Chúa Nhật Lễ Lá, 29.03.2020 – Con người vẫn thế

“Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” (Mt 21,9)…
“Và sau đó họ đồng thanh đáp: “Đóng đinh nó đi!” (Mt 27,22)

Chúa Nhật Lễ Lá, 29.03.2020 – Con người vẫn thế

Lễ Lá

Is 50,4-7 • Tv 21,8-9.17-18a.19-20.23-24 • Pl 2,6-11 • Mt 27, 11-54

Lời Chúa

Bài Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
theo Thánh Matthêu (27,11-54)

Khi ấy, Chúa Giêsu đứng trước tổng trấn Phongxiô Phi-latô, và quan hỏi Người rằng: “Ông có phải là Vua dân Do-thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng!” Nhưng khi các thượng tế và kỳ lão tố cáo Người thì Người không trả lời chi cả. Bấy giờ Philatô bảo Người: “Ông không nghe thấy tất cả những điều họ tố cáo ông sao?” Chúa Giêsu cũng không đáp lại về một điều nào, khiến quan tổng trấn hết sức ngạc nhiên.

Vào mỗi dịp lễ trọng, quan tổng trấn có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Lúc ấy có một phạm nhân nổi tiếng tên là Baraba. Vậy Philatô nói với dân chúng đã tụ tập lại đó rằng: “Các ngươi muốn ta phóng thích ai, Baraba hay Giêsu mà người ta vẫn gọi là Kitô?” Quan biết rõ chỉ vì ghen ghét mà chúng đã nộp Người. Vậy trong khi quan ngồi xét xử, bà vợ sai người nói cùng quan rằng: “Xin ông đừng can thiệp gì đến vụ người công chính ấy,vì hôm nay trong một giấc chiêm bao, tôi đã phải đau khổ rất nhiều vì người ấy”. Nhưng các thượng tế và kỳ lão xúi giục dân xin tha Baraba và giết Chúa Giêsu. Quan lại lên tiếng hỏi họ: “Trong hai người đó các ngươi muốn ta phóng thích ai?” Họ thưa: “Baraba!” Philatô hỏi: “Vậy đối với Giêsu gọi là Kitô, ta phải làm gì?” Họ đồng thanh đáp: “Đóng đinh nó đi!” Quan lại hỏi: “Nhưng người này đã làm gì nên tội?” Chúng càng la to: “Đóng đinh nó đi!”. Bấy giờ Philatô thấy mất công, lại thêm náo động, nên ông lấy nước rửa tay trước mặt dân chúng và nói: “Ta vô can về máu người công chính này, mặc kệ các ngươi”. Toàn dân đáp: “Hãy để cho máu nó đổ trên chúng tôi và trên con cái chúng tôi”. Bấy giờ quan phóng thích Baraba cho họ, còn Chúa Giêsu thì trao cho họ đánh đòn, rồi đem đi đóng đinh vào thập giá.

Bấy giờ lính tổng trấn liền điệu Chúa Giêsu vào trong công đường và tập họp cả cơ đội lại chung quanh Người. Họ lột áo Người ra, khoác cho Người một áo choàng đỏ, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người và trao vào tay mặt Người một cây sậy, họ quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng rằng: “Tâu vua dân Do-thái!” Đoạn họ khạc nhổ vào Người và lấy cây sậy đập trên đầu Người. Khi đã chế nhạo Người xong, họ lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục cũ lại cho Người và điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Lúc đi ra, họ gặp một người thành Xyrênê tên là Simon, liền bắt ông vác đỡ thánh giá cho Người.

Họ đi đến một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Họ cho Người uống rượu hoà với mật đắng, Người chỉ nếm qua nhưng không muốn uống. Khi đã đóng đinh Người trên thập giá rồi, họ rút thăm chia nhau áo Người, để ứng nghiệm lời tiên tri rằng: “Chúng đã chia nhau áo Ta, còn áo ngoài của Ta, chúng đã bắt thăm”. Rồi họ ngồi lại canh Người. Họ cũng đặt trên đầu Người bản án viết như sau: “Người này là Giêsu, vua dân Do-thái”. Lúc ấy, cùng với Người, họ đóng đinh hai tên trộm cướp, một tên bên hữu, một tên bên tả.

Những người đi ngang qua, lắc đầu chế diễu Người và nói: “Kìa, ngươi là kẻ phá đền thờ và xây cất lại trong ba ngày, hãy tự cứu mình đi, nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy xuống khỏi thập giá đi!” Các thượng tế cùng luật sĩ và kỳ lão cũng chế nhạo Người rằng: “Nó đã cứu được kẻ khác mà không cứu nổi chính mình! Nếu nó là vua dân Do-thái, thì bây giờ hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta sẽ tin nó. Nó đã trông cậy Thiên Chúa, nếu Ngài thương nó thì bây giờ Ngài hãy cứu nó, vì nó nói: “Ta là Con Thiên Chúa!” Cả những tên cướp bị đóng đinh trên thập giá với Người cũng nhục mạ Người như thế. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt. Vào khoảng giờ thứ chín thì Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Eli, Eli, lamma sabachtani!” Nghĩa là: “Lạy Chúa con, lạy Chúa con! sao Chúa bỏ con!” Có mấy người đứng đó nghe vậy nói rằng: “Nó gọi tiên tri Elia”. Lập tức một người trong bọn chạy đi lấy một miếng bọt biển, nhúng đầy dấm và cuốn vào đầu cây sậy và đưa lên cho Người uống. Nhưng có kẻ lại bảo: “Hãy chờ xem Elia có đến cứu nó không?” Đoạn Chúa Giêsu lại kêu lên lớn tiếng và trút hơi thở.

(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)

Bỗng nhiên màn đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới, đất chuyển động, đá nứt ra. Các mồ mả mở tung và xác của nhiều vị thánh đã qua đời được sống lại. Và sau khi Chúa sống lại, họ ra khỏi mồ, vào thành thánh và hiện ra cùng nhiều người. Còn viên sĩ quan và những kẻ cùng ông canh giữ Chúa Giêsu, thấy đất chuyển động và các sự xảy ra, thì thất kinh sợ hãi và nói: “Đúng người này là Con Thiên Chúa”.

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa: Con người vẫn thế

“Hoan hô con vua Đavít! Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến.” (Mt 21,9)…
“Và sau đó họ đồng thanh đáp: “Đóng đinh nó đi!” (Mt 27,22)

Một nhà báo hỏi Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI về sự hiệu nghiệm của ơn cứu độ. Ông thắc mắc tại sao Giáo hội đã tưởng nhớ và kỷ niệm hồng ân cứu độ trong vòng hơn 2000 năm mà con người chẳng thay đổi là bao. Vẫn như xưa, nhiều người luôn thù ghét nhau, ghen tương nhau, nói xấu nhau, làm nhục nhau và thậm chí giết nhau một cách tàn bạo. Để trả lời câu hỏi của nhà báo, Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến sự tự do của con người. Theo ngài, ơn cứu độ luôn gắn liền với sự tự do, Thiên Chúa không thể áp đặt con người bất cứ điều gì. Ngài trao ban cho họ hồng ân cứu độ một cách nhưng không, nhưng Ngài không thể cứu họ nếu họ không chấp nhận món quà mà Ngài gửi đến. Thiên Chúa luôn quảng đại gieo mầm ơn cứu độ trong lòng thế giới. Ngài lại còn kiên nhẫn chờ đợi sự đáp trả của con người. Ơn cứu độ như một bó hoá mỏng giòn dễ vỡ được gửi đến cho con người. Ơn cứu độ cần sự đón nhận sự cộng tác của con người.

Đã hơn hai ngàn năm trôi qua, chúng ta vẫn không khác đám đông trong Tin Mừng là mấy. Họ chỉ vừa tung hô Chúa Giêsu xong lại gào thét đòi đóng đinh Người. Họ vừa giương cao cành lá để chào đón Người như một tiên tri nhưng lại la ó đòi treo Người lên thập giá như một tên trộm cướp. Giống như họ, chúng ta vừa tôn vinh Thiên Chúa ở nhà thờ, ngay lập tức chúng ta lại hạ thấp nhân phẩm của một người anh em trên đường đi lễ về. Chúng ta vừa quỳ gối trước nhan Thánh Chúa, nhưng lại làm ngơ trước một người anh em cần được nâng đỡ để vùng lên từ những bế tắc tủi nhục. Chúng ta vừa giơ tay chúc bình an nhưng lại có những cử chỉ gây lên sự mất hoà thuận trong gia đình, giáo xứ và nơi làm việc.

Dẫu biết rằng chúng ta luôn yếu đuối và dễ sai phạm, chúng ta không được thất vọng và nản chí. Chúng ta phải luôn bước theo con đường mà Thầy Giêsu đã chọn. Người đến thế gian để gánh vác những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta trên khổ giá của mình. Người chấp nhận đau khổ và cái chết để giúp chúng ta vượt qua những giới hạn của phận người. Mỗi lần chúng ta tưởng nhớ và kỷ niệm cuộc khổ nạn của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đóng đinh con người của sự hận thù, ghen tương và chia rẻ vào thập giá để chúng ta cùng được phục sinh với Người trong con người mới, con người của sự yêu thương, lòng quảng đại và sự hiệp nhất. Chúng ta có cả một tuần hồng phúc để làm những điều đó!

Lm. Giuse Nguyễn Chí Ái, AA

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam