‘Khám sức khoẻ’ hộ kinh doanh

‘Khám sức khoẻ’ hộ kinh doanh

Sau dịch Covid-19, nhiều hộ kinh doanh đã đóng cửa và “sức khoẻ” sa sút trầm trọng.
Nhiều hộ kinh doanh vẫn đang xin nghỉ hoặc teo tóp về doanh số trong mùa dịch Covid-19 /// Ảnh: Ngọc Dương
Nhiều hộ kinh doanh vẫn đang xin nghỉ hoặc teo tóp về doanh số trong mùa dịch Covid-19  ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Cả nước hiện có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh (HKD), giải quyết hơn 7,9 triệu lao động, tạo ra 2,2 triệu tỉ đồng doanh thu, chiếm khoảng 30% GDP, nhưng đa số đều hoạt động theo kiểu truyền thống gia đình, quy mô nhỏ. Từ khi dịch Covid-19 bùng nổ đến nay, nhiều HKD đã ngưng hoạt động khiến lượng người thất nghiệp trong xã hội gia tăng. Ông Lê Trung, chủ cơ sở may mặc tại Q.Tân Phú (TP.HCM), chia sẻ, từ tháng 2 đến nay không có doanh thu, tháng 2 – 3 ế ẩm và ảnh hưởng vì dịch bệnh. Từ đó, ông làm đơn xin nghỉ kinh doanh từ tháng 4 – 6 để khỏi đóng thuế.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm nay, có 22.700 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 33,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số tăng đột biến này được cơ quan thống kê đánh giá hết sức quan ngại. Chưa hết, cả nước cũng có gần 14.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 5.277 DN đăng thông báo giải thể và 5.776 DN chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng giai đoạn 2015 – 2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19. Dù không có số liệu thống kê về tình hình của HKD trong 4 tháng đầu năm nhưng các chuyên gia kinh tế đều cho rằng đây là đối tượng bị tác động mạnh do quy mô, tài chính, nhân lực đều nhỏ và yếu. Do đó các hộ gia đình sẽ khó có cơ hội phục hồi nhanh như DN với quy mô, tiềm lực tài chính thường cao hơn.

“Sau 1 tháng giãn cách xã hội, các chợ mở cửa hoạt động lại nhưng ế lắm, nhất là hàng quần áo. Nếu tình hình kéo dài thế này không biết có kinh doanh được nữa hay nên nghỉ luôn. Hiện chi phí sinh hoạt của cả nhà thì lấy từ tiền tiết kiệm xài rồi từ từ tính tiếp chứ biết sao”, ông Lê Trung thở dài. Đồng cảnh ngộ, ông Hoàng Vũ, chủ cơ sở sản xuất túi xách tại Q.7 (TP.HCM), cũng cho biết đã làm đơn xin nghỉ từ tháng 3 – 5 vì hàng không bán được. Cơ sở này chuyên may cặp sách cho học trò và khi các trường đồng loạt đóng cửa kéo theo nhu cầu giảm về gần như bằng 0. Trước đây mỗi tháng, thuế khoán HKD của ông Vũ đóng hơn 3 triệu đồng, nên việc xin nghỉ cũng sẽ giúp ông tiết kiệm được một khoản và dồn vào trang trải cho gia đình.

Hay bà chủ quán phở tên Hoa ở Q.3 (TP.HCM) – tồn tại hơn 20 năm nay – cho biết: Tính chung từ người giữ xe, rửa bát, bưng bê, phụ bếp…, quán thường xuyên có hơn 10 người. Thậm chí có những ngày cuối tuần khách đông, bà chủ quán còn hô hào con cháu ra phục vụ cho nhanh. Dù số người đông đúc như vậy, nhưng bà cho biết doanh thu không cao và tiền lãi cũng chỉ đủ chi tiêu cho cả nhà sau khi trừ hết chi phí. Mấy tháng qua cũng như nhiều cửa hàng khác, quán phở của bà Hoa đã phải cho nghỉ bớt người phụ việc vì lượng khách giảm hẳn. Dù vậy, chi phí thuê mặt bằng chỉ được giảm 30% trong vòng 1 tháng giãn cách xã hội và tiền thuế cũng vậy.
“Mua bán nhỏ lẻ như tụi tui chỉ theo kiểu lấy công làm lời mà giờ ngày càng khó khăn. Sau dịch bệnh nhiều người đã có thói quen ăn uống ở nhà nhiều hơn nên hàng quán vắng vẻ hơn. Kiểu này không khéo nếu kéo dài phải đóng quán nghỉ hẳn luôn chứ mở ra mà tiền thu vào không đủ tiền chi ra thì càng chết”, bà Hoa than.

