Chúa Nhật II PS A 2020 – Kính lòng thương xót của Thiên Chúa: Sự sống mới mẻ, diệu kỳ

Nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4). Đó là một sự sống mới mẻ, diệu kỳ được các bài Thánh Kinh hôm nay mô tả để chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi dịch bệnh và tràn đầy niềm vui phục sinh.

Chúa Nhật II PS A 2020 – Kính lòng thương xót của Thiên Chúa

Sự sống mới mẻ, diệu kỳ

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Chúa Nhật trong tuần Bát nhật Phục sinh dành để mừng kính lòng thương xót của Thiên Chúa. Nhờ cuộc sống lại của Đức Giêsu, “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Ep 2,4). Đó là một sự sống mới mẻ, diệu kỳ được các bài Thánh Kinh hôm nay mô tả để chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi dịch bệnh và tràn đầy niềm vui phục sinh.

1. Sự sống bị lệ thuộc và giới hạn

Trước sự lây nhiễm nhanh chóng và nguy hiểm của virus Sars Cov 2, nhiều quốc gia đã phải đóng cửa biên giới, phong toả các thành phố, cách ly xã hội. Dịch bệnh Covid-19 này đã buộc 4,5 tỉ người phải ở yên trong nhà. Tính đến ngày Chủ Nhật hôm nay, 19/4/2020, đã có hơn 2,3 triệu người bị nhiễm và 160 ngàn người bị chết.

Nỗi sợ hãi con virus vô hình và cái chết trước mắt đã làm cho nhiều người đóng kín vào chính mình, hay chỉ lo cho gia đình mình, với việc tích trữ lương thực, sống buông thả cho những trò chơi điện tử, những phim ảnh đồi truỵ, hành động dâm đãng, rượu chè, bài bạc. Những nỗi lo vì không có việc làm, buôn bán thua lỗ làm cho nhiều người sống ích kỷ, khép kín, lừa gạt, thậm chí phá thai với các viên thuốc ngừa thai khẩn cấp và giết hại người khác.

Tôi biết một bà mẹ, có đứa con gái học lớp 11 nghiện chơi game trực tuyến nên bỏ cả học hành. Em chơi ngày, chơi đêm đến độ bỏ cả ăn uống, ngủ nghỉ. Bà mẹ thương con, nên đành phải đút cơm, đút cháo cho con trong khi cô bé vẫn không ngừng lướt tay trên bàn phím. Nhiều người khác lại mê chuyện ngôn tình, phim ảnh đồi truỵ, xem đêm xem ngày, phí phạm nhiều thời gian sống khiến cho thân xác suy nhược, tâm hồn bị nhiễm bẩn nặng nề. Thí dụ: bộ truyện Cô tổng giám đốc xinh đẹp của tôi đăng trên trang webtruyen.com có 1664 chương, mỗi chương có khoảng 5-10 trang, mỗi trang có khoảng 400 từ. Truyện của tác giả Mai Can Thái Thiếu Bính, người Trung Quốc, được dịch sang Việt ngữ, với 30.079.642 lượt truy cập. Bao nhiêu con người đang sống khép kín cho tiền bạc, danh vọng, dục vọng, trở thành nô lệ cho vật chất, cho thể xác và bị giới hạn bởi không gian, thời gian hẹp hòi nào đó.

Đời sống các môn đệ Đức Giêsu cách đây gần 2000 năm, vào tháng 4 năm 30, cũng có những điểm tương tự. Đứng trước cái chết của Đức Giêsu và nỗi sợ hãi bị bắt bớ sau khi mồ Chúa trống rỗng, họ cũng đang tự cách ly: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20,19).

Không thiếu những môn đệ Chúa Giêsu hôm nay sống đóng kín trong sợ hãi vì thấy những nấm mồ trống chờ đợi mình, nhưng lại chưa gặp được Chúa Giêsu. Trong đại dịch Covid-19, họ sợ chết nên tình nguyện ở nhà, tránh ra đường và giảm tiếp xúc với người khác, dự lễ online. Nhiều người quen thân với cha xứ hay làm việc trong hội đồng mục vụ giáo xứ lại hãnh diện vì mình được dự lễ riêng với Cha. Hầu như ai cũng mong muốn đại dịch mau chấm dứt để lại được tham dự những lễ nghi đông vui, đọc những lời kinh, hát những thánh ca quen thuộc.

Nhưng thử hỏi: ngoài những giờ dự lễ online hay đọc kinh gia đình, những tín hữu đó làm gì? Họ có lợi dụng thời gian dịch bệnh, nhất là trùng với Mùa Chay và mùa Phục Sinh, để suy nghĩ về đời sống đạo của mình, để chết đi cho con người cũ và bắt đầu đời sống mới mẻ và lạ lùng của Chúa Giêsu không? Hay là họ cũng vùi đầu vào những bản tin về dịch bệnh mỗi ngày để lo sợ, những trò chơi, phim ảnh, truyện kể theo cơn nghiện của mình. Hoặc để tính toán xem hết đại dịch mình sẽ làm cách gì để bù đắp những thiệt hại, mất mát bằng cách pha thêm chất thuốc độc hại để kích thích cho cây trồng, vật nuôi, để bán những hàng giả, hàng kém chất lượng cho người khác?

