Tài liệu tĩnh tâm – Hướng tới sự trưởng thành toàn diện – Bài 11: Cuộc hội nhập văn hoá của Giáo hội Công giáo Việt Nam (1533-2019)

Tìm lại dòng lịch sử không phải là chúng ta muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn, những mối bất hoà, xung đột, nhưng là để giúp nhau nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi biến cố thăng trầm, tạo nên sự cảm thông giữa mọi thành phần dân tộc và xây dựng nền văn hoá Công giáo Việt Nam (GHVN) theo đường hướng hiệp thông và đối thoại của Công Đồng (CĐ) Vaticanô II đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc đến.

Hướng tới
sự trưởng thành toàn diện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

PHẦN II
CUỘC HỘI NHẬP VĂN HOÁ CỦA NGƯỜI
CÔNG GIÁO VIỆT NAM (tt)

Bài 11
Cuộc hội nhập văn hoá
của Giáo hội Công giáo Việt Nam
(1533-2019)

Nhập đề

Chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu khái quát về cuộc hội nhập văn hoá của dân tộc Việt Nam trong dòng lịch sử để nhận ra những giá trị nào đang tồn tại nơi dân tộc Việt Nam. Trong phạm vi bài này, chúng ta muốn nhìn rõ hơn cuộc hội nhập văn hoá của những tín hữu Công giáo từ năm 1533 đến nay để thấy họ đã đem đến những giá trị nào cho dân tộc và nhận được những điểm tốt đẹp nào từ quê hương Việt Nam[1]. Tìm lại dòng lịch sử không phải là chúng ta muốn khơi lại những kỷ niệm đau buồn, những mối bất hoà, xung đột, nhưng là để giúp nhau nhận ra hồng ân Thiên Chúa trong mọi biến cố thăng trầm, tạo nên sự cảm thông giữa mọi thành phần dân tộc và xây dựng nền văn hoá Công giáo Việt Nam (GHVN) theo đường hướng hiệp thông và đối thoại của Công Đồng (CĐ) Vaticanô II đã được Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhiều lần nhắc đến.

5

1. Con đường Nhập Thể – Cứu Độ

Mầu nhiệm Con Thiên Chúa Nhập Thể đã dạy cho người tín hữu Việt Nam khám phá ra giá trị của bối cảnh lịch sử trong cuộc đời và sứ mạng của từng người cũng như của GHVN. Thật vậy, “nơi Đức Giêsu, người Nazareth, Thiên Chúa đã nhận lấy những yếu tố đặc thù của bản tính nhân loại, kể cả việc thuộc về một dân tộc nhất định và một xứ sở nhất định… Nét đặc thù vật lý của xứ sở và những yếu tố địa lý của miền đất ấy là điều không thể tách rời được với sự thật là Ngôi Lời đã nhận lấy thân xác con người[2]. Trong tinh thần nhập thể và nhập thế đó, người tín hữu Việt Nam gắn bó với đất nước và dân tộc mình.

Đất nước thân yêu này là chốn nương thân của nhiều dân tộc với những nền văn hoá khác nhau trong suốt dòng lịch sử. Trong quá trình xây dựng đất nước, tất cả các dân tộc ấy đã đổ biết bao công sức, mồ hôi, nước mắt trên mảnh đất quê hương để khai hoang, phục hoá, phá rừng làm rẫy, đắp đê chống lũ, ngăn mặn lấn biển… Chúng ta phải thành thật nhìn nhận rằng các dân tộc đều nhân danh giang sơn gấm vóc để đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, hay nhân danh dân tộc mình để mở rộng biên cương. Cuối cùng, đất nước, núi sông vẫn còn đó, không phải dành riêng cho ai, nhưng cho tất cả mọi người.

Cau truc vhxh - 6

Tất cả các dân tộc ấy tạo thành cộng đồng người Việt hiện nay với 54 thành phần dân tộc khác nhau, trong đó dân tộc Kinh chiếm khoảng 85% dân số cả nước. Tuy nhiên, không giọt mồ hôi nào vì yêu thương đồng bào đổ xuống trên mặt đất này lại trở thành vô nghĩa, không giọt máu hồng nào vì chính nghĩa thấm vào lòng đất này lại không có giá trị vô song. Mọi sự đều được biến đổi trong Đức Giêsu Kitô là Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể làm người. Người đã đưa thần tính vô hạn, vĩnh hằng của Thiên Chúa vào trong thế giới vật chất hữu hạn, nhất thời của con người để biến đổi và thăng hoa tất cả trong cuộc Phục Sinh của Người.

Kết quả hình ảnh cho chúa giêsu quy tụ mọi người

Tin vào Đức Giêsu Kitô, người dân Việt Nam sẽ nhìn đất nước mình bằng một ánh mắt mới. Người dân Việt hôm nay, dù là người Kinh hay dân tộc thiểu số, sẽ nhìn nhau với ánh mắt đầy tin tưởng và hy vọng, bao dung và nhân ái, vì sự sống bất diệt trong mình được khởi đầu từ chính đất nước này. Thật vậy, những cây lúa, ngọn rau rút tinh hoa từ lòng đất nước đã ngấm bao mồ hôi, xương máu của cả người Việt, người Hoa lẫn người Chăm, người Khơ Me,… trong suốt dòng lịch sử đang nuôi sống tất cả… Do đó, ta có thể nói rằng, tất cả đều cùng chung một huyết thống, đều là anh em ruột thịt của nhau. Sự sống tự nhiên này, nhờ lòng tin vào Đức Giêsu, sẽ biến đổi thành sự sống siêu nhiên.

Những nét khác biệt của mỗi dân tộc trong dòng lịch sử chỉ biểu lộ những giới hạn của vật chất và con người. Chính Đức Giêsu Cứu Thế sẽ quy tụ và biến đổi mọi người để không còn là Kinh hay Hoa, Chăm hay Thượng, “Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả chỉ là một trong Đức Giêsu Kitô” (x. Gl 3,28). Điều này Chúa Thánh Thần đã thực hiện trong ngày Ngài hiện xuống để quy tụ tất cả những con người thuộc các ngôn ngữ khác nhau làm thành Giáo Hội của Đức Giêsu (x. Cv 2,1-12).

Là Hội Thánh trong lòng dân tộc Việt Nam, chúng ta quyết tâm gắn bó với vận mạng quê hương, noi theo truyền thống dân tộc, hoà mình vào cuộc sống hiện tại của đất nước… Quê hương này là nơi chúng ta được Thiên Chúa mời gọi để sống làm con của Người, đất nước này là lòng mẹ cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm con Thiên Chúa, dân tộc này là cộng đồng mà Chúa trao cho chúng ta để phục vụ…[3]. Người tín hữu Việt Nam luôn gắn bó với quê hương, dân tộc và liên kết sâu xa với Giáo hội Mẹ Việt Nam, vì chính người mẹ này đã sinh ra mình trong đức tin và biến đổi mình từ con người thành con Chúa.

Với tâm tình con cái, trong ít trang sau đây, chúng ta cùng ôn lại một vài đoạn đời của Mẹ từ lúc khai sinh, tăng trưởng, cho đến khi phát triển, trưởng thành. Nhiều người đã từng kể lại đời Mẹ, kẻ ít người nhiều, điều đúng điều sai. Nhưng nếu không nhìn dưới ánh sáng Tin Mừng, đời Mẹ vẫn chỉ là những biến cố rời rạc, những con số vô hồn, những năm tháng tủi nhục vô nghĩa, như nhìn những giọt nước rơi từ đôi mắt của một người xa lạ. Chỉ có những người con gần gũi thân thương mới hiểu được ý nghĩa và cảm nhận được niềm vui hay nỗi khổ từ những giọt nước mắt này. Trong tâm tình ấy, chúng tôi kể lại đời Mẹ, để mọi người cảm thông với chúng tôi và đồng cảm với Mẹ GHVN qua các thời kỳ:

– Khai sinh (1533 – 1659)

– Tăng trưởng (1659 – 1802)

– Phát triển (1802 – 1960)

– Trưởng thành (1960 đến nay)

Chúng tôi chọn cách phân chia các thời kỳ như trên dựa theo mốc thời gian với những biến cố quan trọng đánh dấu sự thay đổi lớn lao của cơ cấu GHVN.

