Lợi và hại của ngoại giao trực tuyến

Lợi và hại của ngoại giao trực tuyến

Dịch bệnh COVID-19 không khiến các nước hủy các sự kiện ngoại giao đa phương, nhưng nó làm cho các lãnh đạo quốc gia và nhà ngoại giao nhớ da diết… những cái bắt tay cũng như cơ hội đọc vị đối phương.

 

Lợi và hại của ngoại giao trực tuyến - Ảnh 1.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đăng bức ảnh đang dự họp trực tuyến với các lãnh đạo G7 vào ngày 17- 3-2020, do con gái Ella-Grace (11 tuổi) chụp lên Twitter – Ảnh: ELLA-GRACE

Thay vì cách ngoại giao truyền thống cần có những tiếp xúc gần gũi, nay các lãnh đạo và nhà ngoại giao chuyển sang họp trực tuyến và nhìn nhau qua màn hình.

Nhiều tiện lợi

Một trong những ưu điểm có thể thấy rõ nhất của các cuộc họp trực tuyến là các lãnh đạo thế giới có thể họp bất cứ lúc nào họ thấy cần thiết. Ngoài ra, họ có thể làm việc từ nhà trong trường hợp đang cần theo dõi y tế và không làm ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung, theo Business Insider.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tham dự các cuộc họp G7, G20 tại nhà sau khi tự cách ly vì tiếp xúc với những người nhiễm/nghi nhiễm virus corona.

Các quốc gia G20 cuối tháng 3 tuyên bố sẽ cùng đóng góp 5.000 tỉ USD cho kinh tế thế giới để đối phó với đại dịch COVID-19 do virus corona chủng mới gây ra và cam kết thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để giảm thiểu thiệt hại kinh tế và xã hội. Họ đã làm tất cả những điều này… thông qua một cuộc họp trực tuyến.

Các quốc gia có thể tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn trong việc tổ chức và tham dự hội nghị quốc tế. Lần đầu tiên không có máy bay của chính phủ nào hạ cánh xuống thành phố của nước chủ nhà. Không có khách sạn nào đầy ắp các nhà lãnh đạo và vệ sĩ của họ.

Các công ty lớn nhỏ trên thế giới cũng đã chuyển sang họp trực tuyến sau khi dịch COVID-19 bùng phát. Các lãnh đạo thế giới đã tổ chức nhiều cuộc họp trực tuyến thành công, mới nhất là cuộc họp của Hội đồng Tổ chức Y tế thế giới (WHA) diễn ra trong hai ngày 18 và 19-5.

Họ đã chứng minh được một điều: một cuộc họp quan trọng bậc nhất thế giới cũng có thể được tổ chức trực tuyến. Điều này cũng có nghĩa cắt giảm chi phí đi lại bằng đường hàng không và giảm lượng khí thải carbon.

Đây có thể là một cách hiệu quả hơn về chi phí cho các quốc gia thời hậu COVID-19 và ngoại giao trực tuyến có thể là tương lai của thế giới, theo kênh News18.

Nhưng…

Cũng có những bất lợi mà các lãnh đạo và nhà ngoại giao các nước gặp phải khi phải họp trực tuyến. Họp trực tuyến tước mất của các nhà ngoại giao các cuộc gặp bên lề hội nghị, tước mất cơ hội mặt đối mặt để tạo thêm sự tin tưởng cũng như cơ hội để đọc vị những diễn biến tâm lý tinh tế trên khuôn mặt của các thành viên tham dự, theo báo Japan Times.

Thông thường trong một hội nghị thượng đỉnh quốc tế như G7 hay G20, các lãnh đạo đưa ra cam kết của mình và giải quyết các bất đồng bên trong lẫn bên ngoài các cuộc đàm phán chính thức.

“Khi họ có bất đồng về một vấn đề, họ sẽ cố tìm cách thỏa hiệp bên ngoài cuộc họp, bao gồm ngay trong các bữa ăn. Thật khó để làm điều đó nếu phải họp trực tuyến. Vấn đề càng phức tạp thì càng khó giải quyết trực tuyến” – Masahiro Kohara, giáo sư chính sách đối ngoại của Nhật tại Đại học Tokyo, nhận định.

Giáo sư Kohara cho rằng dùng bữa ăn cùng bàn là một việc rất quan trọng trong ngoại giao. Bầu không khí có thể bớt căng thẳng hơn và các nhà lãnh đạo hoặc nhà ngoại giao có thể tiết lộ ý định thực sự không được chia sẻ trong các cuộc đàm phán chính thức, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng mối quan hệ cũng như thể hiện tính cách của họ.

Ông Kohara nhận định những yếu tố cá nhân như vậy có thể không được thể hiện thông qua các cuộc họp trực tuyến.

An ninh mạng và cơ sở hạ tầng viễn thông có khả năng hỗ trợ kết nối nhanh và đáng tin cậy hiện vẫn là mối quan tâm hàng đầu của các hội nghị trực tuyến như vậy. Trong ngoại giao, trao đổi thông tin là vấn đề rất nhạy cảm và cần bảo mật. Việc đảm bảo an ninh mạng trong giao tiếp trực tuyến có thể tốn kém và mất thời gian.

Đầu tháng trước, Bộ Ngoại giao Đức đã cảnh báo nên hạn chế sử dụng phần mềm họp trực tuyến Zoom vì thiếu các tiêu chuẩn an toàn.

Trục trặc công nghệ, lỗi thao tác… cũng có thể trở thành nguyên nhân gây cản trở cho cuộc họp. Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tháng trước, một số nhà ngoại giao quên tắt micro khi họ không phát biểu tạo ra tiếng ồn, một số người tham dự bị ngắt kết nối… làm gián đoạn cuộc họp, theo Hãng thông tấn Al Jazeera.

Có thể là bình thường mới

Giáo sư Toshikazu Inoue của ĐH Gakushuin, chuyên về lịch sử chính sách đối ngoại của Nhật, cho rằng sự thành công của ngoại giao trực tuyến phụ thuộc vào mức độ tin cậy đã có giữa các quốc gia hoặc các nhà lãnh đạo, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng, khi thông tin còn khan hiếm và một người phải đưa ra một quyết định ngoại giao quan trọng.

Ông Kohara, cựu nhà ngoại giao, nhận định các nước không còn lựa chọn nào khác ngoài việc nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để ngoại giao trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài nhiều năm. “Nếu không có lựa chọn nào khác ngoài trực tuyến, tôi nghĩ rằng ngoại giao trực tuyến sẽ trở thành một bình thường mới” – giáo sư Kohara nói.

ANH THƯ
TTO