Con đường lên doanh nghiệp xa vời

Theo quy định hiện hành, các HKD sử dụng từ 10 lao động trở lên phải đăng ký lên doanh nghiệp (DN). Không những thế, từ nhiều năm qua, cán bộ thuế các địa phương cũng vận động nhiều HKD đăng ký lên DN dù số lao động ít hơn quy định. Bà Hoa từng được nhắc nhở nhiều lần về việc đăng ký lập DN, nhưng bà cứ né tránh vì rắc rối, phức tạp trong khi bà không có ý định mở rộng buôn bán. Thậm chí bà Hoa cho rằng nếu bị “ép” quá thì bà đóng quán, nghỉ luôn.
Bản thân cơ sở sản xuất túi xách của ông Hoàng Vũ dù khai báo không quá 10 lao động, nhưng cũng được vận động lên DN trong nhiều năm qua. Ông giải thích lên DN là phải ít nhất có thêm người làm sổ sách kế toán, rồi liên quan đến nhân sự, đóng bảo hiểm các loại… thì sẽ phải có thêm việc. Từ đó cần thêm người thì chắc chắn sẽ phát sinh chi phí. Đó là chưa kể hàng loạt thủ tục khác liên quan.
Hơn nữa, theo ông Hoàng Vũ, đại dịch Covid-19 khiến các cơ sở sản xuất, HKD gia đình nhỏ lẻ như ông bị tác động nặng nề và ngày càng teo tóp cả về doanh số, lợi nhuận hay lượng người làm. Thậm chí nhiều người không cầm cự được sau mấy tháng ế ẩm, thua lỗ thì sẽ đóng cửa.
TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính – Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định việc các HKD từ chối lên DN là dễ hiểu vì hiện vẫn có nhiều thủ tục hành chính rắc rối. Chẳng hạn như là DN phải đóng đủ bảo hiểm xã hội cho người lao động mới được khấu trừ chi phí lương trong hoạt động, nhưng với HKD thì họ chỉ trả lương trọn gói theo thỏa thuận. Thậm chí, theo TS Lê Đạt Chí, để hoàn tất thủ tục thành lập DN cũng mất khá nhiều thời gian, dù cơ quan quản lý nhà nước cho biết đã cắt giảm nhiều quy định. Ông đưa ra ví dụ có người bạn đã hơn 6 tháng nay mãi vẫn chưa xong thủ tục này vì liên quan nhiều sở ngành phải có ý kiến. Còn quy định khống chế về số lượng lao động ở mức 10 người là vừa ôm đồm vừa vẫn lọt người. Cụ thể, theo ông Chí, người đứng đầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư trong phiên thảo luận tại kỳ họp Quốc hội ngày 21.5 cũng cho biết hiện nay, có rất nhiều HKD có quy mô rất lớn, lên đến hàng trăm lao động và doanh thu đến hàng nghìn tỉ đồng nhưng vẫn hoạt động theo luật Hợp tác xã, thuế khoán. Hay như những cá nhân bán hàng trên mạng, các cá nhân hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, những nghệ sĩ nổi tiếng… dù chỉ có 1 – 2 người thì mỗi năm cũng kiếm được vài chục tỉ đồng và vẫn chỉ đóng thuế ở mức thấp.
Ông Chí nhấn mạnh: “Các HKD không mặn mà đăng ký lên DN là dễ hiểu vì họ chưa thấy lợi ích gì từ việc đó trong khi sẽ phát sinh thêm nhân sự, chi phí quản lý, kế toán cũng như sẽ bị quản lý chặt hơn hay thường xuyên bị thanh kiểm tra”.
Chẳng hạn khi một cơ sở sản xuất hay tiệm bán phở nếu ế khách, họ có thể bán hạ giá và chịu lỗ để mong lấy lại được vốn đồng nào hay đồng đó. Nhưng với DN thì vẫn không được giảm giá quá 50% và chỉ được phép hạ giá mạnh hơn khi tham gia các chương trình khuyến mãi chung của nhà nước…
“Để khuyến khích HKD lên DN thì cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát lại, không phải dựa theo số lượng lao động vì điều này không có ý nghĩa nhiều, mà có thể phân chia theo ngành nghề, lĩnh vực. Đồng thời phải đưa ra các chính sách hỗ trợ mạnh hơn, đặc biệt là đơn giản hóa các thủ tục liên quan”, TS Lê Đạt Chí nói.
MAI PHƯƠNG
TNO