‘Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải’

‘Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải’

Bất kể tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng giảm tích cực, chính quyền Ý cho biết cũng phải tới sau lễ Phục Sinh (12-4) mới có thể bắt đầu nới lỏng lệnh phong toả.

 

Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải - Ảnh 1.

Một công nhân phun tẩy trùng trước nhà thờ Milan ngày 31-3 – Ảnh: AP

Theo báo Wall Street Journal (WSJ), chính quyền Ý tin rằng đại dịch COVID-19 đang giảm dần trông thấy sau khi nước này triển khai 3 tuần phong tỏa chống dịch.

Có vẻ như kết quả tích cực tại Ý sẽ là tín hiệu hi vọng cho các nước phương Tây khác cũng đang áp dụng những giải pháp phòng dịch tương tự.

Lệnh phong tỏa phát huy tác dụng

Tuy nhiên giới chức Ý và các chuyên gia y tế nước này cho rằng sẽ phải tới sau lễ Phục sinh (năm nay là ngày 12-4) mới có thể giảm số ca nhiễm mới xuống tới mức đủ để bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc và mở cửa lại nền kinh tế.

“Chúng tôi có vẻ đã đi tới một thời điểm ổn định của dịch, điều này cho thấy những biện pháp phòng chống dịch đã phát huy tác dụng”,  ông Silvio Brusaferro, chủ tịch Viện Y tế quốc gia, trung tâm kiểm soát bệnh tật chính của Ý, nói.

Ý là quốc gia phương Tây đầu tiên đối mặt tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng vì dịch bệnh COVID-19. Tại đây đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc bắt đầu từ 10-3.

Biện pháp phong tỏa quyết liệt của Ý trở thành “ca thử nghiệm” về việc các nước phương Tây có thể dập dịch đủ nhanh để tránh một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng mà vẫn không phải dùng tới các chiến lược rất hà khắc như Trung Quốc hay không.

Số người nhiễm virus corona trên thực tế được cho là cao hơn nhiều so với những ghi nhận chính thức, vì nhiều người hoặc không có hoặc ít triệu chứng bệnh đã không được xét nghiệm.

Tuy nhiên vẫn còn những dấu hiệu khác đang củng cố thêm sự tin tưởng về việc biện pháp phong tỏa toàn quốc của Ý đã mang lại kết quả.

Cụ thể số ca phải nhập viện vì COVID-19 trên toàn nước ý đang giảm. Tại Lombardy, khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất, số người phải điều trị trong phòng hồi sức tích cực đã giảm xuống còn 1.324.

Ý cũng đã ghi nhận thêm 837 người chết trong ngày 31-3, nâng tổng số người chết vì COVID-19 của nước này lên 12.428, khoảng 58% trong đó ở Lombardy.

Các chuyên gia y tế cho rằng số người chết chắc chắn sẽ còn giảm nữa vì nhiều người tử vong các ngày qua đều đã nhiễm bệnh từ những tuần trước đây.

Trong ngày 31-3, lá quốc kỳ 3 màu của Ý đã được treo rủ trên toàn lãnh thổ nước này để tưởng niệm những người đã thiệt mạng vì đại dịch.

Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải - Ảnh 2.

Bà Chiara Appendino, thị trưởng thành phố Turin, chuẩn bị cho phút mặc niệm những người chết vì COVID-19 ngày 31-3 – Ảnh: AFP

‘Đừng sai lầm như chúng tôi’

“Trước khi các kết quả trở nên rõ ràng, quá nhiều thời gian đã trôi qua, quá nhiều người đã chết”, bà Cristina Capellini, một bác sĩ ở gần Bergamo, nói. Chồng bà Capellini cũng đã chết vì COVID-19 hồi đầu tháng 3.

“Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải. Hãy rút kinh nghiệm từ chúng tôi: Hãy quyết liệt trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ngay từ khi mới bắt đầu”, bà Capellini nói.

“Chúng ta nên hiểu thấu đáo thảm kịch này bằng cách thay đổi cách tiếp cận với vấn đề chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Nó nên được chú trọng đúng mức”, tiến sĩ Capellini tiếp.

Tại Bergamo, sức ép rốt cuộc cũng đã được giãn bớt tại các phòng hồi sức tích cực vốn luôn phải phân chia chỉ tiêu điều trị trong suốt nhiều tuần qua.

Tình hình cũng bắt đầu tích cực hơn tại Bệnh viện Papa Giovanni XXIII của thành phố này theo như chia sẻ của bác sĩ Mirco Nacuti thuộc phòng hồi sức tích cực tại đó.

Tuy nhiên một số người già vẫn đang chết mà không tới được bệnh viện, ông nói. “Thảm kịch vẫn đang tiếp tục tại các căn nhà riêng và các số liệu chính thức chưa cho thấy điều đó vì xét nghiệm chưa được thực hiện”.

“Chúng tôi đã bắt đầu thấy tia sáng le lói cuối đường hầm”, ông Frank Rasulo, bác sĩ gây mê tại phòng ICU thuộc hệ thống bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, một thành phố bị ảnh hưởng dịch nặng nề khác ở Lombardy, nói.

Theo ông Frank Rasulo, so với tuần trước, số người bệnh phải vào điều trị tại ICU đã ít hơn. “Tuy nhiên họ trẻ hơn và nhiều người bị nặng hơn do đã phải chống chọi với bệnh lâu hơn trong lúc chờ gọi được xe cứu thương”, tiến sĩ Rasulo nói.

Đừng lặp lại những sai lầm như người Ý chúng tôi đã mắc phải - Ảnh 3.

Các nhân viên thuộc cơ quan chức năng Ý chuyển quan tài một người chết vì COVID-19 lên xe chở đi ở Bergamo, Ý ngày 31-3 – Ảnh: BLOOMBERG NEWS

D. KIM THOA
TTO