2. Thời kỳ khai sinh (1533-1659)

2.1. Giai đoạn dò dẫm đầu tiên (1533-1615)

Từ cuối thế kỷ XVI, nhất là từ thế kỷ XVII, quan hệ thương mại của nước ta với các nước phương Tây như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp và cả Nhật Bản ở phương Đông phát triển. Các chúa Trịnh, Nguyễn muốn giao hảo với người nước ngoài để bán hàng hoá trong nước và nhất là để mua được nhiều súng đạn, tàu chiến. Trong khi đó, Giáo hội Công giáo (GHCG) toàn cầu lại phát động công cuộc truyền giáo và gửi các nhà thừa sai đi khắp nơi, nhất là đến Ấn Độ và Trung Quốc như Thánh Phanxicô Xaviê (1541), cha Matteo Ricci. Nhiều vị thừa sai đi theo các đoàn tàu buôn đến truyền giáo tại các miền Á Châu và Viễn Đông, trong đó có Việt Nam.

Nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam đã chọn năm 1533 như khởi đầu cho đạo tại Việt Nam vì trong bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục[4] có nói đến “tháng 3 năm Nguyên Hoà thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, có người Tây dương tên I-Nê-Khu, lén đến truyền đạo Giatô ở làng Ninh Cường và Quần Anh, huyện Nam Chân và làng Trà Lũ, huyện Giao Thuỷ” (thuộc tỉnh Nam Định, Gp. Bùi Chu hiện nay).

Năm 1550, linh mục Gaspar da Santa Cruz, O.P., đến giảng đạo tại Hà Tiên. Năm 1558, đời vua Lê Thế Tông, hai giáo sĩ Bồ Đào Nha là Alonso da Costa và Gonsalves đến giảng đạo ở vùng Vạn Lại, thủ đô của Nam Triều. Tiếp theo là các linh mục dòng Đa Minh người Bồ Đào Nha khác như: Luis da Fonseca, Grégoire de la Motte đến truyền giáo ở Đàng Trong (1580) và bị vua Chiêm Thành hãm hại tại Quảng Nam. Năm 1583, các linh mục dòng Phanxicô[5] từ Philippines đã đến truyền giáo như Diego Doropesa, Bartolomeo Ruiz, Pedro Ortiz, Francisco de Montilla tại An Quảng (Quảng Yên), Đàng Ngoài. Năm 1591 tại Thanh Hoá, linh mục Pedro Ordoñez de Cevallos, người Tây Ban Nha, bị bão, đã đến An Trường, kinh đô nhà Lê lúc bấy giờ và rửa tội cho công chúa Mai Hoa (Maria Flora) cùng khoảng 100 người khác. Công chúa là chị của vua Lê Thế Tông. Hiện nay, ở làng Vạn Lại vẫn còn nền nhà thờ và giếng Giatô của công chúa[6].

2.2. Giai đoạn mở đạo chính thức (1615-1659)

Giai đoạn này kéo dài từ năm 1615-1665 với các vị thừa sai Dòng Tên, ở cả hai miền Nam Bắc, lấy sông Gianh làm ranh giới. Phía Nam gọi là Đàng Trong, do các chúa Nguyễn cai quản. Phía Bắc gọi là Đàng Ngoài do vua Lê, chúa Trịnh nắm quyền. Nhờ kinh nghiệm hội nhập văn hoá của linh mục Matteo Ricci (1582) ở Trung Quốc và Valignano ở Nhật Bản, các thừa sai quan tâm đến việc học ngôn ngữ, phong tục dân Việt và giảng đạo bằng tiếng Việt.

Công cuộc truyền giáo ở Đàng Trong bắt đầu năm 1615 với linh mục Francesco Buzomi, Lm. Diego Carvalho và các trợ sĩ Dòng Tên ở Cửa Hàn, Đà Nẵng. Tiếp theo là các Lm. Francesco de Pina, Cristoforo Borri, nhất là Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ).

h 3

Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh Tráng đón tiếp giáo sĩ Giuliano Baldinotti, người Ý, nhưng việc truyền giảng Tin Mừng chỉ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp sau khi hai cha Pedro Marquez (Bồ Đào Nha) và Đắc Lộ (người Pháp) cập bến Cửa Bạng, Thanh Hoá, ngày 19/3/1627. Các thừa sai biên soạn giáo lý, sáng tác kinh nguyện thơ văn bằng chữ Nôm, chữ Quốc ngữ với sự trợ giúp của các thầy giảng có học thức như cụ Gioakim, sư cụ chùa Phao, sư cụ Manuel, cụ Nghè Giuse… Đáng kể nhất là các thừa sai Gaspar d’Amaral, António Barbosa, Girolamo Majorica (người Ý), đặc biệt là cha Đắc Lộ với những tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên ấn hành ở Rôma năm 1651: Phép Giảng Tám Ngày, Từ điển Việt-Bồ-La và Ngữ pháp tiếng An Nam.

Đây là thứ chữ được các linh mục Dòng Tên gốc Bồ Đào Nha như João Ruis, Gaspar Luis, Cristoforo Borri, Francesco Buzomi, Francisco de Pina, Gaspar d’Amaral, Alexandre de Rhodes với sự cộng tác âm thầm của nhiều người Việt như Igesico Văn Tín, Bento Thiện, đã sáng tạo ra trong những năm 1620-1659[7].

Nhờ các “Thầy Giảng” và “Câu Trùm” là những tông đồ giáo dân nhiệt thành, việc truyền giáo đã đạt được những kết quả ngoài sức tưởng tượng. Sau 37 năm truyền giáo ở Đàng Ngoài (25 linh mục và 5 trợ sĩ) và 50 năm truyền giáo ở Đàng Trong (39 linh mục và 1 trợ sĩ), các thừa sai Dòng Tên đã rửa tội khoảng 100.000 tín hữu (20.000 ở Đàng Trong và 80.000 ở Đàng Ngoài[8]. Việc rao giảng Tin Mừng được vua chúa Việt Nam quy định rõ ràng trong một số nơi chốn với nhiều hạn chế của các quan lại địa phương, nên các tín hữu gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đạo và có nơi đã phải đổ cả máu đào để làm chứng đức tin như thầy giảng Anrê Phú Yên ở Quảng Nam ngày 26/7/1644.

Anrê Phú Yên

3. Thời kỳ tăng trưởng (1659-1802)

Sau khi bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645, cha Đắc Lộ về châu Âu tường trình cánh đồng truyền giáo chín vàng ở Việt Nam để kêu gọi có thêm thừa sai và giám mục sang Việt Nam. Ngày 9/9/1659, Đức Thánh Cha Alexander VII, qua Sắc chỉ Super Cathedram, quyết định thiết lập ở Việt Nam hai giáo phận và chọn hai vị thừa sai thuộc Hội Truyền giáo Paris (MEP) làm Đại diện Tông toà. Gp. Đàng Trong từ sông Gianh trở vào Nam, gồm cả phần đất Chiêm Thành, Chân Lạp do Đức cha Pierre Lambert de la Motte cai quản. Gp. Đàng Ngoài từ sông Gianh trở ra Bắc, bao gồm cả Lào và 5 tỉnh miền Nam Trung Quốc do Đức cha François Pallu coi sóc.

Chúng ta ghi nhận một số khó khăn chính của thời kỳ này.

Khó khăn trước hết là sự bất hoà giữa các thừa sai Dòng Tên và các giám mục Đại diện Tông toà thuộc Hội Thừa sai Paris cũng như giữa các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Khó khăn này bắt nguồn từ quan điểm cởi mở hay đóng kín với việc hội nhập văn hoá bản địa, nhất là với việc tôn kính Đức Khổng Tử và thờ cúng tổ tiên. Khó khăn thứ hai là tính cách bất hợp pháp của Công giáo do các sắc chỉ cấm đạo của vua chúa. Nhiều vị thừa sai nước ngoài cũng như linh mục Việt Nam đã bị giết hại dưới thời các chúa Trịnh Tạc (1657-1682), Trịnh Sâm (1767-1782) ở ngoài Bắc; chúa Nguyễn Phúc Lan (1635-1648), Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) ở miền Nam, cũng như thời vua Cảnh Thịnh (1782-1802), nhà Tây Sơn, ở miền Trung.

Kết quả hình ảnh cho thánh tử đạo việt nam

Các vị vua chúa cho rằng đạo Công giáo dạy nhiều điều trái ngược với luân thường đạo lý khi cổ vũ ý niệm dân chủ cho rằng mọi người đều là anh em con của một Đức Chúa Trời và không ai có quyền sinh sát trong tay như ông vua trong chế độ quân chủ, cổ vũ hôn nhân “một vợ, một chồng” trái với tục đa thê có từ lâu đời trong xã hội, và chủ trương nam nữ bình đẳng đi ngược với quan niệm ngàn đời của Nho giáo “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”. Hàng chục ngàn giáo dân (khoảng 30.000) đã bị giết chết chỉ vì muốn bảo vệ đức tin và những sự thật đó. Họ chấp nhận bị tù đày, bị ngược đãi, bị cướp bóc tài sản, bị phân sáp vào các làng người không có đạo để làm nô lệ chứ nhất định không bỏ đạo. Trước tình cảnh đó, các vị thừa sai nước ngoài đã đi tìm một giải pháp mới, khiến cho sau này người Pháp có điều kiện can thiệp và xâm chiếm Việt Nam bằng vũ lực[9]. Sau khi vua Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh ở Thăng Long ngày 30/1/1789 và mất năm 1792, con là Quang Toản mới 10 tuổi lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Mọi việc triều đình do các quan lại chuyên quyền nắm giữ, tướng tá thì ganh ghét xâu xé lẫn nhau, trong khi thế lực của chúa Nguyễn Phúc Ánh, gọi tắt là Nguyễn Ánh, ngày một mạnh ở Gia Định. Ông là người biết tổ chức, chỉnh đốn lại xã hội về mọi lĩnh vực, không xâm phạm đến tín ngưỡng của dân chúng nên ông được người dân Nam bộ tin tưởng.

Đức cha Pigneau de Béhaine, quen gọi là Cha Cả Bá Đa Lộc, Đại diện Tông toà Đàng Trong (1771-1799), đã hết lòng giúp đỡ Nguyễn Phúc Ánh, lúc đó đang bị khốn đốn bởi cuộc vây hãm của quân Tây Sơn. Ngài đã đưa hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh (mới lên 4 tuổi) sang Pháp và vận động người Pháp giúp đỡ tàu chiến, vũ khí để Nguyễn Phúc Ánh chống Tây Sơn và chúa Trịnh. Ước nguyện của các vị thừa sai và của Đức cha Bá Đa Lộc là chỉ muốn cho người Công giáo Việt Nam được an thân giữ đạo và đạo Chúa được mở rộng, vừa có lợi cho Giáo Hội, vừa tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam. Đức cha đã nuôi dạy hoàng tử Cảnh ở dinh Tân Xá. Năm 13 tuổi, hoàng tử được phong làm Nguyên Soái Quận Công, theo cha đi chinh chiến, lập nhiều chiến công.

Sau khi ở Pháp về năm 1789, hoàng tử Cảnh không chịu làm lễ bái trước bàn thờ chư vị tiên đế khiến vua Gia Long rất khó chịu. Đây cũng là một trong những nguyên nhân sâu xa khiến vua Gia Long không chọn hoàng tôn Đán mà lại chọn người con nuôi là hoàng tử Đảm sau này. Chính Đức cha cũng đã khuyên hoàng tử Cảnh phải tôn trọng tục lệ thờ kính ông bà và lễ bái trước bàn thờ chư vị tiên đế[10]. Ước mơ của các thừa sai về một ông vua theo đạo Công giáo và cho người Công giáo được hoàn toàn tự do hành đạo như vua Constantinus ở đế quốc Rôma vào năm 313 hoàn toàn tan biến với cái chết của Đức cha Bá Đa Lộc (9/10/1799) và của hoàng tử Cảnh (1801).

h 4

Tuy nhiên, dù chịu nhiều thử thách và bách hại vì đức tin, số tín hữu ở cả 3 giáo phận vẫn tăng lên không ngừng. Vào năm 1802, GHVN đã thành hình cơ cấu tổ chức gồm 3 giáo phận với 121 linh mục Việt Nam, 17 thừa sai gồm cả giám mục và linh mục, khoảng 320.000 tín hữu.

4. Thời kỳ phát triển (1802-1960)

Thời kỳ này có thể chia thành 2 giai đoạn: giai đoạn thử thách và giai đoạn tương đối an lành. Trong thời kỳ này, đất nước đã thống nhất về mặt chính quyền: dân tộc Việt sống dưới chế độ quân chủ chuyên chế của các vua triều Nguyễn, đặt kinh đô tại Phú Xuân, Huế.

Kết quả hình ảnh cho vua gia long

4.1. Giai đoạn thử thách (1802-1886)

Gọi là giai đoạn thử thách vì trong suốt giai đoạn này, trừ 18 năm đầu dưới triều vua Gia Long (1802-1820), 63 năm còn lại GHVN phải chịu đựng những cuộc bách hại tàn khốc do vua quan triều đình Nhà Nguyễn cũng như do sĩ phu và dân chúng theo phong trào Văn Thân gây nên.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi vua, lấy hiệu là Gia Long, mở đầu triều đại nhà Nguyễn (1802-1945) đóng đô ở Phú Xuân, tức Huế ngày nay. Vì nhớ công ơn Đức cha Bá Đa Lộc, nên vua Gia Long đã cho phép tự do truyền bá đạo Công giáo. Nhà vua có thiện cảm với đạo nhưng không muốn theo vì thấy luật lệ đạo quá nghiêm khắc đối với tục đa thê và việc thờ cúng tổ tiên. Ông nói: “Đạo Thiên Chúa rất hợp với đạo lý nhưng quá nghiêm khắc với tục đa thê. Đối với ta, không thể chỉ lấy một vợ, mặc dù ta thấy là trị cả nước còn dễ dàng và ít mệt mỏi hơn là giữ cho gia đình ta được yên ấm[11].

Một vài lý do tiềm ẩn

Hoàng tử Cảnh qua đời vì bệnh đậu mùa năm 1801 lúc mới được 22 tuổi, vua Gia Long phế bỏ người cháu đích tôn là Đán và chọn người con nuôi là hoàng tử Đảm kế vị, mặc dù nhiều quan lại triều đình lúc ấy can gián vua nên giữ chính tông, “đích tôn thừa trọng”, trong số đó, Tả Quân Lê Văn Duyệt là người phản đối mạnh mẽ nhất. Sau khi vua Gia Long băng hà, hoàng tử Đảm lên ngôi (15/2/1820) lấy niên hiệu là Minh Mạng. Vì muốn bảo vệ ngai vàng cho dòng tộc nên vua đã xử tội hoàng tôn Đán thông dâm với mẹ là bà Vương Cơ Tống Thị Quyên năm 1824. Bà bị dìm xuống nước cho đến chết, còn Đán và con cháu bị giáng làm thường dân[12].

