Cô đơn, sinh tồn và tình yêu thương trong đại dịch

Trong những lúc bất định – thật ra là kỳ lạ – như lúc này, trong lúc chúng ta gia tăng cách ly xã hội để ‘kéo thẳng đường cong số ca bệnh’, văn chương đem đến cho chúng ta lối thoát, sự nhẹ nhõm, thoải mái và bạn đồng hành.

Jane Ciabattari
BBC Culture

Trong những lúc bất định – thật ra là kỳ lạ – như lúc này, trong lúc chúng ta gia tăng cách ly xã hội để ‘kéo thẳng đường cong số ca bệnh’, văn chương đem đến cho chúng ta lối thoát, sự nhẹ nhõm, thoải mái và bạn đồng hành.

Mặc dù không dễ chịu cho lắm nhưng sức lôi cuốn của các tiểu thuyết về dịch bệnh cũng tăng lên.

Những tựa sách về đại dịch nghe như sách hướng dẫn cho tình hình ngày hôm nay. Và nhiều tiểu thuyết như thế đã trình bày tiến triển theo trình tự thời gian thực tế, từ những dấu hiệu đầu tiên cho đến thời điểm tồi tệ nhất, và sự trở lại của ‘đời sống bình thường’.

Chúng cho chúng ta thấy chúng ta đã từng trải qua chuyện này trước đây. Chúng ta đã sống sót.

‘Ký Sự Năm Dịch’

Tiểu thuyết ‘Ký Sự Năm Dịch’ (A Journal of the Plague Year) của Daniel Defoe vào năm 1722 – kể lại trận dịch hạch hồi năm 1665 ở London – đã tường thuật tỉ mỉ một cách lạ lùng các sự kiện gợi nhắc lại phản ứng của chính chúng ta trước cú sốc ban đầu và sự lây lan ào ạt của loại virus mới.

Defoe bắt đầu câu chuyện vào tháng 9/1664, khi tin đồn lan truyền về sự trở lại của dịch bệnh ở Hà Lan.

Tiếp đến là cái chết đáng ngờ đầu tiên ở London vào tháng 12 và sau đó, khi mùa xuân đến, Defoe mô tả các tin báo tử đăng ở các giáo xứ địa phương tăng lên như điềm gở như thế nào.

Đến tháng 7, khu City of London đã thực thi các quy tắc mới – các quy tắc đã trở thành nếp trong đợt phong tỏa năm 2020 của chúng ta, chẳng hạn như “tất cả các bữa tiệc chung, nhất là các bữa tiệc của các công ty ở khu vực này, và bữa tối tại các quán rượu, quán bia và những nơi giải trí thông thường khác, bị cấm cho đến khi có lệnh mới”.

Không có gì, Defoe viết, “gây chết chóc cho cư dân ở thành phố này hơn là sự lơ là cho qua của chính người dân, những người trong suốt thời gian dài đã được thông báo hoặc cảnh báo về tai họa nhưng lại không có sự chuẩn bị bằng cách dự trữ thực phẩm hoặc những thứ thiết yếu khác để bản thân họ có thể rút lui về sống trong nhà mình, như tôi đã quan sát những người khác đã làm, những người đã giữ được tính mạng tốt hơn rất nhiều nhờ vào sự thận trọng đó…”

Đến tháng 8, Defoe viết, trận dịch “rất dữ dội và khủng khiếp”; đến đầu tháng 9, nó đạt đến độ thảm khốc nhất, khi mà “toàn bộ các gia đình, và thực sự là toàn bộ các gia đình trên các đường phố đều bị quét sạch”.

Đến tháng 12, “bệnh dịch đã hết chỗ lây, và tiết trời mùa đông ập đến, không khí trong trẻo và lạnh lẽo, với sương giá rét buốt… hầu hết những người ngã bệnh đã hồi phục và thành phố bắt đầu lấy lại sức sống.”

Khi cuối cùng các đường phố cũng đã có dân cư trở lại, “mọi người đã đi dọc theo các đường phố để tạ ơn Chúa đã giúp giải thoát cho họ.”

Còn gì có thể gay cấn hơn là ghi lại một khoảnh khắc khi dịch đang diễn ra, khi căng thẳng và cảm xúc dâng cao, và bản năng sinh tồn trỗi dậy? Kể lại về đại dịch là điều tự nhiên đối với các tiểu thuyết gia hiện thực như Defoe, và sau này là Albert Camus.

‘Đại Dịch’

Bản quyền hình ảnh: Other

Tác phẩm ‘Đại Dịch’ (The Plague) của Camus, trong đó thành phố Oran ở Algeria bị đóng cửa trong nhiều tháng vì bệnh dịch tàn sát người dân thành phố (như đã từng xảy ra ở Oran trong Thế kỷ 19), cũng có rất nhiều điểm tương đồng với cuộc khủng hoảng ngày nay.

Các nhà lãnh đạo địa phương lúc đầu miễn cưỡng thừa nhận những dấu hiệu ban đầu là những xác chuột chết nằm khắp các đường phố.

“Những người cha của thành phố chúng ta liệu có ý thức được rằng các xác chuột chết đang phân hủy là mối nguy hiểm nghiêm trọng đối với dân chúng hay không?” một nhà báo chuyên mục đặt vấn đề trên tờ báo địa phương.

Người dẫn chuyện, Tiến sĩ Bernard Rieux, đã phản ánh hành động anh hùng thầm lặng của nhân viên y tế. “Tôi không biết điều gì đang chờ đợi tôi, hoặc điều gì sẽ xảy ra khi tất cả chuyện này kết thúc. Hiện tại, tôi biết rằng: có những người bị bệnh và họ cần được chữa trị,” ông nói.

Cuối cùng là có bài học mà những người sống sót đã rút ra: “Giờ đây họ biết rằng nếu có một điều mà con người luôn có thể khao khát, và đôi khi đạt được, đó là tình yêu thương của con người.”

Cúm Tây Ban Nha vào năm 1918 đã định hình lại thế giới, khiến 50 triệu người thiệt mạng, sau khi 10 triệu người đã chết trong Đệ nhất Thế chiến.

Mỉa mai thay, tác động toàn cầu gay cấn của bệnh dịch đã bị lu mờ trước những sự kiện thậm chí còn kịch tính hơn của cuộc chiến tranh thế giới, vốn đã tạo nguồn cảm hứng cho vô số tiểu thuyết.

Khi mọi người giờ đây đang thực hành ‘giãn cách xã hội’ và các cộng đồng trên toàn cầu áp dụng biện pháp phong tỏa, mô tả của Katherine Anne Porter về sự tàn phá của dịch cúm Tây Ban Nha trong cuốn tiểu thuyết có tựa là ‘Ngựa Xám xịt, Người Xám xịt’ vào năm 1939 đem lại cho chúng ta cảm giác quen thuộc: “Nó vô cùng tồi tệ… tất cả các nhà hát và gần như tất cả các cửa hàng và nhà hàng đều đóng cửa, và trên đường phố thì cả ngày là những đám tang và cả đêm là xe cứu thương”, Adam, bạn của nữ chính Miranda, nói với cô ngay sau khi cô được chẩn đoán là mắc cúm.

Porter khắc họa các cơn sốt và thang thuốc của Miranda, và khoảng thời gian nhiều tuần cô bị bệnh và hồi phục, trước khi cô tỉnh dậy và thấy trước mắt là một thế giới mới được định hình lại trước những mất mát do trận dịch và chiến tranh.

Bản thân Porter cũng gần như bước đến ngưỡng cái chết vì bệnh dịch. “Tôi đã thay đổi bằng một cách kỳ lạ nào đó,” bà nói với tờ Paris Review trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1963. “Tôi đã mất một thời gian dài để bước ra ngoài và sống trong thế giới một lần nữa. Tôi đã thực sự bị ‘xa lánh’ theo ý nghĩa đơn thuần nhất của từ này.”

‘Năm Lụt’

Những dịch bệnh của Thế kỷ 21 – dịch SARS hồi năm 2002, MERS hồi năm 2012, Ebola năm 2014 – đã gợi cảm hứng cho các tiểu thuyết viết về sự tiêu điều, đổ nát sau dịch bệnh, các thành phố bỏ hoang và cảnh quan bị tàn phá.

‘Năm Lụt’ (The Year of the Flood) của Margaret Atwood (2009) cho chúng ta thấy một thế giới hậu đại dịch với con người gần như tuyệt chủng, với phần lớn dân số đã bị xóa sổ hồi 25 năm trước trong ‘Trận Lụt Không Có Nước’ của một dịch bệnh độc hại ‘di chuyển trong không khí như thể đang bay trên đôi cánh, nó xé qua các thành phố như ngọn lửa’.

 

Bản quyền hình ảnh Other
   Tác giả Margaret Atwood miêu tả việc thế giới bị một loài virus tàn phá trong cuốn tiểu thuyết ra năm 2009, ‘Năm Lụt’ (The Year of the Flood)

Atwood ghi lại sự cô lập cùng cực mà một vài người sống sót đã cảm nhận. Toby, một người làm vườn, lướt mắt nhìn theo đường chân trời từ khu vườn tự cung tự cấp trên sân thượng của cô. “Phải còn lại người khác nữa.. cô ấy không thể là người duy nhất trên hành tinh. Phải có người khác. Nhưng là bạn hay thù? Nếu cô ấy nhìn thấy một người, làm sao để biết được?”

Ren, từng là một vũ công xà treo – một trong những ‘cô gái bẩn thỉu sạch sẽ nhất trong thị trấn’ – còn sống vì cô ấy bị cách ly vì một bệnh có khả năng là cô lây nhiễm từ khách hàng. Cô viết tên của mình hết lần này đến lần khác. “Bạn có thể quên mình là ai nếu bị cô đơn quá lâu.”

Bằng sự hồi tưởng, Atwood đã làm rõ làm sao mà sự cân bằng giữa thế giới tự nhiên và nhân loại bị công nghệ sinh học do các tập đoàn cầm quyền tài trợ phá hủy, và làm thế nào các nhà hoạt động như Toby đấu tranh chống lại.

Luôn cảnh giác với mặt trái của khoa học, Atwood chỉ dựa trên các tiền đề hợp lý để viết tác phẩm của bà, làm cho ‘Năm Lụt’ mang tính tiên tri.

Điều làm cho các tiểu thuyết về đại dịch trở nên hấp dẫn là con người chung tay chiến đấu với một kẻ thù không phải là con người.

Không có ‘kẻ tốt’ hay ‘người xấu’; hoàn cảnh đại dịch rắc rối hơn. Mỗi nhân vật có cơ hội như nhau để sống sót hay mất mạng. Phạm vi phản ứng của các cá nhân trước các tình huống thảm khốc làm thành chất liệu lôi cuốn cho tiểu thuyết gia – và độc giả.

‘Cắt Đứt’

Bản quyền hình ảnh Other

‘Cắt Đứt’ (Severance) của Ling Ma (2018), được tác giả mô tả là “tiểu thuyết về ngày tận thế cho dân văn phòng” với câu chuyện nền về người nhập cư, qua lời thuật của Candace Chen, một người trẻ làm việc tại một công ty xuất bản Kinh Thánh và có trang blog riêng.

Cô là một trong chín người sống sót chạy trốn khỏi Thành phố New York trong đại dịch hư cấu Sốt Shen vào năm 2011. Ma khắc họa thành phố sau khi ‘cơ sở hạ tầng sụp đổ, Internet sụp trong một hố sụt, lưới điện ngừng hoạt động.’

