Làm gì để ‘đời vẫn tươi’ trong thời gian phong toả?

Làm gì để ‘đời vẫn tươi’ trong thời gian phong toả?

Nếu thành phố bị phong toả thời gian dài, con người sẽ bị stress như thế nào? Làm thế nào để thích nghi với tình trạng phong toả? GS Tessa Melkonia (Pháp) đã hướng dẫn một số bí quyết.

 

Làm gì để đời vẫn tươi trong thời gian phong tỏa? - Ảnh 1.

Người dân Pháp cổ vũ các y bác sĩ tuyến đầu trong thời gian phong tỏa toàn quốc – Ảnh: MAXPPP

Lúc 20h ngày 16-3-2020, trong bài phát biểu thứ hai về dịch COVID-19 trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmannuel Macron tuyên bố “chúng ta đang trong tình trạng chiến tranh về y tế”, sau đó ông tuyên bố phong tỏa toàn nước Pháp 15 ngày.

Biết kích hoạt các yếu tố dung hòa

Quyết định phong tỏa đã đưa người dân Pháp vào tình huống chưa từng có, ảnh hưởng đến phần lớn thói quen của họ và chắc chắn họ đã rơi vào trạng thái căng thẳng (stress).

Bà Tessa Melkonia – giáo sư về quản trị và hành vi tổ chức của Trường Quản trị kinh doanh EM Lyon (Pháp), cho rằng người dân buộc phải sống thích nghi với hai lĩnh vực: phạm vi công việc và phạm vi riêng tư.

Các công trình nghiên cứu gần đây về tác dụng của biện pháp cách ly ở Trung Quốc cho thấy tình trạng cách ly đã dẫn đến mức độ lo lắng rất cao, khó điều tiết cảm xúc (cảm thấy rất tức giận) và căng thẳng sau chấn thương khi cách ly quá 10 ngày.

Tuy nhiên, các nghiên cứu về stress cho thấy trong một tình huống căng thẳng như nhau, người biết cách kích hoạt các yếu tố dung hòa sẽ là người bị ảnh hưởng ít nhất.

Các yếu tố dung hòa thường hiện diện trong cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên  trong thời gian phong tỏa khó kích hoạt hơn và đòi hỏi chúng ta phải có ý thức nỗ lực và khả năng hình thành thói quen mới.

Duy trì nhịp độ sinh hoạt thường ngày

Theo các nghiên cứu về stress nói chung và stress trong cuộc sống phong tỏa như sống trên tàu ngầm, GS Tessa Melkonia đã đưa ra một số nguyên tắc hữu ích.

Đầu tiên là duy trì sinh hoạt theo kế hoạch (thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi…) sẽ mang đến hai lợi ích.

Một là giữ tâm trí chúng ta tập trung vào hành động thay vì suy nghĩ vẩn vơ. Suy nghĩ liên tục về khía cạnh tiêu cực của tình huống căng thẳng chỉ làm tăng thêm stress.

Làm các công việc đơn giản và có kế hoạch (dậy đúng giờ, mặc quần áo như ngày đi làm, lập thời gian biểu cụ thể cho mình và con cái…) sẽ tạo cho chúng ta cảm giác kiểm soát được công việc và khiến chúng ta ít rảnh rỗi để suy nghĩ lung tung.

Hai là duy trì nhịp sinh học bình thường. Chúng ta giữ cho thể chất và tâm lý tốt hơn khi duy trì một số thói quen nhất định như thói quen đi ngủ và ăn uống.

Nói cách khác, hãy giữ nhịp sinh học bình thường và chống lại sức cám dỗ “hủy diệt” của hành vi cắm đầu xem phim và ăn vặt suốt ngày.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo để hoạt động tốt, cơ thể chúng ta cần vận động tối thiểu 10.000 bước đi mỗi ngày để kích thích hệ hô hấp và tim.

Làm gì để đời vẫn tươi trong thời gian phong tỏa? - Ảnh 3.

Trong thời gian cách ly phải tránh xem phim và ăn vặt suốt ngày – Ảnh: buzz.ie

Cách sống khỏe trong thời gian phong tỏa

Trong thời gian phong tỏa rất khó duy trì mức vận động tối thiểu, do đó GS Tessa Melkonia đã giới thiệu một số mẹo tăng tối đa khả năng vận động.

Ví dụ như chia nhỏ các lần mua sắm đồ thiết yếu để duy trì ít nhất một lần ra ngoài mỗi ngày, không sử dụng thang máy, dọn dẹp nhà cửa thường xuyên hơn, tăng cường thể lực như hít đất và/hoặc tập thể dục 10 phút mỗi ngày.

Hai yếu tố chính để quản lý stress là điều tiết cảm xúc và tăng cường các mối quan hệ xã hội.

Điều tiết cảm xúc là đủ khả năng nhận biết cảm xúc bản thân, sau đó sử dụng cảm xúc để xây dựng quan hệ tốt hơn với những người khác.

Trong khuôn khổ đó, trao đổi với những người xung quanh và trên mạng xã hội về cảm xúc của mình là yếu tố quan trọng.

Chúng ta phải nói ra những gì chúng ta cảm thấy, từ đó cải thiện khả năng nhận diện cảm xúc.

Từ đó chúng ta cũng nhận ra không phải chỉ mình là người duy nhất có cảm xúc tiêu cực.

Trao đổi qua điện thoại hoặc qua mạng với các thành viên sẽ giúp chúng ta học tập kinh nghiệm tốt của người khác.

Cuối cùng là tận dụng thời gian phong tỏa lúc sinh hoạt chậm lại để củng cố quan hệ với người thân.

Làm gì để đời vẫn tươi trong thời gian phong tỏa? - Ảnh 4.

Để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, nhiều nước đã kêu gọi người dân ở trong nhà – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Làm gương và dạy cho con cái cách quản lý stress

Chúng ta phải làm gương cho con cái về quản lý stress.

Nếu con cái thấy cha mẹ không thể đối phó với stress, chúng có thể nghi ngờ bản thân trong đối phó với stress.

Để giảm thiểu rủi ro này và giúp con cái tích lũy khả năng quản lý stress trong tương lai, GS Tessa Melkonia nêu một số biện pháp như sau:

Đầu tiên, giải thích cho con cái biết các kỹ năng quản lý stress cần phải học và cần cải thiện suốt đời.

Trong quân đội có các khóa huấn luyện đối phó với stress bằng cách rèn luyện cách tập hợp các kỹ thuật tối ưu hóa tiềm năng, sau đó thực hành các bài tập.

Tương tự như quân đội, chúng ta có thể học các nguyên tắc cơ bản của quản lý stress từ trường học và điều chỉnh chúng qua kinh nghiệm chuyên môn và cá nhân.

Làm gì để đời vẫn tươi trong thời gian phong tỏa? - Ảnh 5.

Sống cách ly theo kinh nghiệm của các quân nhân sống khu trú dưới tàu ngầm – Ảnh: SHUTTERSTOCK

Kế đến phải chấp nhận có đỉnh điểm của stress và trao đổi với con cái về ảnh hưởng của stress đối với cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ.

Hãy nói với con cái rằng tình hình phong tỏa sẽ gây căng thẳng khách quan cho mọi người. Điều này sẽ giúp chúng dễ dàng chấp nhận stress của bản thân và hiểu rõ lý do hơn.

Ngoài ra, thảo luận với con cái về tác động của stress sẽ giúp chúng nhận diện các triệu chứng căng thẳng đa dạng (cơ thể, đầu và tim) và chấp nhận sống chung với stress như lẽ tự nhiên.

HOÀNG DUY LONG

TTO