Chúa Nhật Lễ Lá, A 2020: Chết để phục sinh

Hơn 2 tỉ Kitô hữu bước vào Tuần Thánh, tuần kỷ niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu: đi từ cái chết nhục nhã để bước vào cõi hằng sống. Tuần Thánh năm 2020 này lại mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đại dịch Covid 19, khi mà cả thế giới với hơn 100.000 ca nhiễm bệnh và hơn 5000 người chết trong một ngày (ngày 5/4/2020). Vậy chết là gì và ta đối mặt với cái chết như thế nào để có thể ung dung bước vào cõi vĩnh hằng như Đức Giêsu?

Chúa Nhật Lễ Lá 2020

Chết để phục sinh

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Hơn 2 tỉ Kitô hữu bước vào Tuần Thánh, tuần kỷ niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu: đi từ cái chết nhục nhã để bước vào cõi hằng sống. Tuần Thánh năm 2020 này lại mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt trong đại dịch Covid 19, khi mà cả thế giới với hơn 100.000 ca nhiễm bệnh và hơn 5000 người chết trong một ngày (ngày 5/4/2020). Vậy chết là gì và ta đối mặt với cái chết như thế nào để có thể ung dung bước vào cõi vĩnh hằng như Đức Giêsu?

1. Chết thật sự là gì?

Nếu nhiều người không biết sống là gì và sống như thế nào mới đáng, thì cũng có nhiều người hơn không biết chết thật sự là gì, nó đưa ta đến đâu và chết như thế nào là mới đúng.

Người ta thường hiểu rằng chết là khi tim ngừng đập, phổi ngừng thở, tiếp theo là sự hư hỏng và phân huỷ của cơ thể. Cái chết bắt nguồn do bệnh tật, do chấn thương, do thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết và cuối cùng là do tuổi già. Nhưng khi có hàng triệu người nhiễm bệnh trong vòng một tháng, và hàng ngàn người chết mỗi ngày do một loại virus mới mẻ như Corona, ngoài những nguyên nhân thông thường trên, thì người ta hết sức hoảng hốt, lo sợ. Nhất là khi thấy những đoàn xe quân đội chở hàng trăm chiếc quan tài ra nghĩa trang ở Ý, hay hàng chục chiếc xe container đông lạnh chứa xác người trước một bệnh viện ở New York, Hoa Kỳ.

Ca sĩ Roby Facchinetti, khi thấy cảnh tượng đó đã bật khóc. Ông chạy đến chiếc đàn piano và sáng tác bài hát “Rinascerò Rinascerai” (Tôi sẽ tái sinh, Bạn sẽ tái sinh). Trong mấy ngày qua, hàng chục triệu người hát theo ông và tìm được ý nghĩa của cái chết:

Tôi sẽ tái sinh Bạn sẽ tái sinh.

Khi mọi thứ qua đi rồi

thì chúng ta cùng nhau sẽ lại ngắm sao trời.

Cơn giông tố bao trùm chúng ta.

Nó làm ta lung lay chứ không làm ta gục ngã.

Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với số phận

và mỗi lần chúng ta đều đã chiến thắng…

Được bao phủ bởi trời xanh bao la.

Chúng ta sẽ lại tin tưởng vào Chúa nữa,

nhưng trong thinh lặng chúng ta hít thở không khí mới…

 (Bản dịch của Lm. John Trần Công Nghị trên Vietcatholic Network).

Rất nhiều người tin rằng với những tiến bộ của khoa học, loài người sẽ chiến thắng dịch bệnh. Người ta hy vọng rằng tuổi thọ con người sẽ kéo dài tới 150 hay 200 năm. Nhưng có một điều chắc chắn là ai ai cũng sẽ phải chết.

Một số người nghĩ rằng sự sống là cuộc kết hợp ngẫu nhiên của những phân tử vật chất, nên đương nhiên chúng sẽ tan rã vào một thời điểm nào đó và tạo nên cái chết cho con người cũng như cho mọi sinh vật. Cha ông chúng ta lại nghĩ rằng “sinh ký, tử quy” (sống gửi, thác về), nghĩa là ta sống tạm thời ở đời này, chết mới thật là trở về với cội nguồn. Nhưng có lẽ vì ta chưa xác định mình sẽ về đâu và cội nguồn đó là gì, nên mọi người đều sợ hãi khi bước vào cuộc hành trình bất định.

Cái chết không thể định nghĩa là gì mà chỉ có thể mô tả nó vì nó không có thật. Chết không phải là một thực tại, một cái gì đó có thật như cái nhà, cái xe hay như tình yêu, hạnh phúc, mà chỉ là mặt trái của sự sống. Chết là hết sống. Sự sống mới đáng ta quan tâm và thể hiện trong cuộc đời. Vậy nếu chết không có thật, thì ta sợ nó làm gì?

Nhìn vào dãy quan tài của những người chết vì dịch bệnh, nhiều người cho đến phút cuối cùng cuộc đời không có lấy một người thân bên cạnh, bỏ lại tất cả, xa cách tất cả, thậm chí không viết được chúc thư, không nói được lời từ biệt, yêu thương, tha thứ. Người ta thấy chết không phải là một giá trị, nhưng là một đại hoạ mà con người bất lực trước tử thần. Vì thế, người ta làm hết cách để thoát khỏi nó, vì ai cũng muốn sống bình an và hạnh phúc.

