Gỡ nút thắt cho khẩu trang vải xuất ngoại

Gỡ nút thắt cho khẩu trang vải xuất ngoại

Tổng cục Hải quan đã thay đổi quy định trong kiểm tra mặt hàng khẩu trang vải xuất khẩu trong mùa dịch Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tăng sản xuất khẩu trang vải /// Ảnh: Vinatex

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã tăng sản xuất khẩu trang vải Ảnh: Vinatex
Để thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 20 của Chính phủ là tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu khẩu trang vải và tăng cường ngăn chặn các hành vi gian lận theo khuyến cáo của Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan có công văn 2012/TCHQ-GSQL hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố kiểm tra mặt hàng khẩu trang xuất khẩu.
Theo đó, Tổng cục Hải quan giao Cục Quản lý rủi ro, các cục hải quan tỉnh, thành phố đánh giá rủi ro, chỉ lựa chọn các lô hàng nghi vấn để kiểm tra thực tế hàng hóa, đặc biệt với các lô hàng mà đơn vị xuất khẩu không phải là nhà sản xuất.
Trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, công chức hải quan quan sát trực tiếp hàng hóa nếu không đủ các dấu hiệu nhận biết theo tiêu chuẩn khẩu trang y tế TCVN8389-2010 thì thực hiện thông quan. Trường hợp quan sát thấy có dấu hiệu theo tiêu chuẩn nhưng khai báo là khẩu trang khác (không phải khẩu trang y tế) thì lấy mẫu giám định tại Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) hoặc các tổ chức giám định đáp ứng đủ điều kiện giám định khẩu trang y tế theo quy định.
Tuy nhiên, để tránh vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan xuất khẩu cho các lô hàng khẩu trang, Tổng cục Hải quan cũng đề nghị Bộ Y tế làm rõ mặt hàng khẩu trang đạt tiêu chuẩn TCVN 8389: 2010 nhưng không xuất trình số lưu hành thì có được xuất khẩu hay không?
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), sau khi Chính phủ có Nghị quyết 20 ngày 28.2 về việc cấp phép khẩu trang y tế, số đơn hàng đặt mua khẩu trang vải đã tăng lên. Tuy nhiên, việc làm thủ tục xuất khẩu khẩu trang vải chưa thuận lợi, khiến doanh nghiệp phải chờ đợi, quay lại hỏi Bộ Y tế hoặc Bộ Công Thương. Việc kiểm tra thực tế đối với các lô hàng xuất khẩu khai báo là khẩu trang không dùng trong y tế (có mã HS 63079090) được thực hiện theo công văn số 1431 ngày 9.3 của Tổng cục Hải quan. Thực tế, cán bộ hải quan khó phân biệt giữa khẩu trang y tế với khẩu trang vải, đặc biệt là khẩu trang vải kháng khuẩn nên phải lấy mẫu gửi đi giám định nhiều nơi.
Sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã có văn bản đề nghị Tổng cục Hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dệt may trong nước xuất khẩu sản phẩm khẩu trang vải sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, EU. Quy định chỉ áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Các mặt hàng không phải khẩu trang y tế không cần giấy phép xuất khẩu.
“Khẩu trang vải không phải là đối tượng phải hạn chế theo quy định của Nghị quyết 20/NQ-CP. Trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may hiện nay, việc sản xuất và xuất khẩu khẩu trang vải đang là giải pháp giúp doanh nghiệp có thể cầm cự, giữ chân công nhân. Về lâu dài, đây cũng có thể là hướng xuất khẩu mới, đặc biệt cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Bộ Công Thương cho biết.
AN YẾN
TNO