Tả quân Lê Văn Duyệt Dù Lê Văn Duyệt đã chết (ngày 25/8/1832), vua Minh Mạng vẫn giữ lòng hận thù. Vua bãi bỏ chức Tổng Trấn, lập toà án xét xử Lê Văn Duyệt tội hà lạm công quỹ. Vua cho đào mả và san bằng mộ bia khiến cho người con nuôi của ông là Lê Văn Khôi nổi loạn chống lại triều đình. Cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi cũng là một lý do thúc đẩy vua Minh Mạng thù ghét và bách hại người Công giáo và tạo nên những hiểu lầm về Thánh tử đạo Joseph Marchand Du[13]. Ngày 8/9/1835, quân triều đình chiếm lại được thành Phiên An (Gia Định). Vua truyền chém đầu, phân thây 1.994 người, trong đó có cha Phước, cha sở Chợ Quán, và chôn chung trong một hố sâu gọi là Mả Nguỵ. Sáu người còn lại bị giải về kinh đô Huế, trong đó có cha Marchand Du, người đã bị Lê Văn Khôi dùng vũ lực ép phải vào thành Phiên An, vì tin tưởng cha có phép mầu và lôi kéo được các tín hữu chống lại triều đình, như các thư cha Marchand Du còn để lại đã minh chứng điều đó. Thật ra, trong số 2.000 người phản loạn, chỉ có 26 người đàn ông và 40 đàn bà trẻ con là người Công giáo[14] Một câu hỏi đặt ra cho những người thời trước và ngay cả thời nay: tại sao người Việt Nam thời đó lại theo đạo Công giáo bất chấp những thử thách, gian lao?

Đi tìm con đường sống

Câu trả lời đơn giản là người Công giáo thời đó muốn đi tìm con đường sống trong cái lẽ tử sinh của kiếp người. Hơn nữa, với những sắc dụ cấm đạo, nhiều người đã gặp khó khăn trong việc học hành, thi cử, làm lụng, bán buôn. Có người còn bị đày ải, giết hại. Họ vẫn muốn sống với tất cả niềm vui của Phúc Âm và muốn chứng minh những sự thật của Phúc Âm.

Nho giáo dạy người dân phải trung với vua, vì vua là thiên tử thay trời trị dân, có toàn quyền sinh sát đến độ “quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”. Vì thế, người Công giáo không bao giờ tỏ thái độ bất trung, bất kính với vua. Họ luôn nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu, Con của Chúa Cha là Vua Trời đất, nên Người cũng là Thiên Tử. Thay vì bắt người khác phải chết thì Chúa Giêsu lại chết thay cho mọi người để đền tội và hoà giải với mọi người. Người Công giáo lại được dạy chỉ có Chúa Trời là chủ của sự sống vĩnh hằng, nên dù sự sống ở đời này có mất đi, họ sẽ được sống mãi mãi ở đời sau. Chúa Trời là cha chung của mọi người nên tất cả đều là anh em, con cái của “Cha trên trời”, và đều bình đẳng với nhau về mặt giá trị làm người dù vẫn có tôn ti trật tự trong xã hội. Hơn nữa, sau cuộc sống lữ hành ở trần thế này còn có cuộc sống vĩnh hằng ở thế giới bên kia mà người ta sẽ đạt được nhờ lòng tin vào Đức Giêsu. Chính trong tinh thần ấy, giá trị con người được nâng cao đến tột đỉnh.

Niềm tin vào đời sống vĩnh cửu lại thể hiện rất trong sáng và tích cực trong đời sống thường ngày và nó trở nên một sức hút kỳ lạ của tôn giáo mới đối với mọi người dân Việt thời đó vì họ chưa hiểu biết nhiều về khoa học, chưa biết giữ vệ sinh nên nhiều trẻ sơ sinh bị chết yểu, nhiều sản phụ mắc bệnh hậu sản. Hằng ngày, người ta thường dùng nước ao tù để tắm rửa, ăn uống, nên dễ bị các bệnh toét mắt, ghẻ lở, giun sán, đường ruột… Các người Công giáo, nhờ được các giáo sĩ Tây Phương, các thầy giảng, các dì phước Mến Thánh Giá (MTG) dạy các kiến thức về khoa học phổ thông, nên biết lọc nước bằng than cát sỏi để dùng và nấu nước chín để uống, giữ vệ sinh thân thể nên trở thành những người khoẻ mạnh, xinh đẹp. Các nữ tu Mến Thánh Giá thời ấy trở thành những nữ hộ sinh và y tá nông thôn kèm thêm việc dạy chữ quốc ngữ cho đồng bào.

Kết quả hình ảnh cho người công giáo xưa

Trong xã hội phong kiến xây dựng trên Nho giáo: nữ giới bị khinh miệt, đối xử bất bình đẳng. Đạo Công giáo, với chế độ một vợ một chồng, nam nữ bình đẳng và quan niệm mỗi người đều là con cái Chúa, đã giới thiệu những nét mới cho xã hội Việt Nam. Gia đình người có đạo an vui, hạnh phúc, trong nhà lúc nào cũng vang tiếng cười vì không có cảnh “vợ cả, vợ lẽ”, “con bà, con tôi”, nam nữ đều được tôn trọng, được học hành, làm việc như nhau.

Thời đó, chữ nghĩa “quý giá” và đắt đỏ, cả làng may ra chỉ có một vài người giàu mới có đủ điều kiện cho con cháu đi học chữ Nho, hy vọng đỗ trong các kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình do nhà vua tổ chức để ra làm quan cho triều đình. Nhưng các tín hữu Công giáo, với lý lịch không tốt vì lý do theo “tả đạo”, với bản án đó khắc trên trán, trên mặt, họ không thể đi học, đi thi, buôn bán hay làm bất cứ nghề nghiệp chính thức nào. Tuy nhiên tất cả “người có đạo”, dù là nam hay nữ, trẻ hay già, đều được khuyến khích học hành, lúc đầu là chữ Nho, chữ Nôm, sau là chữ Quốc ngữ. Kinh sách đọc hằng ngày, giáo lý học hằng tuần, càng làm cho người có đạo dễ học hành và truyền bá chữ nghĩa cho nhau hơn.

Chữ quốc ngữ là thứ chữ ghi âm tiếng nói của người Việt trong đời sống thường ngày bằng mẫu tự Latinh với 24 chữ cái thay vì 214 bộ chữ đơn từ 1 nét đến 17 nét trong bộ chữ Hán của người Trung Hoa, vừa dễ đọc dễ viết, ích lợi trong đời sống giao tiếp xã hội, nên được dân chúng thích thú theo học và truyền lại cho nhau, chứ không phải chỉ trong cộng đồng những người Công giáo. Điều này đụng chạm đến lòng tự ái của những quan lại triều đình, của giới sĩ phu tự cho là những “người có học” trong xã hội thời đó. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng để hiểu tại sao phong trào Văn Thân lại hô hào “bình Tây, sát Tả” sau này khi người Pháp xâm chiếm nước ta.

Kết quả hình ảnh cho việt nam thời nguyễn

Chúng ta đừng quên chữ Nho cho đến đầu thế kỷ XX vẫn là chữ chính thức của nhà nước quân chủ ở Việt Nam. Sự đố kỵ của các Nho sĩ và quan lại đối với chữ Quốc ngữ là một trong những lý do quan trọng dẫn đến những cuộc tàn sát người Công giáo trong phong trào Văn Thân. Thật ra, chữ Nôm vẫn được tôn trọng trong cộng đồng người Việt Công giáo với hàng trăm tác phẩm đủ thể loại được biên soạn trong thời kỳ này. Ta có thể nêu tên một tác phẩm tiêu biểu: Sách dạy tập đi đàng nhân đức lọn lành của Cố Chính Philipphê Trung (M. Sérard), viết năm 1799. Sách gồm 24 quyển, mỗi quyển trung bình 200 trang, toàn bộ là 4.800 trang. Mỗi trang có từ 10-12 dòng, mỗi dòng từ 30-32 chữ. Tổng cộng khoảng 1.500.000 chữ Nôm, dài gấp 9 lần Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du.

Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng: đạo Công giáo đã góp phần không nhỏ vào cuộc thăng hoa các nền văn hoá của người Chăm, người Khơ Me ở phương Nam. Nền văn hoá tinh thần của Kitô giáo theo đoàn người mở đất Phương Nam đã thay đổi nền văn hoá vật chất, tính giao với những Linga và Yoni của dân tộc Chiêm Thành và Thuỷ Chân Lạp.

Về phương diện kinh tế, người theo đạo cực khổ tư bề vì bị áp bức bởi bọn cường hào ác bá trong làng, vì sưu cao thuế nặng, vì bị cấm hành nghề. Họ chỉ còn cách từ Bắc xuôi vào miền Nam, đến những phiên trấn mới mở, sống chung với những kẻ bị kết án lưu đày, cùng che giấu lai lịch của mình bằng những tên gọi trống không: anh Hai, chị Ba, cô Tư… để được yên thân giữ đạo. Họ sống đùm bọc lẫn nhau, coi nhau như anh em họ hàng, nên gọi là “họ đạo” hay “giáo họ”, truyền nghề cho nhau để cùng làm cùng hưởng, làm ra cái gì cũng phải thật tốt, bán ra cái gì cũng phải thật rẻ, lúc nào cũng nói thật, nói thẳng để khỏi làm “ô danh Chúa và nhục cho người có đạo”. Nhờ đoàn kết yêu thương như thế, người có đạo luôn sống sung túc, nên mới có câu “theo đạo lấy gạo mà ăn”.

Tuy nhiên, những làng Công giáo trù phú kia lại trở thành mồi ngon cho một số người, nhất là khi những người này được thúc đẩy cướp phá, nhân danh lòng ái quốc trong phong trào Văn Thân. Để đối phó trong cơn bách hại gắt gao, người có đạo rủ nhau trốn vào những nơi hoang vu, phá rừng làm rẫy như La Vang, Trà Kiệu ở miền Trung và nhiều vùng xa, vùng sâu ở miền Nam. Không ngờ, chính lối sống này lại làm cho quê hương phát triển về mặt kinh tế, mở mang bờ cõi quốc giá.

Đến đây, ta có thể hiểu tại sao đạo Công giáo lại phát triển nhanh chóng ở Việt Nam vì đạo chỉ cho người dân con đường sống khoẻ mạnh, tốt đẹp, khôn ngoan, sung túc, cao quý, xứng với phẩm giá con người. Vì thế, dù phải chịu đựng thiệt thòi, bất công, thậm chí bị giết hại, nhiều người vẫn theo đạo cũng như các tín hữu vẫn trung thành với Chúa và yêu thương nhau. Số tín hữu vẫn không ngừng gia tăng trong cả 2 miền Nam Bắc ngay trong những giai đoạn thử thách cam go nhất.

jsb1452264685

GHVN vào năm 1850 có 8 giáo phận với số giáo dân ở 4 giáo phận miền Bắc là 380.000 người, 147 linh mục và 4 giáo phận trong miền Nam khoảng 120.000 người và 80 linh mục.

Cuộc xâm lăng của người Pháp

Vua Minh Mạng chịu ảnh hưởng của các vua Trung Hoa và Nhật Bản ra nhiều chiếu chỉ cấm đạo Công giáo vào các năm 1825, 1833, 1836, 1838, theo đuổi chính sách bế quan toả cảng. Nhưng sau khi Trung Hoa thất trận trước các cường quốc châu Âu (1838-1839), nhà vua muốn thay đổi đường lối chính trị bằng việc cử phái đoàn do Phan Thanh Giản dẫn đầu sang Pháp năm 1840 để thương thuyết. Phái đoàn thất bại nên vào những năm cuối đời vua càng cấm đạo tàn khốc hơn[15]. Sau khi các thừa sai người Pháp bị bắt giam ở Huế năm 1843, giám mục Lefèbre bị bắt ở cửa Cần Giờ (1846) và thừa sai Duclos (Lộ) bị chết trong trại giam năm 1846, quân Pháp được lệnh bắn phá cảng Đà Nẵng ngày 15/4/1847. Lập tức vua Thiệu Trị ban hành sắc lệnh chống Công giáo ngày 03/5/1847 và người ta liên kết việc theo đạo Công giáo với việc làm tay sai cho Pháp, phản bội dân tộc. Nhiều nhà Nho đã tuyên truyền với dân chúng luận điệu này và không ít đồng bào đổi mối thiện cảm với người Công giáo trước đây thành ác cảm và hận thù kẻ phản quốc, nhất là khi người Pháp đánh chiếm các tỉnh Nam Kỳ.

Kết quả hình ảnh cho quân pháp nổ súng vào đà nẵng

Ngay sau khi vua Thiệu Trị băng hà ngày 4/11/1847, vua Tự Đức lên ngôi và ra ngay sắc chỉ cấm đạo năm 1848, vì nghi ngờ người Công giáo cấu kết với Hồng Bảo, anh cả của vua, âm mưu chiếm đoạt ngai vàng. Vua ban nhiều sắc chỉ cấm đạo trong suốt triều đại lâu dài của mình (1847-1883). Những sắc chỉ cấm đạo vào các năm 1848, 1852,1854,1855, nhất là năm 1857: “Giết ngay Tây dương đạo trưởng, bêu đầu 3 ngày ở những nơi công cộng và bị quăng xác xuống biển” đã thúc đẩy tàu Pháp bắn phá Đà Nẵng để thị uy. Năm 1858, chiến tranh giữa Pháp, Tây Ban Nha và Việt Nam bùng nổ. Quân Pháp chiếm thành Kỳ Hoà năm 1861, uy hiếp các tỉnh miền Đông Nam Kỳ.

Cuộc sát hại tập thể người Công giáo xảy ra nhiều nơi trên đất nước do lòng ái quốc của đồng bào phản ứng lại việc người Pháp xâm lăng. Tháng 7 năm 1861, vua ban hành lệnh phân tháp (phân sáp) người Công giáo vào các làng không Công giáo. Quân Pháp tiếp tục đánh chiếm và quân triều đình thất thủ ở khắp nơi.

Hoà ước Nhâm Tuất giữa Việt Nam và Pháp ký năm 1862 buộc triều đình Việt Nam phải tôn trọng tự do tôn giáo, phải nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Năm 1867, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây Nam Kỳ. Năm 1873, Pháp chiếm Hà Nội lần I và một số tỉnh ở đồng bằng sông Hồng, sau đó rút quân. Năm 1874, triều đình ký Hiệp ước Giáp Tuất nhường 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, hoà ước này có 22 khoản, trong đó có khoản 9 đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo. Năm 1882, Pháp đánh Bắc Kỳ lần II rồi vào chiếm đóng kinh thành Huế.

Năm 1884, Hoà ước Giáp Thân với điểm chính là “Chính phủ Pháp bảo hộ Bắc Kỳ, lục tỉnh Nam Kỳ là thuộc địa Pháp và Trung Kỳ thuộc quyền cai trị của Triều đình Huế” nói lên sự suy tàn của đất nước và triều đình vua quan Việt Nam. Thật ra, tôn giáo chỉ là một cái cớ để người Pháp xâm lăng nước ta giống như nhiều nước ở phương Tây đi chiếm thuộc địa. Nhưng lý do “bảo vệ người có đạo” này lại là nguyên nhân dẫn đến việc tàn sát người Công giáo của phong trào Văn Thân.

Phong trào Văn Thân

Phong trào này bắt đầu ở Nghệ An, Nam Định năm 1867 và lan ra rất nhanh ở nhiều nơi trong nước, nhất là trong các tỉnh miền Trung vào những năm 1867-1868, 1873-1874 và 1883-1885, cho đến khi kết thúc vào năm 1886. Với khẩu hiệu “bình Tây, sát Tả”, các sĩ phu hô hào dân chúng giết những người lính Pháp và cả những người nước ngoài ở phương Tây đến truyền đạo, đồng thời giết cả những người Việt theo đạo vì họ đã theo tà đạo của người Tây phản bội đất nước. Do lòng ái quốc sôi sục, căm hờn vì thất trận, mất đất, quần chúng nồng nhiệt tham gia cướp phá các làng người Công giáo và giết hại tất cả những ai theo đạo. Trong khi đó, người Công giáo lại được học bài học sẵn sàng chết để làm chứng cho đức tin, không hận thù hay chống lại kẻ bách hại mình để noi gương Chúa Giêsu, nên số người Công giáo bị giết hại trong giai đoạn 1820-1886 khoảng gần 100.000 người.

h 17 phong trào Văn thân thảm sát giáo dân

Rất hiếm làng Công giáo nào như giáo xứ Trà Kiệu dám tổ chức chống lại quân triều đình và phong trào Văn Thân. Với số quân ít ỏi là 370 nam nhân và 500 phụ nữ, với 4 khẩu súng trận và vũ khí tự chế thô sơ, họ không thể nào chống nổi 8.000 quân Văn Thân với súng thần công, voi trận được chính quan võ của triều đình chỉ huy, nếu không có Đức Mẹ Maria hiện ra bảo vệ và đội quân trẻ em thiên thần chiến đấu giúp họ trong suốt 21 ngày đêm từ 1-21/9/1885[16]. Cuộc can thiệp lạ lùng này đã được truyền đến tai những người đang bách hại đồng bào Công giáo để họ suy nghĩ lại hành động của mình và ngừng việc giết hại đồng bào vô tội.

DM Tra Kieu

Tờ báo Quốc ngữ đầu tiên: Gia Định Báo

Một bằng chứng cho thấy quần chúng yêu mến và đón nhận những giá trị văn hoá của đạo Công giáo là việc phát hành tờ báo Quốc ngữ đầu tiên, tờ Gia Định Báo, ngay từ năm 1865, chỉ sau vài năm người Pháp xâm chiếm Việt Nam (1861). Tờ báo phát hành số đầu tiên vào ngày 15/04/1865 tại Sài Gòn do Trương Vĩnh Ký làm chánh tổng tài (giám đốc) và Huỳnh Tịnh Của làm chủ bút. Tờ báo tồn tại mãi đến năm 1897 mới chấm dứt hoạt động. Chắc chắn người dân Nam Bộ đã phải biết chữ Quốc ngữ cả trăm năm trước nên tờ báo mới có thể phát hành. Ở miền Bắc chữ Quốc ngữ phổ biến chậm và muộn hơn nên mãi tới năm 1905 mới có tờ Đại Việt Tân Báo.

h 7

Câu trả lời cho các cuộc sát hại

Thật vậy, trước khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, những cuộc giết hại một số đông người Công giáo đã gây nên tiếng vang quốc tế khiến cho các nước như Anh, Pháp, Tây Ban Nha[17] muốn can thiệp vào Việt Nam, nhân danh quyền sống và quyền tự do tôn giáo của con người, dù ẩn ý của họ là để chiếm Việt Nam làm thuộc địa. Một số sử gia đã ghép việc một vài giám mục thừa sai người Pháp như: P. de Béhaine (Bá Đa Lộc), Lefèbvre, Pellerin, Retord, Puginier giúp đỡ thực dân Pháp nên họ mới thực hiện thành công việc xâm lược Việt Nam[18]. Thật ra, đó chỉ là vài cá nhân trong số hơn 200 giáo sĩ nước ngoài đang truyền giáo tại Việt Nam vào thời đó[19]. Người ta không thể “vơ đũa cả nắm” để kết tội tất cả người Công giáo đều làm tay sai cho Pháp.

Hơn nữa, các giám mục dù là người Pháp hay không, đều hiểu rằng cuộc sống ở Việt Nam hay ở nước Pháp chỉ là một giai đoạn của đời sống con người, tất cả đều sẽ qua đi để chỉ còn tồn tại Nước Thiên Chúa. Do đó, họ không phục vụ trực tiếp cho nước Pháp hay bất cứ nước nào. Theo tâm thức và cách nhìn của người phương Tây thời đó, hành động của họ chỉ là muốn cứu giúp những người Việt Nam đang gặp khốn khổ, bị bách hại dã man, cho những người này có quyền được sống đúng phẩm giá con người và sống theo niềm tin của mình. Đó là nghĩa vụ lương tâm đối với người bị nạn mà sau này chúng ta định danh là những người bị xúc phạm nhân quyền theo Hiến chương Liên Hiệp QuốcTuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ngày 10/12/1948.

Ngày nay, người ta hiểu rằng không thể đổ lỗi cho một vài vị giáo sĩ nước ngoài hay một ít đồng bào Công giáo Việt Nam là nguyên nhân chính gây nên tình trạng mất nước, như một số quan lại và nho sĩ trong phong trào Văn Thân đã kết án. Chiến thắng của người Pháp ở Việt Nam hay của các cường quốc Tây Phương xâu xé Trung Quốc trong cuộc Chiến tranh Nha phiến (1839-1842) là hậu quả tất yếu của một đất nước lạc hậu trước nền văn minh khoa học, quân sự hùng mạnh với ý đồ bành trướng xâm lược của phương Tây. Lịch sử thế giới cũng cho thấy những đất nước nhỏ bé như Nhật Bản dưới triều Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji-tenno) với Mutsuhito (1852-1912) hay Thái Lan dưới triều vua Chulalongkorn-Râma (1868-1910) cùng thời với Việt Nam, đã thoát cảnh xâm lăng và đô hộ của phương Tây nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, biết nhìn xa trông rộng và nhất là sự đoàn kết dân tộc. Tuy nhiên, dưới ánh sáng đức tin, người tín hữu lúc nào cũng nhận ra, qua những thăng trầm ấy, ý định cứu độ của vị Chúa lịch sử.

Một số nhà Nho có tâm huyết như Phan Bội Châu (1867-1940), Phan Chu Trinh (1872-1926) nhận chân được giá trị của người Công giáo Việt Nam. Các vị đó đã hô hào dân chúng sống tinh thần của người Công giáo Việt Nam: bỏ đi cái học từ chương cổ hủ của Nho giáo, cắt bỏ búi tóc, móng tay, nhận thức rõ mọi người đều là anh em chứ không ai có quyền sinh sát đối với người khác, nam nữ bình đẳng, bỏ chế độ đa thê trong gia đình, học chữ Quốc ngữ và chịu khó mở mang tâm trí cho nền văn minh khoa học Tây Phương. Đây là những điểm cơ bản trong phong trào Duy Tân, Đông Du của Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, Đông Kinh Nghĩa Thục của Lương Văn Can… Nhưng đó lại là những sự thật mà người Công giáo Việt Nam đã phải chứng minh bằng cả mạng sống mình[20].

PBC va pt Ddu

H 18, dông kinh nghĩa thục

Hơn nữa, có rất nhiều người Công giáo đã tham gia các phong trào này. Phan Bội Châu trong cuốn hồi ký Phan Bội Châu Niên Biểu đã kể rõ tên của một số linh mục, giáo dân và xứ đạo đã giúp đỡ mình. Trong đó ông đã nhắc đến Mai Lão Bạng, quê ở Thọ Ninh, Hà Tĩnh, tháng 3/1908, đã đem vài chục thanh niên Công giáo sang Hồng Kông trong chương trình Đông Du[21].

Vào năm 1883, Toà Thánh tách Gp. Đông Đàng Ngoài thành hai giáo phận Đông (Hải Phòng) và Bắc (gồm các tỉnh ở phía Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang, Bắc Cạn, Cao Bằng Lạng Sơn) và trao cho Đức cha Colomer Lễ cai quản. Như thế là vào cuối giai đoạn này, GHVN có 9 giáo phận với số tín hữu gần 600.000 người. Trong giai đoạn thử thách này, dù bị giết hại rất nhiều nhưng số tín hữu vẫn không hề sút giảm và đã giới thiệu cho cả người bách hại mình một sự sống mới mẻ và toàn diện.

4.2. Giai đoạn phát triển trong an bình (1886-1960)

Giai đoạn này được gọi là phát triển trong an bình vì không còn những cuộc bách hại trực tiếp bởi triều đình hay quần chúng, nhưng GHVN vẫn chịu tác động bởi những biến cố trong lịch sử dân tộc và thế giới.

Bối cảnh đất nước

Ở Việt Nam, từ năm 1887, người Pháp hoàn tất quá trình xâm lược Việt Nam và tổ chức một bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh từ trung ương đến địa phương. Ở trung ương, đứng đầu là phủ toàn quyền Đông Dương, Việt Nam chia thành 3 miền, miền Nam là thuộc địa của Pháp có thống đốc Nam kỳ, miền Trung có khâm sứ Trung kỳ, miền Bắc có thống sứ Bắc kỳ. Nền quân chủ do vua nhà Nguyễn ở kinh đô Huế chỉ còn là bù nhìn sau khi Phong trào Cần Vương năm 1885 thất bại. Trong nước, một số đảng phái chống chính quyền xuất hiện như Việt Nam Quốc dân Đảng năm 1920, Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1930.

h 19 phong trào Cần Vương

Sau thế chiến thứ I (1914-1918) và thứ II (1939-1945), dân tộc Việt Nam trải qua thời kỳ bất ổn triền miên kéo dài tới năm 1954. Nhiều phong trào chống Pháp với các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi như Việt Nam Quốc dân Đảng với Nguyễn Thái Học ở Yên Bái; Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) ở Nghệ An, Hà Tĩnh; Du kích Bắc Sơn tháng 9/1940; khởi nghĩa Nam Kỳ (23/11/1940). Rất nhiều tín hữu Công giáo đã tham gia vào các phong trào yêu nước này.

Năm 1940, Nhật tấn công Đông Dương và chiếm quyền cai trị của Pháp. Năm 1941, mặt trận Việt Minh được thành lập. Năm 1945, sau khi quân Nhật đầu hàng quân Đồng Minh, đất nước Việt Nam rơi vào tình trạng hỗn loạn. Lực lượng Việt Minh do Hồ Chí Minh lãnh đạo đã tổ chức thành công Cách mạng Tháng Tám. Ngày 2/9/1945, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tháng 12/1946, chiến tranh giữa Việt Minh và thực dân Pháp bùng nổ và kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954.

Sau Hiệp định Genève 1954, Việt Nam bị chia thành hai miền: nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở miền Bắc theo chế độ Cộng sản; và nước Việt Nam Cộng hoà ở miền Nam theo chế độ Tư bản. Cuộc xung đột ý thức hệ giữa Tư bản và Cộng sản dẫn đến các cuộc xung đột ở nhiều nơi trong nước và cuộc di cư của gần 1 triệu người ở cả 2 miền, trong đó có khoảng 700.000 tín hữu miền Bắc di cư vào miền Nam. Biến cố này đã tạo nên nhiều xáo trộn trong GHCG ở miền Bắc và thay đổi mạnh mẽ cấu trúc của GHCG ở miền Nam.

h 32 Hai người lanh đạo 2 miền Bắc Nam

Tình trạng Giáo hội Việt Nam

Ngày 3/12/1924, Toà Thánh đổi tên các giáo phận Tông toà tại Việt Nam theo địa hạt hành chính, nơi đặt toà giám mục, giống như ta đang có ngày nay.

Sau Công đồng Đông Dương năm 1934, GHVN phát triển rất nhanh vì được định hướng rõ rệt dẫn đến việc nhiều giám mục Việt Nam được tấn phong và thành lập nhiều giáo phận mới như Gp. Thanh Hoá (1932) từ Gp. Phát Diệm, Thái Bình (1936) từ Bùi Chu, Vĩnh Long (1938) từ Sài Gòn và Phủ doãn Tông toà Lạng Sơn trở thành giáo phận chính toà (1939).

Tình hình GHVN vào năm 1939: 16 giáo phận, 17 giám mục, 1.544.765 giáo dân trên tổng dân số 23.193.769 người, tỉ lệ 6,66% dân số.

Giáo hội miền Bắc còn lại 10 giáo phận với 7 giám mục, 374 linh mục và một số ít tu sĩ phục vụ 750.000 tín hữu. GHCG miền Bắc chịu nhiều thử thách nặng nề dưới chế độ Cộng sản: tất cả các cơ sở của Giáo Hội như chủng viện, dòng tu hay bác ái từ thiện như bệnh viện, nhà dưỡng lão, cô nhi viện đều bị đóng cửa, đất đai bị tịch thu, từng linh mục, tu sĩ bị quản lý nghiêm ngặt. Nhiều học sinh Công giáo không thể theo học các lớp trung học và phải bỏ đạo nếu muốn học đại học. Giáo hội miền Bắc rút vào thế bất hợp tác với chính quyền và anh dũng bảo vệ đức tin.

Trong khi đó, GHCG miền Nam theo chế độ Tư bản được tự do phát triển và phát triển rất nhanh. Các giáo xứ, nhất là những giáo xứ của người Bắc di cư, nhanh chóng xây dựng các cơ sở như nhà thờ, nhà xứ, trường học, nhà thương, nhà dưỡng lão, cô nhi viện. Các làng nghề truyền thống từ miền Bắc đưa vào được tái lập ở miền Nam khiến cho nền kinh tế của Việt Nam Cộng hoà phát triển mạnh mẽ và trổi vượt trong các nước Đông Nam Á. Ông Ngô Đình Diệm, vị Tổng thống đầu tiên của nền Cộng hoà, là một tín hữu Công giáo thanh liêm, đạo đức, một lòng vì nước vì dân, nên được quần chúng ủng hộ. Nhờ sự giúp đỡ đặc biệt của Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu, nhất là Tây Đức, những người Bắc di cư ổn định rất nhanh đời sống và hoà nhập vào cộng đồng dân tộc để cùng xây dựng quê hương.

Kết quả hình ảnh cho tổng thống ngô đình diệm

Do số tín hữu đông đảo từ miền Bắc chuyển vào, nhiều giáo phận mới ở miền Nam được thành lập: Cần Thơ (1955) từ Nam Vang, Nha Trang (1957) từ Quy Nhơn. Ngày 24/11/1960, Đức Thánh cha Gioan XXIII đã thiết lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam với 3 giáo tỉnh Hà Nội, Huế và Sài Gòn. Một số giáo phận mới được thành lập trong dịp này: Long Xuyên từ Cần Thơ, Đà Lạt và Mỹ Tho từ Sài Gòn.