Trong cơn dịch bệnh, người ta dâng lễ, cầu xin vì nghĩ rằng Chúa toàn năng có thể cứu người ta khỏi chết. Có người còn cho rằng Chúa tạo nên cái chết vì Thánh Kinh dạy rằng: “Chúa làm cho sống và cũng làm cho chết”. Thật ra, Tử thần hay Diêm vương chỉ là kiểu nói tưởng tượng, nhân cách hoá cái chết, chứ không có vị thần nào làm chủ cái chết. Còn Công giáo dạy tín hữu rằng: vì con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa hằng sống, có tinh thần bất tử, nên không ai chết cả. “Thiên Chúa là Chúa của người sống” và “tất cả đều đang sống”, (Mt 22,23; Lc 20,38).

2. Chết để phục sinh

Nhiều tôn giáo và huyền thoại các dân tộc cho rằng chỉ có thần linh là bất tử, còn cái chết là số phận đương nhiên của con người. Một ít tôn giáo tin có ông Trời, Thiên Chúa thì cho rằng chết là trở về cội nguồn sự sống. Phật giáo cho rằng chết là để tái sinh vào một kiếp mới trong vòng luân hồi và sẽ trải qua hàng tỷ cái chết để thanh luyện chính mình trước khi bước vào cõi vĩnh hằng.

Thật ra, ta phải giải thích được cái chết bắt nguồn từ đâu thì mới biết được nó thật sự là gì và đưa ta đến đâu. Chỉ Kitô giáo mới nói rõ cho ta về nguồn gốc của cái chết: “Thiên Chúa không làm ra cái chết, chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong. Bởi vì Ngài sáng tạo muôn loài cho chúng hiện hữu” (Kn 1,13). Ngài là nguồn sự sống nên mọi loài được Chúa tạo dựng đều sống động, riêng con người và các thiên thần còn được chia sẻ sự sống vĩnh hằng của tinh thần.

Vì tinh thần có ý thức và tự do nên một số đã chối từ Thiên Chúa, cắt đứt với nguồn sống bất diệt, nên họ đã phải chết cả xác lẫn hồn. Vạn vật vì liên kết mật thiết với con người, nên cũng phải chịu sự hư nát vì tội lỗi của con người (x. Rm 8,20-23). Như thế, Thiên Chúa không tạo nên cái chết và quỷ dữ tuy cám dỗ con người, cũng không gây nên cái chết. Chính con người với tự do và ý thức đã tạo nên cái chết khi tự ý cắt đứt với nguồn sống là Thiên Chúa (x. Kn 2,23-24).

Khi nhìn thẳng vào cái chết như thế, ta thấy nó chẳng có hình dáng đáng sợ nào như người ta thường mô tả. Nó giống như một ngưỡng cửa mà ta cần bước qua để đi vào một tình trạng sống mới. Nó không đưa ta vào “chốn luyện hình u tối vẳng tiếng bao linh hồn khóc than”, nhưng vào vùng chan hoà ánh sáng, niềm vui và hạnh phúc vì Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Nó không đưa ta vào cõi diệt, mơ hồ, huyền ảo, cũng không làm ta mất mát bất cứ giá trị tốt đẹp nào của trần thế hay xa cách bất cứ một ai vì tinh thần bất tử luôn định hình cho vật chất, như chúng ta đã suy niệm tuần trước. Mỗi sự việc ta tiếp xúc, mỗi vật chất ta sở hữu, mỗi con người ta gặp gỡ, nhờ việc định hình bằng ý thức và tự do này, nhất là bằng tình yêu, sẽ mãi mãi tồn tại với ta.

Cái chết giúp ta cởi bỏ tấm áo vật chất bị lệ thuộc vào không gian, thời gian để trở thành một tinh thần tự do. Cái chết làm ta gần gũi hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn với mọi người mọi vật, nếu ta gắn bó được với Chúa Giêsu trong cuộc vượt qua của Người. Như thế, chết không phải là một tai hoạ làm ta sợ hãi, nhưng là một cuộc thăng hoa giúp ta trở về được với nguồn hiện hữu vĩnh hằng của mình.

Khi gắn bó với Đức Giêsu, là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trong cái chết của Người, cái chết nâng con người lên một tầng cao mới, không phải chỉ thành thánh thành thần, như nhà ái quốc Phan Bội Châu (1867-1940) đã hiểu: “Chết như Hưng Đạo hồn thành thánh. Chết tựa Trưng Vương phách hoá thần”, mà thành con Thiên Chúa. Bài thư thánh Phaolô (x. Phl 2,6-11) và bài Thương Khó (x. Mt 26,14-27.66) hôm nay diễn tả ý nghĩa đó.

Lời kết

Cái chết của Đức Giêsu dẫn ta đến cuộc tái sinh qua bí tích Rửa Tội để ta sinh lại thành con cái Chúa và hơn nữa còn đưa ta đến cuộc phục sinh để ta phát huy sự sống mới kỳ diệu vô cùng.