Những người có trách nhiệm trong Giáo hội Công giáo có biết lợi dụng dịp này để giúp tín hữu giáo dân làm chủ được cảm xúc, đổi mới đời sống và thật sự làm chứng nhân cho Đấng Phục Sinh?

2. Chứng nhân cho đời sống mới mẻ, diệu kỳ

Cuộc sống lại của Đức Giêsu không phải chỉ là việc hồi sinh sau cái chết tự nhiên, rồi lại trở về đời sống bình thường, lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian như con gái ông Giaia (x. Mc 5,22-43), con trai bà goá thành Nain (x. Lc 7,11-17), anh Lazarô (x. Ga 11,1-41), cậu bé Euticô (x. Cv 20,9-12), bà Tabitha (x. Cv 9,36-41). Nhưng sau đó tất cả lại chết một lần nữa.

Đức Giêsu sống lại là để trình bày cho chúng ta một sự sống mới mẻ, một sự hiện hữu lạ lùng của Thiên Chúa, vượt qua mọi sự lệ thuộc vào vật chất và mọi giới hạn của không gian, thời gian. Do đó, dù cửa nhà các môn đệ đóng kín, nhưng Đức Giêsu vẫn hiện ra đứng giữa mọi người. Người ăn uống trước mặt họ để chứng tỏ vật chất được đón nhận và biến đổi trong đời sống mới (x. Lc 24,36-43). Người nhắc lại yêu cầu của Tôma tám ngày trước đó đòi phải xỏ ngón tay vào lỗ đinh và thọc bàn tay vào cạnh sườn Người để chứng tỏ Người có mặt trong mọi thời gian và không gian của con người.

Cuộc sống lại của Đức Giêsu là một cuộc tạo dựng mới, đưa con người và vạn vật vào sự sống nhiệm mầu, vĩnh hằng, kỳ diệu của Thiên Chúa. Vì thế, Đức Giêsu Phục Sinh, trong tư cách là Ngôi Lời Thiên Chúa, đã thổi hơi trên các môn đệ và ban Thánh Thần của mình cho họ, để họ không phải chỉ là những con người sống động từ khối bùn đất trong lần tạo dựng đầu tiên, mà trở thành con cái Thiên Chúa, có đặc quyền tha tội như Thiên Chúa. Những dấu đinh trên thân thể phục sinh của Đức Giêsu không còn là những vết thương ghê rợn, nhưng trở thành những dấu hiệu cao quý của tình yêu bao la và lòng thương xót vô tận của Cha Trên Trời dành cho con cái, để ta cảm nghiệm được như khi Tôma chạm tay vào chúng.

Do đó, Đức Giêsu Phục Sinh chính là hiện thân của tình yêu và lòng thương xót mà người tín hữu phải thể hiện trong đời sống hằng ngày. Điều này được biểu lộ qua bài đọc I (x. Cv 2,42-47): “Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai, của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu”. Đây là hình ảnh đẹp tuyệt vời của xã hội “cộng sản nguyên thuỷ”! Dù hiện nay chúng ta không thể làm như vậy, nhưng tinh thần vượt qua mọi ràng buộc về của cải vật chất để thể hiện tình yêu và lòng thương xót mới là điểm cơ bản cần thực hiện. Không thiếu những tín hữu giữ đúng 3 giờ chiều đọc xong Chuỗi Thương Xót theo mạc khải của Chúa cho thánh nữ Maria Faustina Kowalska (1906-1938), nhưng đời sống thường ngày lại đi ngược với tinh thần đó nên không thu hút được đồng bào mình tin theo Đấng Phục Sinh.

Đời sống mới mẻ, lạ lùng còn thể hiện rõ nét nơi những người lãnh đạo cộng đoàn: “Mọi người đều kinh sợ vì các tông đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ” (Cv 2,43). Khi gắn bó với Đức Giêsu Phục Sinh và thở được Thần Khí của Người, Chúa Cha giàu lòng thương xót sẽ cho tất cả những ai tin được cảm nghiệm sức mạnh và quyền năng kỳ diệu của Ngài (x. Ga 20,30-31) qua những phép lạ của lòng thương xót. Nhiều người mong chờ phép lạ trong cơn đại dịch này. Có những người thất vọng vì đã cầu xin nhiều nhưng vẫn chưa thấy Chúa ra tay cứu chữa. Nhưng phép lạ đang xảy ra vì cho chúng ta hiểu được ý nghĩa của đời sống và cảm nghiệm được sự sống mới mẻ của Đấng Phục Sinh.

Lời kết

Không biết các bạn có thấy như thế không?

 

HKK