Tài liệu tĩnh tâm – Hướng tới sự trưởng thành toàn diện – Bài 14: Thở được linh khí của Trời

Bài học “Thở được linh khí của Trời” này, đối với chúng ta, có thể là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Xin bạn thử tập và bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần kỳ diệu vô cùng.

Hướng tới
sự trưởng thành toàn diện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

PHẦN II

CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI
CÔNG GIÁO VIỆT NAM (tt)

Bài 14
Thở được linh khí của Trời

Lời mở

chum-anh-dẹp-tuyet-my-ve-tuoi-tho-cua-tre-em-tren-toan-the-gioi6 Trong đời sống thường ngày, chúng ta thường quan tâm đến ăn, ít chú ý đến uống và hầu như chẳng để ý đến thở. Nhiều người thở rất yếu nên sức khoẻ kém cỏi, mang nhiều bệnh tật. Trong kinh nghiệm tiếp xúc với hơn 10.000 bệnh nhân, tôi thấy 95% thở không đủ khi đo hơi thở cho họ. Nếu hiểu được tầm quan trọng của khí trong đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên, ta mới sống khoẻ mạnh, tài giỏi, xinh đẹp vì thở dồi dào được khí sạch của đất và trở thành kỳ diệu, phi thường, thần linh vì thở được khí thiêng của Trời.

Cuộc đời hào hùng của Nguyễn Công Trứ[1] như mời gọi ta thở được linh khí của trời đất qua bài thơ Kẻ Sĩ của ông:

Khí hạo nhiên chí đại chí cương

So chính khí đã đầy trong trời đất”.

thankhi 3

1. Tầm quan trọng của khí thở tự nhiên

Nhiều người chưa hiểu khí cần thiết và quan trọng như thế nào cho sự sống, nên chỉ quan tâm đến việc ăn uống và bỏ qua việc thở. Một ngày không ăn là họ cảm thấy đói cồn cào, tay chân rã rời, như mất hết sức sống. Nhưng thật ra, chúng ta biết rằng lương thực là loại nhu cầu thấp nhất so với nước uống và khí thở. Người ta có thể nhịn ăn tối đa khoảng 30-40 ngày, nhịn uống khoảng 3-4 ngày và nhịn thở tối đa khoảng 4 phút nhờ 1 lít không khí luôn được dự trữ trong buồng phổi. Mỗi ngày người lớn trung bình cần 1,5kg lương thực, 3-4 lít nước và tối thiểu 10.000 lít không khí.

Để có thể sống được, 75 ngàn tỉ tế bào trong cơ thể con người cần được liên tục cung cấp oxy từ khí quyển bên ngoài vào trong cơ thể và thải trừ khí carbonic. Nhờ có khí oxy, tế bào sẽ chuyển hoá hay đốt các chất dinh dưỡng mà máu đưa tới thành năng lượng và khí carbonic sinh ra trong quá trình này sẽ được thải ra ngoài[2]. Dòng máu đen đầy khí carbonic không còn ích lợi cho sự sống đó phải được quả tim chuyển sang buồng phổi để đỏ trở lại nhờ nhận được oxy. Trong vòng ¼ giây, máu đen tràn vào các túi chứa khí gọi là phế nang của phổi. Có khoảng 500 triệu túi, tạo ra một bề mặt có diện tích khoảng 70m2 để việc trao đổi khí được diễn ra thật nhanh chóng.

trao doi khi

Khi hô hấp bình thường, có khoảng 500ml khí lưu thông vào và ra khỏi phổi. Tuy nhiên, người ta có thể gia tăng lượng khí hít thở trong khi vận động nhờ tập thở. Lượng khí tối đa mà hai lá phổi có khả năng giữ lại bên trong là 5.800ml, nhưng có khoảng 1000ml gọi là khí cặn, luôn được giữ lại bên trong đường hô hấp sau mỗi nhịp thở, để phòng trường hợp khẩn cấp do thiếu khí, ngạt hơi[3].

