Vì sao dọn dẹp ‘cho đã’ rồi nhà cửa vẫn cứ lộn xộn?

Vì sao dọn dẹp ‘cho đã’ rồi nhà cửa vẫn cứ lộn xộn?

Bạn đã từng tốn hàng giờ dọn dẹp nhà cửa, phòng ngủ, bàn làm việc… nhưng rồi nhận ra chỉ ít ngày, thậm chí vài giờ sau, chúng lại bề bộn? Theo nhiều nhà khoa học, ‘lộn xộn’ là xu hướng chung của vũ trụ.

 

Vì sao dọn dẹp cho đã rồi nhà cửa vẫn cứ lộn xộn? - Ảnh 1.
Nhà cửa bừa bộn hơn là xu hướng chung theo thời gian – Ảnh: GETTY IMAGES

Theo TS khoa học Alice Motion, thuộc Đại học Sydney (Úc), chuyện nhà cửa, phòng ốc theo thời gian dần lộn xộn có phần liên quan đến định luật thứ hai nhiệt động lực học.

Định luật này chỉ rõ: về chất của năng lượng, khi truyền đi hay chuyển hóa, năng lượng sẽ bị tiêu hao càng lúc càng nhiều. Ngoài ra, xu hướng tự nhiên của bất kỳ hệ cô lập nào trong vũ trụ là suy thoái sang một trạng thái mất trật tự hơn.

TS Motion cho rằng chuyện phòng ốc rất tương đồng với định luật này, nếu xem căn phòng là một hệ cô lập.

Điều này phần nào lý giải, dù chủ nhân căn nhà tỉ mỉ và cẩn thận đến đâu, sau một khoảng thời gian dọn dẹp, nhà đều có xu hướng lộn xộn. Mức độ lộn xộn này tùy vào mỗi người, trong từng không gian khác nhau. Chẳng hạn có người tủ quần áo luôn ngăn nắp, nhưng bàn làm việc không thể nào gọn gàng.

Theo TS Motion, các định luật nhiệt động lực học rất quan trọng, ngoài ảnh hưởng đến các ngành khoa học còn phần nào thể hiện quá trình vận động của sự vật, hiện tượng trong vũ trụ.

Trong khi đó TS Jonathan Tuke – chuyên ngành toán thống kê, Đại học Adelaide (Úc) – cho rằng vấn đề gọn gàng hay lộn xộn của căn nhà phụ thuộc rất nhiều vào số đồ đạc mà chúng ta có.

Khi càng nhiều vật trong một không gian, theo toán học, khi đó có càng nhiều trường hợp đặt để đồ đạc trong nhà, đồng nghĩa xác suất để đồ lộn xộn cao hơn.

Tương tự như trò chơi sudoku, những ô trống là các không gian trong nhà, có thể vừa mắt hoặc không. Các con số cần điền giống như đồ đạc mà bạn có. Đồng nghĩa, nếu có càng nhiều con số thì xác suất đặt vào những ô không vừa ý sẽ cao hơn.

Vì sao dọn dẹp cho đã rồi nhà cửa vẫn cứ lộn xộn? - Ảnh 2.

Giống như trò chơi sudoku, càng nhiều lựa chọn đồng nghĩa các trường hợp sắp xếp lộn xộn sẽ càng cao – Ảnh: GETTY IMAGES

Theo TS Tuke, kiến thức toán học cũng có thể dùng để dọn bớt đồ đạc nhưng vẫn tạo cảm giác không thiếu thốn.

Nhiều chị em thường than thở rằng không có quần áo để mặc nên mua hàng tá đồ nhưng chỉ diện được vài lần.

Tuy nhiên với 7 chiếc áo, 7 chiếc quần, 7 đôi giày là đã có thể “phối” tối đa thành 343 phong cách khác nhau, đồng nghĩa phụ nữ trên lý thuyết có thể làm mới gần như cả năm chỉ bằng 21 món đồ.

Vì sao dọn dẹp cho đã rồi nhà cửa vẫn cứ lộn xộn? - Ảnh 3.

Có thể dùng tổ hợp để tính toán các cách kết hợp trang phục khác nhau và dọn bớt quần áo – Ảnh: GETTY IMAGES

Cũng theo TS Tuke, ít đồ đạc còn giúp ích cho tâm lý, bên cạnh chuyện đỡ vất vả dọn dẹp. “Khi có quá nhiều đồ, việc lựa chọn sẽ làm bạn mệt mỏi hơn”, TS Duke nói.

HOÀNG THI (Theo ABC News)
TTO