Trung Quốc có thể lập cơ quan an ninh ở Hong Kong ‘khi cần thiết’

Trung Quốc có thể lập cơ quan an ninh ở Hong Kong ‘khi cần thiết’

Theo bản dự thảo luật an ninh quốc gia dành cho Hong Kong, Trung Quốc có thể sẽ thiết lập các cơ quan an ninh tại đặc khu này “khi cần thiết”.

 

Trung Quốc có thể lập cơ quan an ninh ở Hong Kong khi cần thiết - Ảnh 1.

Lãnh đạo đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam (giữa) đến dự một cuộc họp báo sau khi dự phiên khai mạc kỳ họp NPC tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh hôm 22-5 – Ảnh: AFP

Hôm 22-5 – ngày khai mạc kỳ họp thứ 3 khóa XIII của Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (NPC, tức Quốc hội) Trung Quốc, một bản dự thảo “Quyết định về thiết lập và cải thiện hệ thống pháp lý cùng các cơ chế thực thi dành cho Hong Kong để đảm bảo an ninh quốc gia” đã được trình lên NPC để thảo luận.

Bản dự thảo gồm 7 điều. Trong đó đáng chú ý tại điều 4, có một nội dung: “Khi cần thiết, các tổ chức an ninh quốc gia liên quan của chính quyền trung ương Trung Quốc sẽ thiết lập các cơ quan tại đặc khu hành chính Hong Kong để hoàn thành các nhiệm vụ liên quan nhằm bảo vệ an ninh quốc gia phù hợp với luật”.

Nội dung này cũng đã được ông Vương Thần, phó ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ NPC khóa XIII, nêu ra trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp NPC hôm 22-5. Nội dung này được truyền thông Hong Kong và phương Tây đặc biệt chú ý.

Theo trang Financial Times, giới chỉ trích lo sợ luật an ninh với nội dung như trên sẽ cho phép các tổ chức an ninh quốc gia của Trung Quốc, chẳng hạn Bộ An ninh quốc gia (cơ quan phụ trách an ninh quốc gia và hoạt động tình báo chính của Trung Quốc) hoạt động công khai tại Hong Kong.

Trong khi đó, Hãng tin Reuters cho biết các nhà ngoại giao bên ngoài lo sợ việc Bắc Kinh thiết lập các cơ quan như vậy tại Hong Kong có thể sẽ trao cho giới chức an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục các quyền thực thi pháp luật.

Theo báo South China Morning Post, giới phân tích và cả các đại biểu của Hong Kong tại NPC vẫn còn đang thắc mắc làm thế nào mà các cơ quan an ninh quốc gia của chính quyền trung ương và địa phương có thể vận hành chung tại Hong Kong và việc thực thi pháp luật sẽ được tiến hành ra sao, để không gây ra tình trạng bế tắc hoặc một cuộc khủng hoảng do những xung đột giữa luật quốc gia và luật tại Hong Kong.

“Tôi quan ngại về các chi tiết làm thế nào để luật được thực thi ở Hong Kong. Ủy ban Thường vụ NPC sẽ phải công bố thêm thông tin và giải quyết những lo ngại của người dân Hong Kong. Hiện tại các đại biểu được cung cấp ít thông tin” – Bernard Chan, một đại biểu Hong Kong tại NPC, nói.

Tuy nhiên, trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam nói rằng chính quyền của bà sẽ “hoàn toàn hợp tác” với NPC để bảo vệ an ninh quốc gia. Bà nói rằng luật an ninh quốc gia sẽ không ảnh hưởng tới các quyền, sự tự do hay độc lập về tư pháp của Hong Kong.

Bản dự thảo trên sẽ được bỏ phiếu vào cuối kỳ họp NPC ở Bắc Kinh, có thể vào ngày 28-5. Theo báo Nikkei, luật an ninh quốc gia trên có thể có hiệu lực sớm nhất là vào tháng 6 nhưng thời gian chính xác vẫn chưa rõ.

Còn trang HKFP dẫn các nguồn tin cho biết luật mới sẽ được đưa vào Phụ lục III của Luật cơ bản Hong Kong và sẽ được chính quyền Hong Kong công bố trước tháng 9.

BÌNH AN
TTO