20170830-055843-29_429x305 Hệ thần kinh, với bộ não và tuỷ sống, tiếp nhận thông tin từ tất cả các bộ phận của cơ thể và đáp lại bằng các chỉ thị đến mọi mô và cơ quan. Trung tâm thần kinh này được nuôi dưỡng bằng các dịch phức tạp, trong đó có máu. Đặc biệt bộ não với khoảng 100 tỉ tế bào thần kinh gọi là neuron, tuy chỉ to bằng nắm tay, nhưng cần một lượng khí tối thiểu chiếm khoảng 1/5 lượng khí của toàn thân, nghĩa là khoảng 2.000 lít không khí một ngày. Các thông tin đi lên càng cao – hướng đến phần cao của não – thì chúng càng tiến gần tới sự nhận biết có ý thức của chúng ta: các chức năng cao nhất về thần kinh xảy ra trong vỏ não: các ý nghĩ, tưởng tượng, học hỏi, cảm xúc và ra quyết định có ý thức. Não có hai nguồn chính nuôi dưỡng và thải các chất cặn bã là dòng máu và dịch não tuỷ[4].

Như thế, nếu con người tăng cường hệ hô hấp để có nhiều oxy trong máu, người ta sẽ tăng cường được các chức năng của hệ thần kinh: ý thức dồi dào hơn, cảm xúc mãnh liệt hơn, ý chí mạnh mẽ hơn, học hành làm việc hiệu quả hơn. Đây là lý do chúng ta cần tập thở cho đúng, cho tốt để tăng cường chất lượng sống tự nhiên.

bo-anh-indonesia-gan-gui-lang-que-viet-1436887625-55a52a49afa97

2. Tầm quan trọng của khí thở siêu nhiên

Khi hiểu được tầm quan trọng của khí thở đối với sự sống tự nhiên, ta có thể suy diễn và hiểu được phần nào tầm quan trọng của khí siêu nhiên đối với đời sống tinh thần của từng người, cũng như của Giáo Hội là thân thể nhiệm mầu của Đức Giêsu Kitô. Nhất là chúng ta nhận ra và cảm nghiệm được vai trò thần hoá của Chúa Thánh Thần vì Ngài chính là Thần Khí, là khí thiêng của Trời, được ban cho ta thở và biến đổi ta thành con cái Thiên Chúa như Chúa Giêsu.

Người Việt chúng ta đã từng biết đến “linh khí” là khí thiêng của trời đất, núi sông, biết đến “dũng khí”, “hào khí”, “chính khí” của những con người có chí khí mạnh mẽ, dám đương đầu với những khó khăn, nguy hiểm. “Khí hạo nhiên” được Nguyễn Công Trứ nhắc đến là thứ khí phách, năng lực tinh thần, phẩm cách cao quý nhất, không gì so sánh được của con người. Khí này được bàn đến trong câu chuyện Mạnh Tử nói với Công Tôn Sửu. Khí phách đó nhân hậu, cương trực mà những nhà Nho, kẻ sĩ luôn phải gìn giữ trong đời sống. Nhiều người theo Phật giáo và Lão giáo còn hiểu rằng “khí” không phải là không khí ta thở, nhưng là thứ năng lượng sống thuần khiết nhất của trời đất, của vũ trụ gọi là “khí tiên thiên” mà con người có thể thu nhận được, hoà hợp với “khí hậu thiên” do ta tập luyện được qua khí công (công phu luyện khí) được lưu chuyển khắp cơ thể ta. Những hiểu biết này giúp ta dễ hiểu hơn về Chúa Thánh Thần được gọi là Thần Khí của Kitô giáo.

godknows

Từ “Thần Khí” xuất phát từ chữ Ruah trong tiếng Do Thái, và có nghĩa đầu tiên là hơi thở, không khí, gió[5]. Chúa Thánh Thần là hơi thở của Thiên Chúa trong công trình tạo dựng vũ trụ và con người (x. St 1,2; 2,7; Tv 33,6; 104,30; Gv 3,20-21; Xh 37,10). Ngài là nguồn gốc của sự hiện hữu và sự sống của mọi loài thụ tạo[6]. Ngài là hồng ân cao quý nhất mà Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho các môn đệ khi thổi hơi trên họ để họ có quyền tha tội như Thiên Chúa: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần…”. Chúa Thánh Thần chính là “làn gió mạnh mẽ ùa vào đầy nhà nơi các môn đệ đang tụ họp” (x. Cv 2,1-11) để biến đổi họ thành con người mới đầy ân sủng và quyền năng. Cuối cùng, Ngài chính là Ngôi Ba Thiên Chúa, đồng bản thể với Chúa Cha và Chúa Con.

