Alain nói về hạnh phúc: Dạo chơi dưới những đám mây đen

Alain nói về hạnh phúc: Dạo chơi dưới những đám mây đen

Chúng ta đối diện với thực tại bằng con mắt sầu thảm hay lạc quan, đi qua biến cố với một tinh thần u ám hay với một sự mạnh mẽ đương đầu? Đó không còn là những câu hỏi trong sách vở, mà vận vào chính đời sống của mỗi người.

Tôi muốn trời đẹp thì trời đẹp, muốn thiên tai có thiên tai; trước tiên là ở trong tôi; rồi với mọi thứ xung quanh tôi nữa, trong thế giới con người. Bởi tâm trạng tuyệt vọng, cũng như hi vọng vậy, đều lan từ người này sang người kia nhanh hơn cả các đám mây thay hình đổi dạng.

Émile Chartier

Cách chúng ta trả lời những câu hỏi đó sẽ quyết định tương lai của chúng ta ra sao.

Trong cuốn sách Alain nói về hạnh phúc của triết gia Émile Chartier có bài tản văn với giọng hài hước và đầy sáng sủa, bàn về tính lạc quan của con người.

Émile Chartier (1868-1951) kể rằng, có một người chuẩn bị đi dạo, vừa ra đến cửa đã gặp một đám mây đen sà xuống, anh ta tự nhủ:

“Chưa gì đám mây to sụ kia đã phá hỏng cả buổi đi dạo của mình; thật tình mình thích nghĩ là trời sẽ không mưa!”. Émile Chartier viết đại ý, chẳng thà anh ta đứng nhìn đám mây đen kia đen hơn rồi hãy chuẩn bị một cây dù khi đi dạo còn hơn lạc quan tếu với “thích nghĩ”.

Vậy thử hỏi, kẻ ấy nên quay trở về, bỏ ý định đi dạo hay đi dạo với một tâm thế chuẩn bị đương đầu, trải nghiệm cơn mưa (có thể) sẽ đến?

Nếu nhìn vào chiều sâu của một hiện tượng (đám mây đen) có thể sẽ đưa đến một tình huống ngoài mong muốn (cơn mưa) mà vẫn tiếp tục dạo bước với cây dù trên tay, có lẽ là một phương thế tiếp nhận lý tưởng của người có tinh thần lạc quan thực sự trước một thế giới bất định.

Bởi tương lai lúc bấy giờ được đặt phần nào trong tầm kiểm soát tốt nhất có thể, nó khiến người ta thong dong đối diện với những khả năng, dẫu xấu nhất, với một tinh thần cởi mở do hoàn cảnh khách quan mang đến và cả những thứ do chính mình tạo ra.

Chính thái độ, niềm tin, quan điểm lạc quan có cơ sở, được trang bị bằng hiểu biết cùng kinh nghiệm sẽ có tác động tích cực đến người khác trong bối cảnh “mây đen bao phủ”.

Trong khi bánh xe toàn cầu hóa bất chợt khựng lại, mọi nỗ lực liên kết mà con người hiện đại xây dựng bấy lâu sụp đổ nhanh chóng bởi loài vi sinh vật mắt thường không thấy được, chúng ta nhận ra đám mây đen mà Émile Chartier nói đã sà xuống thật thấp, vây phủ đời sống, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống.

Nhưng từ ngàn xưa, nhân loại cũng đã trình hiện nỗi ám ảnh tương tự về những trận đại dịch trong lịch sử ngay trong những bản kinh, thư tịch cổ mà chúng ta đọc được. Đại dịch theo sát hành trình tiến hóa của loài người với những đợt hủy diệt thảm khốc.

Vậy thì, chúng ta nếu ai lắng đọng để lần giở những trang sử chất chứa sự hiểm nghèo đó, sẽ nhận ra sự tồn tại của chúng ta trên đời, cho đến hôm nay, quả là một sự kỳ diệu, nếu không muốn nói là tích lũy cả một kho tàng vượt thoát hiểm nguy.

Phải chăng tổ tiên chúng ta đã đi dạo dưới những đám mây đen với sự chuẩn bị tốt nhất về kỹ năng lẫn tinh thần – không phải chỉ với cây dù hay những chiếc áo mưa kết bằng lá rừng, cỏ tranh, mà còn với một niềm tín thác rằng, cuộc sống vẫn tiếp nối – dù thế nào đi nữa.

Và chỉ với niềm tin bừng sáng đó, tiền nhân đã đi qua những đám mây đầy bất trắc để dạy cho chúng ta bài học về một tinh thần tồn tại trước nghịch cảnh, đương đầu với một tương lai bất định!

NGUYỄN AN NAM
TTO