Tại sao ông Trump nổi đoá với WHO đến mức đòi cắt tiền?

Tại sao ông Trump nổi đoá với WHO đến mức đòi cắt tiền?

Việc ông Trump chỉ trích WHO vì tổ chức này ban đầu đánh giá dịch bệnh không nghiêm trọng. Ngoài ra, thông qua phản đối WHO, tổng thống Mỹ được cho là muốn xoa dịu những chỉ trích ngày càng gay gắt trong nước.

 

Tại sao ông Trump nổi đóa với WHO đến mức đòi cắt tiền? - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump đang chịu rất nhiều sức ép khi dịch COVID-19 ở Mỹ trở nên nghiêm trọng – Ảnh: NYT

Trong cuộc họp báo ngày 7-4 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bất ngờ công kích mạnh mẽ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì tổ chức này “nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch COVID-19”.

“Chúng tôi sẽ ngưng chi tiền cho WHO. Chúng tôi sẽ ngưng toàn bộ để rồi xem ra sao. Họ đã làm sai, sai tất cả. Họ đã làm hỏng bét mọi chuyện”, ông Trump gay gắt.

Theo giới quan sát, cơn giận của nhà lãnh đạo Mỹ có thể hiểu được vì Nhà Trắng đang chịu nhiều sức ép từ dư luận do dịch COVID-19.

Luồng chỉ trích cho rằng Mỹ đã phản ứng quá chậm, không chịu triển khai xét nghiệm quy mô lớn và tích trữ vật tư y tế, để dẫn đến tình hình nghiêm trọng như hiện nay.

Tính đến sáng ngày 8-4 (giờ VN), Mỹ có gần 400.000 ca nhiễm COVID-19 và gần 13.000 người chết, đứng đầu thế giới.

Tổng thống Mỹ có vẻ đặc biệt tức giận WHO vì tổ chức này từng ra tuyên bố “không ủng hộ” lệnh giới hạn đi lại với Trung Quốc do ông ban hành ngày 31-1.

Khi đó WHO cho rằng “giới hạn luồng hàng hóa và con người trong khủng hoảng y tế cộng đồng không hiệu quả trong phần lớn tình huống, có thể làm tiêu hao tài nguyên dành cho các biện pháp khác”.

“Đừng có đóng biên giới với Trung Quốc, xin đừng làm thế – ông Trump nhại lại giọng văn của WHO – Bọn họ có nhìn thấy gì đâu. Họ đã không thấy và không báo cáo. Còn nếu họ đã chứng kiến, tức là họ đã che giấu”.

Về phát ngôn của ông Trump, có thể thấy truyền thông Mỹ đưa tin theo 2 quan điểm.

Bên “chống Trump” (đại diện là tờ New York Times) cho rằng ông chỉ muốn “đổ trách nhiệm”, vì WHO “rõ ràng đã cảnh báo” mà Mỹ không chịu nghe; bên ủng hộ (đại diện là kênh Fox News) thì đồng tình rằng WHO trong thời gian đầu đã đưa ra những đánh giá sai ngả theo Trung Quốc.

Chẳng hạn như ý mà cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley viết trên Twitter: “WHO báo cáo vào ngày 14-1 rằng không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus mới. WHO nợ thế giới một lời giải thích”.

Thực tế cho thấy cả hai bên đều… đúng. Mỹ quả thật đã phản ứng chậm trong dịch COVID-19, không rõ do “chủ quan” hay “cả tin”; trong khi WHO và Trung Quốc ban đầu đều nói dịch bệnh này “không nghiêm trọng”.

Trên chính trường Mỹ, quan điểm của Tổng thống Trump tìm được sự ủng hộ từ nhiều chính trị gia Đảng Cộng hòa.

“Nếu họ (WHO) hoàn thành trách nhiệm, mọi người có thể đã sẵn sàng hơn. Chúng ta đã không phải đóng cửa nền kinh tế, chúng ta đã không chứng kiến bao nhiêu người chết trên khắp thế giới”, thượng nghị sĩ Rick Scott, thành viên Ủy ban An ninh nội địa (Thượng viện Mỹ), phản ứng.

Tại sao ông Trump nổi đóa với WHO đến mức đòi cắt tiền? - Ảnh 2.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận nhiều chỉ trích trong đại dịch COVID-19 – Ảnh: AP

Mỹ có thể cắt tiền cho WHO không?

Cũng trong ngày 7-4, Tổng thống Trump có vẻ như lùi lại một chút trong tuyên bố đòi cắt tiền tài trợ cho WHO. Khi một phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề này, ông giải thích như sau: “Tôi đâu có nói là sẽ làm điều đó. Nhưng chúng tôi sẽ cân nhắc”.

Báo New York Times nhận xét tổng thống Mỹ trước đây cũng thỉnh thoảng đe dọa kiểu này nhưng sau đó ông lại đổi ý. Lần này tuy chưa rõ ra sao, nhưng nếu Mỹ thật sự cắt tài trợ cho WHO, sẽ ảnh hưởng lớn đến sứ mệnh của tổ chức này vì nguồn tiền từ Mỹ chiếm đến 10% ngân sách.

Ngân sách dành cho WHO ước tính khoảng 6 tỉ USD trong năm 2019, được đóng góp từ các quốc gia thành viên trên khắp thế giới. Riêng Mỹ đã tài trợ khoảng 553 triệu USD trong số đó.

WHO được thành lập năm 1948, tổng hành dinh đóng tại Geneva (Thuỵ Sĩ). Tổ chức này có khoảng 7.000 nhân viên đang hoạt động ở 150 quốc gia, sứ mệnh của họ là thúc đẩy chăm sóc y tế cơ bản, khả năng tiếp cận thuốc men và giúp đào tạo nhân viên y tế.

Trong các giai đoạn khủng hoảng như dịch COVID-19, WHO có nhiệm vụ xác định các mối đe doạ, giảm thiểu rủi ro, hỗ trợ phát triển công cụ y tế, hỗ trợ đáp ứng dịch vụ y tế thiết yếu ở những nơi có hạ tầng yếu…

PHÚC LONG
TTO