CG chiu phep rua

Khi thở hít được linh khí ấy, ta mới hoà nhập thành một với Chúa Giêsu, trở thành chi thể sống động trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô đã nhắc nhở rằng: “Tất cả chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể, tất cả chúng ta được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (x. 2Cr 12,37.12.13)[7]. Có thở được Thần Khí ấy ta mới phát huy sự sống kỳ diệu, tràn đầy sự thật, niềm vui, bình an của Thiên Chúa để tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu Kitô. Đó là “sứ vụ phối hợp của Chúa Con và Chúa Chúa Thánh Thần”[8], đồng thời cũng là sứ vụ của Hội Thánh “như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em[9].

thankhi 2 Chúng ta phải thú nhận rằng: người tín hữu Công giáo chưa ý thức tầm quan trọng của Chúa Thánh Thần và chưa thở được Thần Khí. Trong một vài thế kỷ đầu, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các tông đồ và môn đệ khiến họ hăng say rao giảng Tin Mừng và phát huy các ân sủng kỳ diệu của Ngài. Nhưng sau đó, Giáo hội Công giáo rơi vào tình trạng quên lãng sự hiện diện sống động của Ngài và đánh mất bí quyết thở Thần Khí do các tông đồ truyền lại. Họ rất thụ động trong việc thở khí thiêng. Thần Khí mà họ nhận được khi chịu bí tích Rửa Tội hay Thêm Sức chỉ lưu lại rất ít giúp họ sống yếu ớt, thoi thóp chứ không phải dồi dào sung mãn với đủ loại ơn đoàn sủng, hiện sủng, đặc sủng của Thánh Thần như các ơn nói tiên tri, phục vụ, chữa bệnh, trừ tà, thông thạo các ngôn ngữ, khoa học… Chúng ta cần phải tập thở Thần Khí và làm sống lại sự hiện diện lạ lùng của Chúa Thánh Thần, thì mới giúp cho con người thời nay cảm nghiệm được ơn cứu độ của Chúa Giêsu và mới tin theo Người.

3. Bài học thở từ thực tế đời sống

Để phát triển con người toàn diện, chúng ta phải tập thở cả khí tự nhiên lẫn siêu nhiên cách dài, nhẹ, êm, sâu và tạo dựng một bầu khí trong sạch cho mọi người, mọi vật quanh ta.

3.1. Bầu khí trong lành

Bầu khí quyển hiện nay đang bị ô nhiễm và tàn phá nặng nề bởi sự vô tâm và lòng tham của con người. Cần phải trồng lại những đám rừng vì 1 mẫu cây xanh cung cấp cho ta thở 16 tấn oxy hằng năm. Cần phải bớt việc dùng hoá chất trên ruộng đồng; giảm bớt việc tiêu thụ dầu mỏ cho các xe chuyên chở, máy móc, nông cụ; bỏ hẳn việc hút thuốc lá để bảo vệ sức khoẻ cho buồng phổi con người. Giữ vệ sinh chung trong khu xóm với thùng rác đậy kín, giảm bớt các loại khí độc hại như CO2, NO2, chất CFC làm thủng tầng ozon.

69955-950-1446648057945711_485660774849601_2081662865_n

Bầu khí quyển tinh thần còn bị ô nhiễm trầm trọng hơn vì các phương tiện truyền thông đại chúng như sách báo, phim ảnh, đài phát thanh, truyền hình, internet và các mạng xã hội đang tự do phổ biến đủ loại quan điểm sai lạc, hình ảnh đồi truỵ, ý thức hệ vô thần, bạo lực, gây chia rẽ, thù hận, nhân danh tự do tuyệt đối của con người. Vì thế, chúng ta phải bảo vệ bộ thần kinh trung ương không bị nhiễm độc vì những bản nhạc, tập truyện, cuốn phim, bài viết cổ vũ cho những điều sai lạc, ác đức, đồi truỵ để dành thời giờ cho những hành động tích cực, cổ vũ tình yêu thương liên đới, hiệp thông với người khác.

3.2. Tập thở tự nhiên

Với một hơi thở, không khí được kéo vào trong các phế nang của phổi qua đường hô hấp. Nó di chuyển từ mũi hoặc miệng, qua yết hầu, qua thanh quản và vào khí quản. Trong suốt hành trình dài này, không khí được làm ấm lên bằng thân nhiệt và lọc bỏ các vật thể nếu có. Không khí đã qua sử dụng sẽ đi trở ngược lại con đường đó. Vì nó đi qua thanh quản nên có thể được sử dụng để phát ra âm thanh. Dòng khí ta hít vào gồm oxy chiếm 20,9%, nitơ 78,6%, nước 0,4%, các khí khác 0,06% và carbonic 0,04%. Khối lượng khí carbonic thải ra cũng tương đương khí hít vào. Nitơ chiếm tỉ lệ lớn nhất, nhưng ở áp suất bình thường, nó rất ít hoà tan trong máu người, nên có thể đi vào và ra khỏi cơ thể ta cách vô hại[10].

thở 1

yoga Chúng ta nên hít khí bằng mũi và thở ra bằng miệng. Nhiều người tập Yoga được yêu cầu tập thở ra bằng mũi. Theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, khi hít vào bằng mũi, dòng khí được toả ra trong khoang mũi nhờ 3 chỗ lồi ra gọi là xoăn, sẽ được làm ấm và làm ẩm từ từ, các lông mũi cũng cản các hạt bụi bẩn. Các hạt bụi nhỏ hơn, như bụi than, sẽ nằm lại dọc theo khí quản. Chất nhầy và các sợi lông rung sẽ dần đẩy chúng ra ngoài. Các tiểu thử trong khói thuốc lá có thể đi sâu hơn, đến được các phế nang và làm tổn thương phế nang, giảm diện tích bề mặt trao đổi khí. Khi thở ra, khí carbonic đang ở nhiệt độ cơ thể, cũng không có hạt bụi, nên không cần qua khoang mũi. Thở ra bằng miệng sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn.

Nhiều người tập khí công được yêu cầu thở theo 4 thì: nạp khí (hít khí vào), vận khí (nín thở dẫn hơi vào đan điền), xả khí (thở ra hết và thót bụng lại), bế khí (ngưng thở khi bụng trống rỗng). Nhiều cách thở của các môn phái như Hartha Yoga, Thiền Tông, Zen, thở theo phương pháp Dưỡng sinh, hoặc các phái võ thuật như Aikido, Vovinam, Thiếu Lâm… cũng được tập luyện theo 3 thì hay 4 thì trên đây, kèm thêm cách ngồi, cách đứng khác nhau[11].

Thật ra, người tín hữu Kitô giáo có thể tự do tập luyện theo các phương pháp ấy, miễn là không bị ảnh hưởng bởi các lý thuyết sai lạc của tôn giáo đi kèm theo cách thở. Chúng tôi cổ vũ một phương pháp thở 2 thì theo cấu trúc tự nhiên của cơ thể, vì nghĩ rằng càng tôn trọng cấu trúc tự nhiên, ta càng có sức khoẻ ổn định và an lành.

Một điểm cần lưu ý, là khi ngủ đêm chúng ta cần thở nhiều vì số lần thở ban đêm khi ngủ thường thấp hơn ban ngày khoảng ¼, nghĩa là thở khoảng 12 lần/ phút. Ta nên nằm thẳng, đừng ôm gối, hai tay xuôi theo thân người để thở khí dễ dàng, giấc ngủ sẽ sâu hơn và thần kinh thư giãn tốt hơn.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi bằng những bài tập thể dục vẫn thường tập trong các trường học trước đây.

Chúng ta có thể tập những động tác thở để tăng khối lượng khí trong phổi như sau:

Giãn lồng ngực theo chiều ngang: người đứng thẳng, chân giang rộng khoảng 20cm

B1: vừa giang 2 tay rộng theo chiều ngang vừa hít mạnh vào.

B2: khép 2 tay vào giữa ngực và thở mạnh ra.

Giãn lồng ngực theo chiều dọc: người đứng thẳng, giang chân rộng 20cm

B1: bước chân trái lên trước, hít vào, giơ 2 tay cao trên đầu, ngửa đầu ra sau.

B2: từ từ cúi người xuống, thở ra cho đến khi 2 bàn tay chạm vào đầu gối. Chân trái rút về ngang với chân phải.

B3: bước chân phải lên và làm các động tác giống B1 và B2.

Mỗi lần có thể tập khoảng 5 phút, ta sẽ thấy khối lượng khí tăng trong mỗi hơi thở hằng ngày.

