Chúa Nhật V Mùa Chay A 2020: Đức Giêsu là nguồn sống toàn diện vĩnh hằng

Chúa Nhật này được kể là Chúa Nhật cuối cùng trước khi tín hữu bước vào Tuần Thánh, nên các bài Thánh Kinh cũng giới thiệu mạc khải cao nhất về Chúa Giêsu như là nguồn sống toàn diện vĩnh hằng.

Chúa Nhật V Mùa Chay A 2020

Đức Giêsu là nguồn sống toàn diện vĩnh hằng

 

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

 

Lời mở

Chúa Nhật này được kể là Chúa Nhật cuối cùng trước khi tín hữu bước vào Tuần Thánh, nên các bài Thánh Kinh cũng giới thiệu mạc khải cao nhất về Chúa Giêsu như là nguồn sống toàn diện vĩnh hằng. Người đã chứng minh điều đó bằng việc làm cho người bạn Lazarô đã chết 4 ngày được sống lại. Đây là một phép lạ xưa nay chưa từng có trong lịch sử loài người để đem lại cho ta niềm vui và hy vọng vô biên, nhất là trong đại dịch Covid 19 này.

1. Tìm lại nguồn sống

Dù sự sống đã xuất hiện trên trái đất này cách đây khoảng 1 tỷ năm, khởi đầu từ những tế bào sống đơn giản cho đến con người biết suy tư, nhưng nhiều người vẫn chưa biết sống là gì, sự sống bắt nguồn từ đâu và có thể phát triển sự sống đến mức độ nào.

Tìm trong Từ điển Bách khoa Việt Nam, bộ từ điển giá trị nhất hiện nay gồm 4 cuốn với hơn 4.000 trang khổ lớn, chúng ta không tìm được định nghĩa của từ “sống”. Còn trong cuốn Từ điển tiếng Việt 2013, của Viện Ngôn ngữ học, người ta chỉ mô tả “sống là tồn tại ở hình thái có trao đổi chất với môi trường bên ngoài, có sinh sản, lớn lên và chết”. Đó chỉ là những chức năng chung của các sinh vật, chứ không phải là định nghĩa về sự sống và càng không mô tả được sự sống kỳ diệu của con người.

Thật ra, sự sống là một cái gì hiển nhiên, không cần minh chứng vì nó đang ở trong ta, trong muôn loài sống động quanh ta. Sự sống lạ lùng, quý báu, thiêng liêng, nhưng lại có vẻ rất mong manh, tạm thời, phi lý và dễ dàng biến mất, nếu người ta không tìm về được cội nguồn sự sống để kín múc và phát triển nó đến mức độ tuyệt vời.

Tính cho đến hôm nay, ngày 1/4/2020, đại dịch Covid 19 lan rộng ra 203 quốc gia với hơn 856 ngàn người nhiễm và 40.000 người chết trong vòng 2 tháng; 3 tỷ người sống trong lo sợ, mất việc, xáo trộn mọi bề; 1,3 tỷ học sinh phải nghỉ học… như gợi ý cho ta sự sống là một mầu nhiệm cần khám phá không ngừng. Chính vì không biết sự sống là gì, bắt nguồn từ đâu và phát triển đến mức nào nên con người có những thái độ sống rất khác nhau.

Có người cho sự sống là việc kết hợp ngẫu nhiên của vật chất trên đường tiến hoá theo giả thuyết của Darwin, nhà khoa học người Anh, nay còn, mai mất, rồi tan rã theo vật chất như mọi sinh vật quanh mình. Họ thấy sự hiện hữu của mình thật là phi lý. Nó giống như bãi phân chó đáng nôn mửa trong tiểu thuyết Buồn nôn của Jean Paul Sartre, hay như “hạt bụi nào đó hoá kiếp thành mình để rồi bị giọt mực đen ngòm của cái chết xoá bỏ không hay” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Vì thế, họ phung phí những năm sống cho các cuộc vui, chẳng lo cho mình, chẳng giúp cho đời. Nhà ái quốc Phan Bội Châu đã từng nhắc nhở: “Sống mà như thế đừng nên sống, sống tủi làm chi, đứng chật trời!”.

Trái lại, không ít người nhận thức được rằng: ngoài sự sống thể lý gồm hàng tỷ tế bào chuyển động không ngừng trong một cấu trúc kỳ diệu, duy nhất như các sinh vật khác, sự sống con người còn được định hình bởi một tinh thần lạ lùng, thiêng liêng, không bị lệ thuộc vào vật chất, không gian, thời gian. Nhờ đó con người mới có được tình cảm, tư tưởng, tình yêu, hạnh phúc, mới biết đến cảm thông, chia sẻ, mới vượt qua được nỗi lo sợ để tìm được bình an, hy vọng, niềm vui và vươn tới những giá trị tốt đẹp khác khi đang phải đối mặt với cơn đại dịch do virus Corona chủng mới gây nên.

