính Thiên Chúa. Đây là mầu nhiệm cao siêu nhất của Kitô giáo được chính Đức Giêsu là Con Một Thiên Chúa đã mạc khải cho con người[7].

Người ta đã dùng nhiều hình ảnh để giải thích về Thiên Chúa Ba Ngôi như hình ảnh một tam giác đều nhau có ba cạnh bằng nhau hoặc ba tài năng của một tinh thần như trí hiểu, trí nhớ và ý chí.

Tuy nhiên, thí dụ về tình yêu có thể giải thích rõ hơn. Thuở ban đầu chỉ có một Thiên Chúa và chưa có bất cứ vật gì. Thiên Chúa, với bản chất là tình yêu, đã phải yêu chính mình. Khi yêu, Ngài hiến dâng cho đối tượng mình yêu tất cả những gì là của mình hay bản thể của Thiên Chúa. Tức khắc, Thiên Chúa phát sinh thành hai ngôi vị Cha-Con. Cha là chủ thể yêu và Con là đối tượng được yêu. Ngôi Con có bản thể Thiên Chúa của Ngôi Cha. Cả hai ngôi có chung một bản thể Thiên Chúa.

Ngay sau đó, Ngôi Con, trong tư cách là chủ thể yêu, yêu lại Ngôi Cha của mình là đối tượng được yêu, và dâng hiến cho Cha tất cả những gì mình có. Lập tức, từ tình yêu của hai Ngôi, phát sinh ra Chúa Thánh Thần. Ngài là Ngôi thứ ba Thiên Chúa. Ngài là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con với nhau. Ngài có cùng một bản thể duy nhất với Chúa Cha và Chúa Con. Từ tình yêu của Ba Ngôi phát sinh ra muôn loài, cứu độ muôn loài và liên kết muôn loài với Thiên Chúa.

Trong bài Phúc Âm hôm nay, ta không nghe Đức Giêsu nói đến Ngôi Thánh Thần vì Ngài chính là tình yêu nối kết hai ngôi Cha Con và thế gian với nhau: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Ngài thì được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Chính tình yêu của Chúa Cha đã sáng tạo và dựng nên muôn loài. Tình yêu chân thật không bao giờ ích kỷ, đóng kín, tự thoả mãn với mình, nhưng luôn hướng về đối tượng mình yêu để chia sẻ tất cả những gì mình có. Vì thế, chúng ta đang được mời gọi nhìn lại tình yêu của mình để xem có chia sẻ những gì mình có cho người khác không, nhất là cho người nghèo khổ quanh ta? Tình yêu của ta có mang lại niềm vui, hạnh phúc, bình an cho họ không, hay khai thác, bóc lột, làm cho họ khốn khổ hơn cả khi chưa yêu ta? Tình yêu đó có thật sự tốt đẹp hay nó giả dối, ác độc, xấu xa?

Tình yêu cứu độ của Ngôi Con luôn mời gọi chúng ta dám hy sinh cho đến cùng như Chúa Giêsu đã chết trên thập giá. Chúng ta cảm nghiệm được tình yêu hy sinh ấy của vạn vật trong từng bữa ăn mỗi ngày, của cha mẹ hy sinh cho con cái, của người tình dám chết cho người mình yêu, của người chiến sĩ hy sinh mạng sống cho đất nước. Nếu tình yêu của ta không mang đặc tính cụ thể và hy sinh thì cũng không thể cứu độ muôn loài như Chúa Con.

Tình yêu thần thánh hoá là của Chúa Thánh Thần. Tình yêu này biến đổi con người và vạn vật thành thánh, thành thần linh như Thiên Chúa. Vì thế, tình yêu thật sự luôn mời gọi ta tôn trọng, nâng cao đối tượng mình yêu để giúp họ trở thành thần thánh, thành con cái Chúa như ta, chứ không phải làm nhục, hạ thấp họ thành vật sở hữu của mình. Rất nhiều lần, chúng ta đã hạ thấp, làm nhục, thậm chí biến người yêu thành phương tiện để thoả mãn tham vọng và dục vọng hoặc bắt người yêu hành động như những con rối. Chúa Thánh Thần mời gọi ta thay đổi để tình yêu trong sáng, quảng đại hơn.

Lời kết

Hôm nay, chúng ta hãy xin Chúa Ba Ngôi đổ tình yêu sáng tạo, cứu độ và thánh hoá vào lòng ta, nhất là cho các bạn trẻ, để mỗi lần làm dấu Thánh Giá, ta nhớ đến sự hiện diện sống động của Chúa và làm chứng cho Ngài. Amen.

  1. x. ĐGH Phanxicô, Đức Kitô đang sống (Christus vivit) công bố ngày 25/3/2019, từ số 111 đến 133.
  2. x. Ban chỉ đạo Tổng Điều tra Dân số, Kết quả toàn bộ, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2010, tr.281.Cổng thông tin điện tử Chính phủ, bài: Công bố kết quả chính thức Tổng Điều tra Dân số 2019, ngày 19/12/2019.
  3. x. ĐGH Phanxicô, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Đức Kitô đang sống, số 40.
  4. x. Bài Tứ Pháp trong vai trò chấn hưng văn hóa Đại Việt, Giác Ngộ Online
  5. x. Xh 34, 4-9; 2 Cr 13, 11-13
  6. x. Wikipedia, bài Tôn giáo, Internet.
  7. x. Mt 28,19; Ga 7,38-39; 14,15-16.26; 15,26; 16,13-15; 20,22-13; Cv 2,1-11; Rm 15,6; 2Cr 11,31; Ep 1,3…

 

Nguồn: HKK