3.3. Tập thở siêu nhiên

Từ nhiều ngàn năm qua, các triết gia Hy Lạp, Latinh đã biết đến khí như một thành phần cơ bản cấu tạo nên vũ trụ và muốn thở được linh khí của trời đất. Các nhà đạo học Đông Phương cũng mong ước được như vậy. Nhiều đạo sĩ, thiền sư ngồi thiền và vận khí để mong được giác ngộ như Đức Phật Thích Ca. Nhiều võ sĩ các môn phái tập khí công để mong đả thông kinh mạch, khai mở được “sinh tử huyền quan” và có sức mạnh vô biên. Tất cả đều là những mơ ước được thần hoá của con người.

thankhi 1 Người Kitô hữu chúng ta được mời gọi gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Kitô để biến đổi thành “con người mới” (Ep 2,5) “trong một Thần Khí duy nhất” (Ep 2,18) “với muôn vàn ơn phúc của Chúa Thánh Thần” (Ep 1,3). Khi thở được Thần Khí của Đức Giêsu, dòng máu đen tội lỗi của ta sẽ được biến đổi thành dòng máu đỏ tinh tuyền của Người. Lúc đó là ta được “thần hoá”, trở thành người con thật sự của Chúa Cha và có thể phát huy mọi ân sủng kỳ diệu của Chúa Thánh Thần để “hoàn thành kế hoạch yêu thương mà Chúa Cha đã định từ trước muôn đời trong Đức Kitô” (x. Ep 1,9).

Lịch sử cứu độ của Giáo hội Công giáo chứng thực giấc mơ thần hoá này đã thể hiện trong đời sống của nhiều thánh nhân và ngay trong đời thường của các tín hữu. Họ không cần phải đi tìm các bí quyết luyện khí của những vị cao tăng trong rặng núi Himalaya được kể trong những câu chuyện phóng tác như Hành trình về Phương Đông, Đường mây qua Xứ tuyết, hay trong tập Bàn tay Ánh sáng của Ts. Barbara Ann Bennan[12] mà những người học nhân điện say mê tập luyện.

Thánh Phaolô nói rất nhiều về Thần Khí trong các thư của ngài. Ngài mời gọi chúng ta “hãy sống theo Thần Khí” (Gl 5,16) “hãy để cho Thần Khí hướng dẫn” (Gl 5,18), “hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước” (Gl 5,25) thì chúng ta sẽ hưởng được “hoa quả của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,22). Nhất là khi hiểu được Chúa Thánh Thần là tình yêu nối kết Chúa Cha, Chúa Con và chúng ta lại với nhau, chúng ta sẽ cố gắng thực hiện mọi việc vì tình yêu. Mỗi lần hành động như thế là một lần ta thở được Thần Khí, được linh khí của Trời.

465687_1

Để cụ thể hơn, chúng tôi thử đề nghị với bạn một cách thở Thần Khí kết hợp với thở tự nhiên, nhất là dành cho những ai đang bị bệnh tật về thể lý cũng như về tinh thần. Nhiều bệnh nhân đã được chữa lành nhờ phép thở này:

Chúng ta dành chừng 5 phút, ngồi ở nơi làm việc hoặc nằm trên giường trước khi ngủ trưa hay ngủ đêm. Ta hít vào bằng mũi khí tự nhiên thì tinh thần ta cũng mở ra để hít khí siêu nhiên. Làn khí tình yêu, sức mạnh, bình an, ân sủng này tràn vào hồn ta, toả khắp người ta. Vừa hít vào từ từ bằng mũi, ta vừa nói thầm với Chúa Giêsu: “Lạy Chúa, xin ban Thần Khí cho con”. Khi thở ra, thể xác ta thải ra khí carbonic, tinh thần ta cũng đẩy những uế khí, tà khí ra khỏi tâm trí mình. Chúng là những tư tưởng tiêu cực, hình ảnh dâm ô, cảm xúc buồn phiền, thất vọng, ghen tương, sợ hãi… Tâm trí ta lúc đó hoàn toàn trống rỗng để chỉ còn Thần Khí hiện diện. Vừa thở ra từ từ bằng miệng, ta vừa nói thầm: “Lạy Chúa, xin đuổi tà khí ra khỏi con[13].

Trở-về-với-Chúa

Lời kết

Bài học “Thở được linh khí của Trời” này, đối với chúng ta, có thể là một trong những kinh nghiệm sống quan trọng nhất. Xin bạn thử tập và bạn sẽ thấy Chúa Thánh Thần kỳ diệu vô cùng.

—————————————————————

Câu hỏi gợi ý:

1. Dung tích thở của bạn đo được bao nhiêu? Bạn tập thở như thế nào để tăng cường khí thở tự nhiên của bạn?[14]

2.Bạn thở Thần Khí theo phương pháp nào? Hiệu quả ra sao?

—————————————————————

Chú thích:

  1. x. Nguyễn Công Trứ (1778-1858) vừa là nhà chính trị, kinh tế, quân sự, nổi bật với việc khai hoang lập ấp, quai đê lấn biển, tạo thành một vùng đất rộng lớn ở hai huyện Kim Sơn (Ninh Bình), Tiền Hải (Thái Bình) làm quan tới chức thượng thư, tổng đốc nhưng cũng nhiều lần bị cách chức làm dân, làm lính.
  2. x. Gs Phạm Đình Lựu, Sinh lý học Y khoa, tập I, NXB Y học, 2011, tr.196.
  3. x. Bs. Alice Robert, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.330.
  4. x. Bs. Alice Robert, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.302-303.
  5. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 691.
  6. x. Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 703.
  7. x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn giáo, 2014, tr. 165.
  8. x. GLHTCG, số 689-690, 727.
  9. x. GLHTCG, số 730.
  10. x. Bs. Alice Robert, Atlas Giải phẫu Cơ thể Người, NXB Y học, 2015, tr.324.
  11. Xem các mục về Khí công trong các sách hay trên internet.
  12. x. Blair T. Spalding, Life and Teaching of the masters of the Far East-Hành trình về Phương Đông, Nguyên Phong dịch; SAnagorika Givinda, The way of the White Clouds-Đường Mây qua Xứ Tuyết, Nguyên Phong dịch, Barbara Ann Brennan, Hands of light-Bàn tay Ánh sáng, Lê Trọng Bổng dịch, NXB Văn hoá Thông tin, 1996.
  13. x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, NXB Tôn Giáo, 2014, tr.173-175; Bạn là Lời Cứu độ, tái bản lần IV, NXB Tôn Giáo, 2017, tr. 30-31.
  14. ĐO DUNG LƯỢNG KHÍ THỞ1. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900.2. Ngậm ống thở và hít vào từ từ bằng miệng với 1 hơi dài tối đa.

    3. Vừa hít vào vừa quan sát bông trong ống đo đẩy lên tới vạch nào.

    4. Ngắt hơi ở điểm nào thì đó là mức đo khí thở tại điểm đó (xem số dung lượng ghi trên ống đo).

    5. So sánh với Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở để xem mình thở có đủ không.

    6. Vệ sinh đầu ống thở bằng bông tẩm cồn 900 để người khác sử dụng.

    BẢNG DUNG LƯỢNG DỰ ĐOÁN KHÍ THỞ

    Bảng dành cho nữ

    Chiều cao

    Tuổi

    1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87
    20 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
    25 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450
    30 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
    35 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
    40 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
    45 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250
    50 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200
    55 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150
    60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100
    65 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050
    70 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000
    75 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950
    80 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900

    Bảng dành cho nam

    Chiều cao

    Tuổi

    1,47 1,52 1,57 1,62 1,67 1,72 1,77 1,82 1,87 1,92 1,97
    20 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800 4000
    25 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750 3950
    30 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700 3900
    35 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400 3600 3800
    40 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550 3750
    45 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500 3700
    50 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250 3450 3650
    55 1550 1750 7950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350 3550
    60 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300 3500
    65 1400 1600 1800 2000 2200 2400 2600 2800 3000 3200 3400
    70 1350 1550 1750 1950 2150 2350 2550 2750 2950 3150 3350
    75 1300 1500 1700 1900 2100 2300 2500 2700 2900 3100 3300
    80 1250 1450 1650 1850 2050 2250 2450 2650 2850 3050 3250

    (Bảng Dung lượng Dự đoán Khí thở do G.Polgar và V. Promadhat công bố trên tạp chí của Hiệp hội Thân ngực Mỹ, th. 9/1979, bộ 122, số 3)