Châu Âu đã thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’ COVID-19

Châu Âu đã thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’ COVID-19

‘Tia hi vọng ở châu Âu’, ‘Ánh sáng cuối đường hầm’,, ‘Châu Âu chứng kiến thêm nhiều tín hiệu của hi vọng’… là những tít bài truyền thông phương Tây dùng để mô tả chiều hướng tích cực liên quan dịch bệnh COVID-19 ở cựu lục địa vài ngày qua.

 

 

 

Châu Âu đã thấy ánh sáng cuối đường hầm COVID-19 - Ảnh 1.

Các cảnh sát cưỡi ngựa làm nhiệm vụ tại phố Via del Corso ở thủ đô Rome, Ý ngày 6-4 – Ảnh: REUTERS

 

Chúng ta không nên hạ thấp mức cảnh giác của mình.

Ông Silvio Brusaferro, giám đốc Viện Y tế quốc gia của Ý, kêu gọi không được chủ quan.

Số ca tử vong do COVID-19 ở Ý, Tây Ban Nha và Pháp – những quốc gia nằm trong nhóm nước có số ca tử vong cao nhất toàn cầu – đã tăng chậm lại những ngày qua cho thấy chính sách phong tỏa và các biện pháp phòng chống dịch nói chung ở nhiều nước châu Âu có thể đã có tác dụng.

Vui nhưng thận trọng

Ngày 6-4, truyền thông cho biết Ý ghi nhận thêm 525 ca tử vong do virus corona trong ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên hơn 15.850 – cao nhất thế giới. Tuy nhiên, đây là số ca tử vong tăng thêm trong một ngày ở mức thấp nhất tại Ý trong vòng hai tuần kể từ ngày 19-3.

Báo Guardian (Anh) bình luận đây là dấu hiệu cho thấy “dòng triều có thể đang đổi hướng” trong thảm họa chết chóc nhất ở đất nước hình chiếc ủng kể từ Thế chiến 2.

Trong khi đó, lần đầu tiên nước Ý ghi nhận số trường hợp bệnh nhân COVID-19 nhập viện giảm đi trong một ngày, từ con số 29.010 ngày 4-4 xuống còn 28.949 ngày 5-4. “Đường cong dịch đã bắt đầu hạ xuống và số ca tử vong bắt đầu giảm đi” – ông Silvio Brusaferro, giám đốc Viện Y tế quốc gia (ISS) của Ý, bình luận.

Tại Pháp, số ca tử vong tăng thêm tại các bệnh viện trong ngày 5-4 là 357, thấp hơn con số 441 của ngày hôm trước và đây cũng là mức tăng hằng ngày thấp nhất trong khoảng một tuần. Trong khi đó số ca nhiễm mới ở nước này là 1.873 ca, mức thấp nhất kể từ ngày 21-3. Còn tại Đức, số ca nhiễm tăng thêm 3.677 trong 24 giờ tính tới đầu tuần này và đây là mức tăng thấp liên tục ngày thứ 4.

Dấu hiệu tích cực cũng xuất hiện tại Tây Ban Nha. Nước này ghi nhận thêm 674 ca tử vong do COVID-19 trong ngày 5-4, mức tăng chậm đi ngày thứ 3 liên tiếp. Cuối tuần trước, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cũng nhận định: “Chúng ta đang bắt đầu thấy ánh sáng cuối đường hầm”.

Vậy điều gì đã dẫn tới những diễn biến tích cực trên? Ông Silvio Brusaferro lý giải: “Chính các biện pháp phong tỏa đang giúp ích cho chúng ta”. Theo vị quan chức Ý, các biện pháp này đã làm chậm đáng kể sự lây lan của corona. Còn theo Hãng tin Bloomberg, các biện pháp kiềm chế dịch đã cho thấy hiệu quả thì các nhà lãnh đạo chính trị cần mở rộng hoặc siết chặt hơn nữa để đẩy lùi dịch.

Kế hoạch Marshall phiên bản mới

Giữa bối cảnh đó, bóng dáng của “Thế chiến 2” bỗng xuất hiện, từ trong những câu nói vực dậy tinh thần của nữ hoàng Anh cho tới những đề xuất đối phó hậu quả do COVID-19. “Chúng ta sẽ gặp lại nhau” – Nữ hoàng Elizabeth II cuối tuần trước đề cập tới bài hát nổi tiếng của Anh thời Thế chiến 2, khi bà kêu gọi người dân Anh cùng đoàn kết vượt qua dịch bệnh và rằng “những ngày tốt đẹp sẽ trở lại”.

Trong khi đó, Kế hoạch Marshall – một kế hoạch của Chính phủ Mỹ sau Thế chiến 2 để “bơm” số viện trợ 12 tỉ USD giúp các nước Tây Âu hồi phục sau những thiệt hại từ kinh tế cho tới vật chất và tâm lý do chiến tranh – đã được một số quan chức ở châu Âu nhắc lại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, mới đây kêu gọi các nước châu Âu đầu tư hàng tỉ euro vào ngân sách của Liên minh châu Âu (EU) nhằm ngăn chặn những hậu quả kinh tế thảm khốc từ cuộc khủng hoảng do COVID-19. “Chúng ta cần một Kế hoạch Marshall cho châu Âu” – bà nhấn mạnh.

Còn Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez gửi thư tới các đối tác EU khẳng định: “Châu Âu đang trải qua cuộc khủng hoảng khó lường nhất kể từ Thế chiến 2”. Ông nhấn mạnh cần có một kế hoạch tương tự Kế hoạch Marshall để giúp châu Âu hồi phục trước những tác động của đại dịch và rằng châu Âu “phải lập một nền kinh tế thời chiến”.

EU hiện chìm vào một cuộc tranh luận về cách thức giải quyết gánh nặng nợ nần giữa các quốc gia thành viên. Các bộ trưởng tài chính trong khối dự kiến sẽ thảo luận về các vấn đề tài chính trong hôm nay (7-4).

Sắp tới ngoài việc tìm cách đối phó hậu quả kinh tế do COVID-19, nếu muốn biến cuộc khủng hoảng do corona thành “cơ hội để tái thiết một EU mạnh hơn” như ông Sanchez hi vọng, khối này sẽ cần có một hành động đầy tham vọng và kiên quyết.

New York: niềm vui ngắn hay dài?

Bên kia bờ Đại Tây Dương đối diện châu Âu, lần đầu tiên bang New York của Mỹ ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng chậm đi trong 24 giờ, với 594 ca trong ngày 5-4, giảm so với con số 630 của ngày trước đó.

Tuy nhiên, tương tự tâm lý một số quan chức tại châu Âu, thống đốc bang New York Andrew Cuomo cảnh báo còn quá sớm để đưa ra kết luận. Điều này cho thấy để biết niềm vui ngắn hay dài sẽ còn phải đợi thêm.

BẢO ANH
TTO