Chúa Nhật III PS, A – 2020: Các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Trong lịch sử loài người, Đức Giêsu Nazareth là người độc nhất đã chứng minh về cái chết tự nguyện và cuộc sống lại của Người để xác định cho chúng ta về một đời sống mới mẻ, lạ lùng mà ta có thể thực hiện ngay trong trần thế. Các bài Thánh Kinh tuần này giới thiệu hai bằng chứng: đó là ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh.

Chúa Nhật III PS A 2020

Các lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Trong lịch sử loài người, Đức Giêsu Nazareth là người độc nhất đã chứng minh về cái chết tự nguyện và cuộc sống lại của Người để xác định cho chúng ta về một đời sống mới mẻ, lạ lùng mà ta có thể thực hiện ngay trong trần thế. Các bài Thánh Kinh tuần này giới thiệu hai bằng chứng: đó là ngôi mộ trống và những lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Chúng ta  nên tìm hiểu để vượt qua nỗi sợ hãi và tìm được niềm hy vọng trong đại dịch Covid-19.

1. Các bằng chứng về cuộc phục sinh của Đức Giêsu

Ngôi mộ trống. Ngôi mộ an táng Đức Giêsu vào ngày thứ Sáu 7/4/30 ở gần ngay thành Giêrusalem hoàn toàn trống rỗng, dù ai cũng biết đã được gắn niêm phong của quan tổng trấn Philatô và được quân lính bảo vệ đền thờ canh giữ cẩn thận. Chuyện những người lính phao tin đồn nhảm rằng đang đêm các môn đệ Đức Giêsu đến lấy cắp xác càng làm cho người dân ở Giêrusalem xác tín hơn nữa về cuộc sống lại của Đức Giêsu.

Vì thế, trong bài giảng của thánh Phêrô (x. Cv 2,14-33) ở Giêrusalem, sau khi được tràn đầy Chúa Thánh Thần, ngôi mộ trống rỗng chính là bằng chứng cụ thể, rõ ràng khiến dân chúng tin ngay lời chứng và hàng ngàn người chịu phép Rửa để biểu lộ lòng tin vào Đức Giêsu. Phêrô nói về ngôi mộ của vua David đã chết cách đó cả ngàn năm trước, xương cốt vẫn còn ở trong đó. David trong lời kinh được người Do Thái tụng niệm mỗi tuần, đều báo trước cuộc sống lại của Đức Giêsu: “Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để vị Thánh của Ngài phải hư nát” (x. Tv 16,8-11). “Đức Giêsu là vị Thánh đó đã được Thiên Chúa làm cho sống lại. Về điểm này, tất cả chúng tôi xin làm chứng” (Cv 2,32).

Các lần hiện ra. Đức Giêsu Phục Sinh không hiện ra với dân chúng, nhưng chỉ hiện ra với các môn đệ và những ai tin vào Người, vì cuộc sống lại của Người là một mầu nhiệm để người ta tự nguyện đón nhận với lòng tin, hơn là một sự kiện cần quảng cáo rộng rãi, dù đó là một sự kiện lịch sử độc đáo. Vì thế, thánh Phêrô (x. 1Pr 1,17-21) gợi ý hôm nay rằng: “Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1Pr 1,21).

Bài Tin Mừng (x. Lc 24,13-35) kể về cuộc hiện ra với hai môn đệ đi về Emmaus và gợi ý về cuộc hiện ra với ông Simon Phêrô trước đó. Các bản văn Thánh Kinh Tân Ước đã ghi nhận 13 lần hiện ra của Đức Giêsu Phục Sinh. Ta có thể liệt kê như sau:

– Với bà Maria Magdala (x. Ga 20,1-18).

– Với các phụ nữ (x. Mt 28,1-10; Mc 16,17).

– Với ông Simon Phêrô (x. Lc 24,33-34).

– Với hai môn đệ đi Emmaus (x. Lc 24,13-35).

– Với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly (x. Ga 20,19-23).

– Với ông Tôma (x. Ga 20,24-29).

– Với bảy môn đệ ở bờ biển Galilê (x. Ga 21,1-17).

– Với các môn đệ trên núi (x. Mt 28,16-20).

– Với hơn 500 môn đệ (x. 1Cr 15,6).

– Với thánh Giacôbê (x. 1Cr 15,7).

– Với tất cả các tông đồ (x. 1Cr 15,7).

– Với thánh Phaolô (x. 1Cr 15,8-10).

– Với các môn đệ rồi lên trời (x. Cv 1,1-11).

Tuy nhiên, cuộc hiện ra đầu tiên của Chúa Giêsu là với Mẹ Maria, dù không được Thánh Kinh ghi nhận, nhưng lại được nhiều thánh giáo phụ quả quyết. Đây là niềm xác tín của truyền thống Giáo Hội mà ta gọi là Thánh Truyền. Mẹ xứng đáng được Chúa Giêsu hiện ra trước tiên vì Mẹ đã đóng góp nhiều nhất trong công trình cứu độ, đã theo chân Chúa trên suốt con đường thánh giá, đã đứng vững dưới chân thập giá và vững lòng tin tưởng Chúa Cha sẽ cho Con mình sống lại đúng như lời Thánh Kinh Mẹ thường đọc.