Các bài Thánh Kinh như giải thích cho ta hiện tượng đó.

2. Sự sống toàn diện vĩnh hằng

Cái chết của Lazarô là một sự kiện có thật cho mọi sinh vật chứ không phải cho riêng con người. Sinh-lão-bệnh-tử là lẽ thường tình, ai cũng biết mình phải trải qua. Nhưng khi đối mặt với cái chết, người ta vẫn khóc lóc, vẫn tiếc thương, vẫn hy vọng được sống và sống mãi vì tinh thần của con người luôn hướng về cội nguồn sự sống. Và Đức Giêsu là cái neo để người ta đặt vào niềm hy vọng, vì Người đã nhiều lần làm cho kẻ chết sống lại (x. Lc 7,11-17; Mc 5,21-43). Do đó, cô Marta và Maria đã nói lên niềm hy vọng này: “Nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết!” (Ga 11,21.32).

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã cố tình trì hoãn, để Lazarô chết tới 4 ngày, thân xác vật chất bắt đầu phân huỷ, rồi mới cho ông sống lại, để chứng tỏ “Người là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Người thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Người sẽ không bao giờ phải chết” (x. Ga 11,25-26). Nhưng khối vật chất “nặng mùi” chết chóc đó làm sao có thể nghe được tiếng nói, hiểu được lệnh truyền của Chúa Giêsu! Chỉ có tinh thần của Lazarô đang còn sống, đang hiện diện ở đó, mới nghe được, hiểu được và định hình lại những tế bào đang phân huỷ kia để chúng biến đổi thành người sống. Do đó, chúng ta đừng quá quan tâm tới đời sống thể lý, nhưng phải chú ý đến tinh thần của mình vì chính tinh thần định hình thể xác.

Nếu tinh thần định hình cho vật chất để vượt qua sự phân huỷ, tan rã, thì khi càng giữ cho tinh thần trong sáng, quảng đại, tràn đầy yêu thương, ta sẽ càng vượt qua nỗi sợ hãi cái chết, vượt qua những giới hạn của vật chất, không gian, thời gian để vươn tới những gì kỳ diệu, phi thường và tìm về được nguồn sống vĩnh hằng. Cái chết lúc đó chỉ còn là một ngưỡng cửa mà ta phải bước qua trong cuộc đời trần thế để đi vào miền đất trường sinh. Mỗi tư tưởng, lời nói, hành động được tinh thần con người định hình sẽ có giá trị  mãi mãi. Vì thế, con người phải tẩy rửa mọi vết bẩn bám vào tinh thần mình, nếu muốn sống hạnh phúc trọn vẹn với Chúa.

Tuy nhiên, vì là con người yếu đuối, luôn bị những tham vọng, dục vọng chi phối, nên tinh thần của ta đã có những lần sa ngã, kéo theo cái chết của thể xác. Vì thế, ta rất cần đến Chúa Thánh Thần. Ngài là tinh thần tuyệt đối, là thần khí của Thiên Chúa, thần khí của Đức Kitô. Vì thế, “dầu thân xác ta có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho ta được sống” (x. Rm 8,8-11).

Suy nghĩ về sự sống trọn vẹn của con người với hồn và xác, ta mới vượt qua những lo sợ của dịch bệnh hiện nay. Ta sẽ nhận ra đây là một hồng ân Chúa ban để ta vượt qua những lo lắng thái quá về cơm áo, gạo tiền, những trò vui, nghiện ngập và đời sống hưởng thụ ích kỷ chỉ phục vụ cho thân xác vật chất. Đây là dịp giúp ta nhìn lại tâm hồn mình, kiểm tra sức khoẻ đời sống tinh thần, vượt qua cả những lễ nghi phụng tự và lời kinh quen đọc của các tôn giáo trong dịp lễ Phục Sinh, Lễ Phật Đản để gặp gỡ được Chúa là tinh thần tuyệt đối. Chúng ta sẽ dùng thời gian ở nhà để nối kết lại tình yêu thương trong gia đình, chia sẻ và giúp đỡ những người già yếu, nghèo khổ quanh ta. Chúng ta cũng dùng thời gian này để học hỏi và đào luyện tinh thần mình cho phát triển hơn về tri thức, mạnh mẽ hơn về ý chí và mở rộng tới vô biên để gặp gỡ được Đấng Siêu Việt là Đức Giêsu đang sống.

Lời kết

Để giúp đỡ cụ thể, chúng tôi đã gửi tới nhiều bạn tập tài liệu “Hướng tới sự trưởng thành toàn diện” gồm 27 bài suy niệm. Các bạn cũng có thể tìm đọc trên trang web hanhkhatkito.net, mục Hoạt động Hành Khất Kitô.

Cầu chúc các bạn và gia đình luôn bình an, mạnh khoẻ, tràn đầy ơn lành trong Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh.