Yên lòng với những buổi thánh lễ trực tuyến không có giáo dân mùa COVID-19

Yên lòng với những buổi thánh lễ trực tuyến không có giáo dân mùa COVID-19

Chúng ta đang ở hoàn cảnh đặc biệt. Biết bao nhiêu người đang lo lắng, biết bao nhiêu người đang ốm đau bệnh tật, biết bao nhiêu người đã qua đời, biết bao nhiêu người vì nạn dịch này mà lâm vào cảnh nghèo khó, vất vả, thiếu thốn…”.

 

Yên lòng với những buổi thánh lễ trực tuyến không có giáo dân mùa COVID-19 - Ảnh 1.

Buổi thánh lễ đặc biệt tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn sáng 29-3, chủ tế dâng thánh lễ mà không có giáo dân – Ảnh chụp màn hình

Lời mở đầu của đức cha trong buổi thánh lễ Chúa nhật tuần 5 mùa Chay được cử hành… trực tuyến vào 5h30 sáng chủ nhật 29-3 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn phản ánh một hiện thực đặc biệt chưa từng có đang diễn ra mùa lễ Phục sinh này với Công giáo và các lễ tôn giáo khác của các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Bài giảng của chủ tế trong thánh lễ trực tuyến Chúa nhật tuần 5 mùa Chay sáng 29-3 tại nhà thờ Đức Bà Sài Gòn thu hút hơn 1.000 tương tác trên trang Fanpage của Giáo phận Sài Gòn và gần 505.000 lượt xem trên YouTube.

Hình thức thánh lễ trực tuyến, dù không thỏa lòng các tín đồ tôn giáo nhưng trong hoàn cảnh đặc biệt đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của các giáo dân.

Nhiều người xúc động khi các bài giảng trong các thánh lễ online luôn có thêm lời cầu nguyện mùa COVID-19, cầu cho các nhà khoa học tìm ra vaccine để phòng ngừa virus corona, cho các y bác sĩ được bình an, khỏe mạnh để tận tụy phục vụ nhân dân, và tất cả chúng sinh được bình an.

Các thánh lễ Công giáo không phải là lễ tôn giáo duy nhất thực hiện qua hình thức online. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 những ngày gần đây, ngày 27-3, Ban Tôn giáo Chính phủ đã ban hành công văn gửi các tổ chức tôn giáo về việc đẩy mạnh phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị lãnh đạo giáo hội hướng dẫn các tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở thờ tự, dừng ngay tất cả các hoạt động tôn giáo tập trung đông người.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đề nghị các giáo hội tăng cường sử dụng phương tiện công nghệ thông tin, phục vụ sinh hoạt tôn giáo từ xa.

Với Hội đồng Giám mục Việt Nam và Hội thánh Tin lành Việt Nam, chỉ đạo này đến vào đúng mùa lễ Phục sinh, vì vậy, các hội thánh đã quyết định tổ chức các thánh lễ theo hình thức trực tuyến.

Tổng Giáo phận Sài Gòn và các giáo phận khác đã thông báo tới các giáo dân về lịch tổ chức trực tuyến thánh lễ và chầu mình Thánh Chúa trong mùa Chay trên trang web và Fanpage của mình.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng lập tức ban hành công văn gửi Ban trị sự giáo hội Phật giáo Việt Nam các tỉnh, thành phố, các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước, tăng ni, đồng bào Phật tử về việc thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thực hiện đợt cao điểm phòng chống dịch COVID-19 vào ngày 27-3.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni thực hiện cấm túc tại các chùa, các cơ sở tự viện không đi ra ngoài nếu không thật cần thiết cho tới ngày 15-4; dành thời gian đọc tụng kinh Dược sư, các kinh cầu an hồi hướng cầu nguyện bình an cho nhân dân, cầu bình an, có đủ sức khỏe, nghị lực, sự lạc quan và quyết tâm cho các y, bác sĩ, nhân viên y tế, các chiến sĩ, các lực lượng đang làm nhiệm vụ tại tuyến đầu chống dịch.

Những chùa, cơ sở tự viện có đông tăng ni (lớn hơn 20 vị) thì cần chia các nhóm nhỏ khi thực hành công phu tụng niệm thường nhật.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng yêu cầu tăng ni, các chùa, cơ sở tự viện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện các bài giảng, hướng dẫn nghi lễ, sinh hoạt Phật pháp bằng hình thức trực tuyến.

Trong thực tế, nhiều chùa lớn đã từng tổ chức các buổi lễ cầu nguyện, các buổi giảng giáo lý trực tuyến từ trước đây.

Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng có văn bản yêu cầu Giáo hội Phật giáo các tỉnh chỉ đạo các chùa, cơ sở tự viện không tổ chức lễ Phật đản theo hình thức tập trung đông người, không rước xe hoa và tổ chức văn nghệ chào mừng.

THIÊN ĐIỂU
TTO