2. Ý nghĩa các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh

Chúng ta có thể nói rằng: tất cả các lần hiện ra này đều biểu lộ tình yêu tuyệt vời và lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với tất cả chúng ta là con cái Ngài. Ngài muốn chia sẻ cho ta sự sống mới mẻ, lạ lùng của Đấng Phục Sinh, đồng thời để ta làm chứng nhân cho Đấng đó. Đấy là ý nghĩa và mục đích của các lần Chúa hiện ra.

Đức Giêsu không phân biệt nam nữ, hay kỳ thị người ở trong hay ngoài nước Do Thái, dù rằng vào thời đó người ta chỉ coi trọng nam giới và chỉ lời làm chứng của họ mới có giá trị. Chúa Giêsu hiện ra nhiều lần với các phụ nữ cũng như với các tông đồ, với số đông các môn đệ vừa có cả nam lẫn nữ của Người. Người hiện ra ở Giêrusalem, ở nước Giuđê cũng như ở Galilê và bất cứ nơi nào trên thế giới, vì không gian hay thời gian không thể ngăn cản được Người.

Đức Giêsu Phục Sinh cũng không phân biệt chức vị cao thấp hay tư cách tốt xấu của con người: Người hiện ra với thánh Phêrô, thánh Giacôbê là các tông đồ trưởng, nhưng cũng hiện ra với các môn đệ thấp kém, vô danh vì Người kêu gọi và yêu thương tất cả. Người hiện ra với Mẹ Thánh, nhưng cũng hiện ra với Phaolô trên đường đi Damas để bắt bớ các tín hữu. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ mang mặc cảm về những tội lỗi, yếu đuối của mình để nghĩ rằng Chúa chẳng thèm hiện ra với ta đâu.

Thánh Ignatiô Loyola, đấng sáng lập ra Dòng Tên, trong tập sách Linh Thao viết vào năm 1544, từ số 299 đến 312, đã kể lại 14 lần hiện ra của Chúa Giêsu và đã làm nên Đường Ánh Sáng, tương ứng với 14 chặng Đàng Thánh Giá. Ngài đã hình thành một việc đạo đức bình dân cho một số dân tộc. Chúng ta thấy các chặng Đường Ánh Sáng này tại Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Philippines…

Người Công giáo Việt Nam chúng ta hình như chưa biết đến việc đạo đức này trong nhiều thế kỷ, suốt từ lúc các linh mục Dòng Tên đến truyền đạo vào năm 1615 cho đến năm 2000. Có lẽ vì thế mà tinh thần đạo của người Việt Nam có vẻ buồn buồn, bi quan vì chỉ biết đến Đàng Thánh Giá khi suy niệm về cuộc thương khó và cái chết,  mà chưa biết đến Đường Ánh Sáng đem lại niềm tin yêu và hy vọng vào Chúa Phục Sinh, như một yếu tố để quân bình đời sống đạo đức.

Sau nhiều năm nghiên cứu và giảng dạy môn Kitô học, chúng tôi cũng ghi nhận rằng, trong lần hiện ra thứ mười hai, thánh Ignatiô nói đến việc Chúa hiện ra với ông Giuse Arimathia “kể theo lòng đạo đức bình dân”, ở số 310 trong cuốn Linh Thao (x. Lm. Đinh Văn Trung, SJ., bản dịch Những bài Linh thao), chúng tôi đã mạo muội thay thế bằng cuộc hiện ra với tất cả các tông đồ theo lời kể của thánh Phaolô (x. 1Cr 15,7). Như thế vừa hợp lý vì có dữ liệu Thánh Kinh xác nhận, vừa mở rộng được hồng ân hiện ra của Đức Giêsu cho tất cả chúng ta.

Thánh Phaolô ghi nhận việc Đức Giêsu hiện ra với “tất cả các tông đồ”. Ngài phân biệt “Nhóm Mười Hai” ở hai câu trước đó (1Cr 15,5) với các tông đồ nói chung (1Cr 15,7), dù rằng Nhóm Mười Hai cũng được gọi là tông đồ (x. Mt 10,23; Mc 6,30; Lc 6,13; 22,14; Cv 1,2.26; 2,42; 4,33.35; 5,12.18…). Tông đồ theo nghĩa chữ là “người được sai đi”. Vì thế, tất cả những ai được Chúa kêu gọi, chọn lựa và sai đi, đều được Chúa Phục Sinh hiện ra để giúp họ cảm nghiệm Người đã trỗi dậy từ cõi chết, đang sống với mình và ban nhiều ân phúc để họ làm chứng cho Người. (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, in lần II, 2013, tr.217-229; Bạn là lời cứu độ, NXB Đồng Nai, in lần IV, 2015, “Đường Ánh Sáng theo thánh Ignatiô Loyola, tr.120-149).

Điểm lưu ý trong lần Đức Giêsu hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus là khoảng cách giữa Giêrusalem và Emmaus: “60 dặm”. Đơn vị “dặm” của người Do Thái thời đó là 195 mét, chứ không phải dặm đường pháp định là 1.609 mét như hiện nay. Như thế, khoảng cách chỉ hơn 11 cây số và có thể đi bộ trung bình từ 3-4 giờ là tới nơi.

Lời kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con vui mừng và hy vọng khi biết rằng Chúa sẽ hiện ra cho tất cả những ai là tông đồ thật sự. Chúa đã kêu gọi, chọn lựa và sai chúng con đi loan báo Tin Mừng. Xin Chúa hãy hiện ra cho chúng con ít là một lần trong đời sống. Để từ đó chúng con được can đảm làm chứng cho Chúa, giữa bao gian lao, thử thách ở trần gian. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen. Alleluia.