Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu!

Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu!

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến đối với những môn toán, tiếng Việt, ngoại ngữ (khối lớp 1, 2, 3). Riêng khối lớp 4, 5 thêm môn khoa học, lịch sử và địa lý.

 

Dạy trực tuyến cho tiểu học: không dễ đâu! - Ảnh 1.

Dạy học sinh lớp 1, 2 không khác nào cầm tay chỉ việc, tỉ mỉ từng chút một. Nhưng trực tuyến giáo viên giảng chỉ một chiều, tiếp nhận của học trò có hiệu quả hay không phải phụ thuộc phụ huynh hỗ trợ.

Cô N.T.H. (Trường tiểu học Lương Thế Vinh, Q.7, TP.HCM)

Và đã có những nỗi niềm, băn khoăn khi thực hiện quy định này.

Phụ huynh: Cập rập quá!

Chị T.H. – có con học lớp 1 một trường tiểu học ở Q.10, TP.HCM – chia sẻ: “Trong nhóm phụ huynh của lớp, giáo viên chủ nhiệm thông báo nghỉ học kéo dài nên sẽ học trực tuyến trên phần mềm Zoom Cloud Meeting. Phụ huynh vào tải về hoặc vào đường link giáo viên gửi để cho con tham gia học. Nhưng nói thật, tải phần mềm theo dõi và học trên đó rất mệt. Chưa kể giáo viên dặn 7h30 mỗi tối mở cho con học. Không phải gia đình nào cũng có thời gian như nhau. Tôi thấy mọi thứ cập rập và… phong trào quá”.

Còn chị Nguyễn Ánh Nguyệt – phụ huynh học sinh lớp 2 Trường tiểu học Hòa Bình (Q.1) – lại rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khác: “Nghỉ học, con tôi về quê với ông bà. Ông bà ở quê làm sao biết máy móc mà mở cho con xem. Mà nhà ông bà cũng không kết nối mạng để học trực tuyến. Còn bài tập trên website, tôi đã email và nhờ… cả xóm in ra cho con làm”.

Phạm Tuấn Kiệt – lớp 2/3 Trường tiểu học Hòa Bình – nói: “Con học bài tiếng Việt cô giáo dạy trên máy tính của mẹ. Con nghe giọng đúng cô giáo chủ nhiệm dạy. Nhưng con không hiểu bằng cô giảng trên lớp. Con phải nhờ mẹ bấm nút quay lại. Nhìn vào màn hình cũng khó tiếp thu, con không quen cách học này”.

Giáo viên: Khó khăn!

Cô giáo N.T.H. – Trường tiểu học Lương Thế Vinh (Q.7) – cho biết trước đây cô dạy giáo án điện tử, chiếu máy chiếu thêm cho học sinh. Nhưng giờ dạy trực tuyến cô cũng loay hoay không biết quay sao. Cuối cùng cô chỉ quay màn hình trực tiếp vào máy tính rồi giảng thu tiếng vào video, như một thao tác… công nghiệp.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở Q.6 cho biết khi nhận thông báo của sở, trường đã đưa bài giảng lên website. “Giáo viên tự làm video ở nhà, thiết kế giáo án điện tử rồi lồng tiếng trực tiếp vào. Khi hoàn thiện bài giảng, trường sẽ đưa lên trang thông tin của trường; hoặc gửi nội dung dưới dạng file qua tin nhắn cho phụ huynh. Nếu học sinh không hiểu sẽ điện thoại trực tiếp để giáo viên hướng dẫn” – lãnh đạo trường cho biết cách học.

Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng, vị này lại phân vân: “Tôi thấy rất khó khăn. Thời gian quá gấp, giáo viên không có nhiều kinh nghiệm cho dạy học trực tuyến. Thật lòng tôi vẫn không ưng bụng nhưng tình thế phải thích ứng. Còn giải pháp lâu dài, phụ thuộc nhiều chủ trương của sở, phòng”.

Trong khi đó, cô Trần Bé Hồng Hạnh – hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1) – cho biết từ hai tuần nghỉ đầu tiên, giáo viên của trường đã tập huấn để xây dựng bài tập cho học sinh qua phần mềm trực tuyến.

“Giáo viên gặp khó khăn vì không đáp ứng được công nghệ thông tin. Thêm vào đó, phụ huynh không phải ai cũng có điều kiện 100% về máy móc, về cơ sở vật chất để con kết nối học trực tuyến. Dù trường thiết kế linh hoạt nhiều phương án như học qua website; gửi tin nhắn qua Viber, Zalo… nhưng thật lòng tôi vẫn trăn trở. Nếu nghỉ học lâu hơn thì bộ, sở, phòng cũng phải có chủ trương sớm để các trường khỏi bị động…” – cô Hạnh ý kiến.

* Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM):

Giải pháp tạm thời!

Rõ ràng dạy và học trực tuyến thì không thể nào chất lượng như dạy và học trên lớp được. Nhất là lứa tuổi học tiểu học cần nhiều sự hỗ trợ của thầy cô, cha mẹ thì việc học trực tuyến lại khó khăn hơn. Tuy nhiên, khi học sinh nghỉ học dài ngày, ngành giáo dục phải triển khai nhiều biện pháp để học sinh có kênh trau dồi kiến thức, kết nối với giáo viên thường xuyên. Khi học sinh trở lại trường, giáo viên sẽ rà soát các mức độ học sinh đã đạt được đến đâu để bổ sung kiến thức cho các em.

ĐẶNG THẢO THƯƠNG
TTO