Candace tham gia vào một chuyến đi đến một thương xá ở ngoại ô Chicago, nơi cả nhóm dự định sẽ ở lại sinh sống.

Họ băng qua một khu vực nơi sinh sống của người ‘sốt’, ‘những người làm theo thói quen, bắt chước những nếp và cử chỉ cũ’ cho đến khi chết.

Những người sống sót miễn dịch ngẫu nhiên hay sao? Hoặc ‘được chọn’ bởi bàn tay của Đấng Siêu nhiên? Candace phát hiện ra sự đánh đổi cho sự an toàn là sự trung thành nghiêm ngặt đối với các quy tắc tôn giáo mà thủ lĩnh của họ, Bob, một cựu kỹ thuật viên IT chuyên quyền, đặt ra. Không sớm thì muộn cô ấy cũng phản kháng.

Tất nhiên, tình hình hiện tại của chúng ta không hề khắc nghiệt như hoàn cảnh trong ‘Cắt Đứt’.

Ling Ma khai thác tình huống xấu nhất mà may mắn là chúng ta đang không phải đối mặt. Trong tiểu thuyết của mình, bà nhìn vào những gì xảy ra trong thế giới tưởng tượng của bà sau khi đại dịch thoái trào. Sau điều tồi tệ nhất, thì ai chịu trách nhiệm xây dựng lại cộng đồng, xây dựng lại nền văn hóa?

Trong một nhóm người sống sót ngẫu nhiên, tiểu thuyết đặt vấn đề, ai quyết định cho ai có quyền lực? Ai đặt ra các hướng dẫn để thực hành tôn giáo? Làm thế nào để mọi người giữ được năng lực độc lập của mình?

‘Trạm Mười Một’

Những câu chuyện tường thuật trong tiểu thuyết ‘Trạm Mười Một’ (Station Eleven) vào năm 2014 của Emily St John Mandel diễn ra trước, trong và sau khi một bệnh cúm lây truyền dữ dội bắt nguồn từ Cộng hòa Georgia, ‘phát nổ như một quả bom neutron trên bề mặt trái đất’, xóa sổ 99% dân số toàn cầu.

Bản quyền hình ảnh Other
  Tiểu thuyết Trạm Mười Một (2014) của Emily St John Mandel nói về cách thế giới tái thiết   sau khi bị một loại virus tấn công

Đại dịch bắt đầu vào đêm một diễn viên đóng vai King Lear bị đau tim trên sân khấu. Vợ ông là tác giả của bộ truyện tranh khoa học viễn tưởng lấy bối cảnh trên hành tinh có tên là Station Eleven, nơi xuất hiện 20 năm sau đó, khi một đoàn diễn viên và nhạc sĩ đi qua ‘một cụm các thị trấn nhỏ’, trình diễn các vở ‘Giấc Mộng Đêm Hè’ và ‘Vua Lear’ tại các thương xá bỏ hoang.

Ai và cái gì quyết định nghệ thuật? Mandel hỏi. Văn hóa người nổi tiếng có quan trọng không? Chúng ta sẽ tái thiết như thế nào sau khi con virus vô hình bủa vây? Nghệ thuật và văn hóa sẽ thay đổi như thế nào?

Không nghi ngờ gì sẽ có những cuốn tiểu thuyết về hoàn cảnh hiện tại của chúng ta đang được viết. Những người kể chuyện trong những năm tới đây sẽ miêu tả đại dịch này như thế nào?

Họ sẽ thuật lại tinh thần cộng đồng dâng cao với vô số anh hùng trong chúng ta như thế nào?

Đó là những câu hỏi cần suy gẫm khi chúng ta đọc nhiều hơn và chuẩn bị cho thế giới mới xuất hiện.

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Culture.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cul-52808162