Viên kẹo bọc chì của Triều Tiên

Viên kẹo bọc chì của Triều Tiên

Nếu thông tin từ Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc chính xác, Triều Tiên dường như đang gửi tín hiệu nối lại đàm phán hạt nhân với Mỹ.

 

Viên kẹo bọc chì của Triều Tiên - Ảnh 1.

Tổng thống Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong cuộc thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội vào tháng 2-2019 – Ảnh: AFP

Trong một thông điệp ngay đầu tuần này, Triều Tiên tố cáo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang bào mòn thiện chí của Bình Nhưỡng về việc nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân.

Nếu Mỹ làm phiền chúng tôi, họ sẽ lãnh thương đau.

Nhà ngoại giao Triều Tiên

“Sẵn sàng bước khỏi bàn đàm phán”

Sau một cuộc họp trực tuyến của ngoại trưởng các nước G7 tuần trước, ông Pompeo nói với các phóng viên rằng cộng đồng quốc tế phải đoàn kết trong việc kêu gọi Triều Tiên quay lại bàn đàm phán về vấn đề hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ, ngoài ra, cũng thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục gây áp lực lên chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Đáp lại, Bình Nhưỡng cho rằng những phát biểu của ông Pompeo là “liều lĩnh”, đồng thời đe dọa sẽ trả lại cho Mỹ những gì Mỹ gây ra cho người Triều Tiên.

“Nghe những phát biểu liều lĩnh của ông Pompeo, chúng tôi mất hứng với đối thoại và trở nên quyết tâm hơn đối với các dự án quan trọng đã lên kế hoạch nhằm trả lại Mỹ nỗi kinh hoàng và bất ổn thực sự cho những gì họ đã đem tới cho người dân chúng tôi”, truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 30-3 (giờ Mỹ) dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao nước này chỉ trích ông Pompeo.

Trong tuyên bố trên, Triều Tiên cho rằng những bình luận của ông Pompeo “làm suy yếu nghiêm trọng những nội dung đối thoại của Tổng thống Mỹ đưa ra, như một miếng mồi để câu giờ và tạo môi trường có lợi cho ông ta”. Trong phần phản bác ông Pompeo nêu trên, Triều Tiên không nói rõ nước này sẽ làm gì tiếp theo nhưng khẳng định “chúng tôi sẽ đi con đường của mình. Chúng tôi muốn Mỹ đừng làm phiền”.

Đây không phải lần đầu tiên Triều Tiên đánh tiếng nhắc nhở Mỹ về cuộc đàm phán hạt nhân dang dở giữa hai bên. Song song với lời kêu gọi đàm phán, Triều Tiên cũng tiến hành thử nghiệm tên lửa và tập trận pháo binh.

Thông điệp của Triều Tiên ngày 30-3 được đưa ra chỉ một ngày sau khi Bình Nhưỡng bắn hai vật thể nghi là tên lửa đạn đạo ra biển, theo Hàn Quốc và Nhật Bản.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc nói hai vật thể trên được phóng sáng 29-3 từ thành phố bờ biển phía đông Wonsan ra vùng biển giữa bán đảo Triều Tiên và Nhật. Họ mô tả đây là hành động rất không phù hợp, trong bối cảnh cả thế giới đang chống dịch bệnh do virus corona (COVID-19) gây ra.

Phía sau là thiện chí?

Nhận xét về động cơ của Triều Tiên sau những đợt thử vũ khí và phát biểu đanh thép, nhiều chuyên gia thời gian qua cho rằng Bình Nhưỡng đang nóng lòng yêu cầu Washington gỡ lệnh trừng phạt kinh tế – một gánh nặng đặc biệt đối với Triều Tiên trong giai đoạn khó khăn giữa mùa dịch. Và có vẻ sớm nối lại đàm phán đúng là điều Triều Tiên đang mong muốn.

Hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap ngày 31-3 dẫn nguồn Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có khả năng đã thành lập một bộ phận chuyên trách đối ngoại mới để xử lý vấn đề đàm phán với Mỹ.

Thông tin này xuất phát một phần từ chi tiết rất nhỏ trong chính bài đăng chỉ trích ông Pompeo nêu trên. Cụ thể, vị quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên được trích dẫn vừa qua có chức danh “tổng giám đốc bộ phận mới dành cho các cuộc đàm phán với Mỹ”.

Theo Yonhap, các suy đoán đã xuất hiện cho rằng đây là “bộ phận” mới vì nó chưa bao giờ được báo chí Triều Tiên đề cập trước đây. Một quan chức giấu tên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhận định: “Có vẻ đây là một vị trí mới được thành lập. Tuy nhiên, không rõ liệu nó có thay thế cơ quan đã tồn tại lâu nay chuyên trách quan hệ đối ngoại của Triều Tiên, hay đang vận hành độc lập”.

Vài giờ sau tuyên bố chỉ trích của Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo cũng có cuộc họp báo đường dài với Yonhap và các tờ báo/hãng tin khác. Ông tái khẳng định lập trường kêu gọi các nước tiếp tục trừng phạt Triều Tiên, song nói thêm rằng Washington vẫn mong muốn đàm phán với lãnh đạo Triều Tiên về hạt nhân.

Nếu thông tin về “bộ phận mới” của Triều Tiên chính xác, đây có thể là một bước ngoặt trong cách tiếp cận vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng. Và hẳn lời chỉ trích dành cho ông Pompeo là một viên kẹo bọc chì, một gợi ý đàm phán ẩn bên trong những tuyên bố gai góc.

NHẬT ĐĂNG
TTO