Nước Mỹ sôi sục biểu tình, bạo động

Nước Mỹ sôi sục biểu tình, bạo động

Bạo động và biểu tình diễn ra rầm rộ tại ít nhất 30 thành phố ở Mỹ sau khi một người da màu tử vong vì hành động vũ lực quá mức của cảnh sát.
Xe cảnh sát bị đốt cháy tại Atlanta /// Ảnh: Reuters
Xe cảnh sát bị đốt cháy tại Atlanta  ẢNH: REUTERS

“Tôi không thở được”

Thị trưởng TP.Minneapolis (bang Minnesota) Jacob Frey hôm qua ban hành lệnh giới nghiêm sau các cuộc biểu tình và bạo động liên tục, theo sau cái chết của người đàn ông da màu George Floyd, theo Reuters. Nạn nhân 46 tuổi bị 4 cảnh sát vây bắt và tử vong sau khi dùng tiền giả để mua hàng vào hôm 25.5. Đoạn phim được công bố sau đó cho thấy viên cảnh sát tên Derek Chauvin dùng đầu gối ghì cổ ông Floyd xuống đất trong gần 9 phút, bất chấp người này van xin và nói không thở được. Ông Floyd bất tỉnh và được thông báo tử vong tại bệnh viện.
Cả 4 cảnh sát bị sa thải, trong đó ông Chauvin hôm qua bị truy tố tội giết người cấp độ 3 và tội ngộ sát, đối diện mức án tổng cộng 35 năm tù, theo CNN. 3 cảnh sát còn lại đang bị điều tra và sẽ sớm bị truy tố. Tuy nhiên, gia đình nạn nhân cho rằng mức án như vậy đối với ông Chauvin là chưa đủ mạnh và kêu gọi giới chức cứng rắn hơn với những người còn lại.

Thách thức lệnh giới nghiêm

Bản cáo trạng nói trên không làm nguôi cơn giận của cộng đồng. Theo AFP, nhiều tòa nhà tại Minneapolis và TP.St.Paul kế bên đã bị đốt phá. Cảnh cướp bóc cũng diễn ra ở một số nơi buộc chính quyền bang phải huy động vệ binh quốc gia để tuần tra và khôi phục trật tự. Tuy vậy, nhiều người biểu tình đeo khẩu trang bất chấp lệnh giới nghiêm vẫn xuống đường phản đối, trong khi cảnh sát đáp lại bằng hơi cay, đạn cao su và lựu đạn gây choáng.
Đài KSTP hôm qua đưa tin nạn nhân George Floyd và cảnh sát Derek Chauvin từng là đồng nghiệp ở một hộp đêm tại Minneapolis ít nhất là đến năm ngoái. Đài này dẫn lời bà Maya Santamaria, chủ cũ của hộp đêm, cho biết ông Floyd là nhân viên an ninh phụ trách bên trong, còn ông Chauvin làm thêm ngoài giờ tại cơ sở này trong 17 năm, chủ yếu phụ trách vòng ngoài. Tuy nhiên, bà Santamaria nói không rõ hai người này có quen biết nhau hay không.

Cảnh sát chống bạo động đã được triển khai tại nhiều thành phố khác để ngăn bạo lực và cướp phá, nhưng tình trạng xô xát giữa người biểu tình và cảnh sát vẫn tiếp diễn. Tại TP.Atlanta, một số xe cảnh sát bị đốt cháy và người biểu tình đập phá cửa hàng. Tại New York, hàng ngàn người đổ xuống đường phản đối và ít nhất 200 người bị bắt. Hàng loạt vụ bắt giữ cũng diễn ra ở các cuộc biểu tình khác, trong đó tại Houston có khoảng 100 – 150 người, theo Đài KPRC-TV.

Ở thủ đô Washington D.C, lệnh phong tỏa được ban hành tại Nhà Trắng trong một thời gian ngắn vào tối 29.5 sau khi hàng trăm người tập trung đòi công lý cho ông Floyd, theo NBC News. Trong khi đó, một thanh niên bị bắn chết khi tham gia biểu tình tại Detroit vào tối 29.5. Truyền thông địa phương đưa tin nghi phạm lái xe hơi ngang qua đám đông và nổ súng rồi bỏ đi. Tại Oakland, 2 nhân viên an ninh thuộc Bộ An ninh nội địa phụ trách bảo vệ các cơ quan chính phủ bị trúng đạn trong cuộc biểu tình, một người tử vong sau đó.
Tổng thống Donald Trump hôm qua cho biết đã nói chuyện và chia buồn với gia đình ông Floyd về “vụ việc kinh khủng”. Nhà lãnh đạo tuyên bố ủng hộ biểu tình ôn hòa nhưng nhấn mạnh không thể để tình hình tại Minneapolis trở nên hỗn loạn, vô pháp.
VI TRÂN
TNO