Vào cuối giai đoạn này, năm 1960, toàn bộ GHVN có 20 giáo phận: 10 ở giáo tỉnh Hà Nội, 4 ở Huế và 6 ở Sài Gòn. Thời điểm này, GHVN có 23 giám mục, 2.096.540 tín hữu trong số 29.200.000 dân, chiếm tỉ lệ 7,17%; 1.914 linh mục, 5.789 nam nữ tu sĩ, 1.530 đại và tiểu chủng sinh.

5. Thời kỳ trưởng thành (1960 đến nay)

Thời kỳ này được đánh dấu bằng việc thành lập Hàng Giáo phẩm Công giáo Việt Nam năm 1960.

5.1. Ý nghĩa trưởng thành

Việc thành lập này có nghĩa là GHCGVN được Giáo Hội toàn cầu công nhận như một thực thể chính thức, trưởng thành trong mọi sinh hoạt của Giáo Hội. Tất cả các giám mục Việt Nam trước đây chỉ cai quản các giáo phận gọi là hiệu toà, nay được gọi là chính toà. Những giáo phận hiệu toà là các giáo phận chỉ có danh nghĩa ở các nước châu Phi, châu Á thời xa xưa chứ không còn tồn tại trong thực tế. Các giáo phận Việt Nam nay trở thành chính toà, nghĩa là được mang tên thật sự của mình, được công nhận sự độc lập và trưởng thành của mình trong Giáo Hội hoàn vũ. Việc này cũng giống như những đứa con trưởng thành có thể ra ở riêng, không còn phải lệ thuộc vào cha mẹ hay sự bảo trợ của người khác, giống như một người được xã hội coi là trưởng thành khi biết đảm nhận các trách nhiệm của mình đối với cộng đồng.

Tuy nhiên, sự trưởng thành đó không phải chỉ là sự công nhận một chiều từ phía cha mẹ hay xã hội mà còn phải căn cứ vào sự lớn mạnh, vững chắc của chính chủ thể được công nhận về mặt thể chất cũng như tinh thần, về thái độ hành động cũng như tinh thần trách nhiệm của đương sự trong việc ứng xử với người khác, với vạn vật. GHCGVN cũng chỉ thật sự trưởng thành khi có sự lớn mạnh về cộng đồng tín hữu, về nhận thức và hành động cũng như tinh thần truyền bá Phúc Âm cho mọi người. Chúng ta sẽ phải xét xem GHCGVN thật sự đã trưởng thành chưa và cần phải làm gì để đạt được sự trưởng thành như Giáo Hội Mẹ mong muốn?

5.2. Bối cảnh lịch sử của thời kỳ này

Thời kỳ này mới chỉ kéo dài 59 năm (1960-2019) nhưng nhiều biến cố lớn lao trên thế giới và trong đất nước đã ảnh hưởng sâu xa đến GHVN, tác động đến sự trưởng thành của Giáo hội này.

Trên thế giới, cuộc đối đầu giữa hai phe Tư bản chủ nghĩa và Xã hội chủ nghĩa, hay gọi là chiến tranh lạnh (1947-1991), sau Thế Chiến thứ II, đã xảy ra ở nhiều nơi và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong cuộc chiến từ 1954-1975.

– Ngày 30/4/1975, chính quyền miền Nam sụp đổ. Sự kiện này đã tạo nên sự hoảng loạn trong một bộ phận lớn dân chúng, nhất là những người có liên quan với chính quyền, khiến gần một triệu người phải rời khỏi đất nước, di tản đến nhiều nước trên thế giới, nhất là Hoa Kỳ. Cuộc chiến giữa hai miền Nam Bắc chấm dứt, đất nước thống nhất.

– Ngày 2/7/1976 nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ra đời với lãnh thổ bao gồm cả hai miền Nam Bắc. Việt Nam mở rộng mối quan hệ với mọi nước, đóng góp nhiều hơn vào việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN, hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ (2015), Nhật Bản (9/2015), Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu (EU).

– Năm 1977, Việt Nam trở thành thành viên của Liên Hiệp Quốc.

– Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở các nước Đông Âu, bắt đầu từ Ba Lan (1989). Ở Việt Nam, công cuộc đổi mới chính thức khởi đầu vào năm 1986 trong Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cuộc đổi mới này thật sự đã mang lại nhiều hiệu quả tốt đẹp, thay đổi được tình trạng kinh tế suy sụp của Việt Nam nhưng vẫn còn rất nhiều những khó khăn tồn tại. Ngày 1/11/2007 Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và hoà nhập vào nền kinh tế thị trường thế giới.

5.3. Sự trưởng thành của GHCGVN

Chính trong bối cảnh thay đổi sâu xa của thế giới và của Việt Nam, GHVN được mời gọi đổi mới để trưởng thành. Nếu chúng ta không chấp nhận đổi mới chính mình, sự trưởng thành này sẽ khó có thể đạt được theo lòng mong ước của Giáo Hội toàn cầu. Nó sẽ giống như một con người lớn mạnh về thể xác, nhưng lại rất ấu trĩ và nhỏ bé về tinh thần. Chúng ta quan tâm đến sự trưởng thành đó theo 4 lĩnh vực: trong cơ cấu tổ chức, trong nhận thức, trong hành động và trong việc Phúc Âm hoá (PAH).

5.3.1. Trưởng thành trong cơ cấu tổ chức

Giai đoạn 1960-1975

Giáo hội miền Bắc hầu như không phát triển về mặt nhân sự và cơ sở. Ngược lại, Giáo hội miền Nam lại gia tăng rất nhanh số tín hữu. Các giáo phận ở miền Trung và miền Nam lại được chia nhỏ: Đà Nẵng (1963) từ Quy Nhơn, Xuân Lộc và Phú Cường (1965) từ Sài Gòn, Ban Mê Thuột (1967) từ Kontum, Phan Thiết (1975) từ Nha Trang.

Vào thời điểm 1975, GHVN có 3 Giáo tỉnh: Hà Nội, Huế, Sài Gòn với 25 giáo phận. Giáo tỉnh Hà Nội gồm 10 giáo phận: Hà Nội, Lạng Sơn, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hưng Hoá, Thái Bình, Bùi Chu, Phát Diệm, Thanh Hoá và Vinh. Giáo tỉnh Huế gồm 6 giáo phận: Huế, Quy Nhơn, Kontum, Nha Trang, Đà Nẵng và Ban Mê Thuột. Giáo tỉnh Sài Gòn sau đổi thành Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) (từ ngày 23/11/1976) gồm 9 giáo phận: TP.HCM, Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt, Mỹ Tho, Phú Cường, Xuân Lộc và Phan Thiết.

Khởi đầu thời kỳ này, một biến cố tác động sâu xa đến Giáo Hội toàn cầu cũng như GHVN, đó là CĐ. Chung Vaticanô II (1962-1965) với đường hướng đại kết và mục vụ đã làm cho GHVN, nhất là ở miền Nam, quan tâm nhiều đến vai trò của Giáo Hội trong thế giới ngày nay và thúc đẩy mọi tín hữu tích cực tham gia các hoạt động trong xã hội trần thế.

Bảng tổng kết tình hình GHVN vào năm 1962-1963 cho ta thấy hoạt động của Giáo hội trong lĩnh vực giáo dục, y tế và xã hội rất lớn. Hầu như xứ đạo nào cũng có trường tiểu học và các nơi tập trung đông dân như thị xã, đều có trường trung học. Ta có thể thấy cả GHVN lúc đó có 2.151.370 tín hữu, 1.523 linh mục triều, 293 linh mục dòng và thừa sai, 533 đại chủng sinh, 2.748 tiểu chủng sinh, 956 tu sĩ nam, 4.977 tu sĩ nữ, 6.026 nhà thờ, 1.354 xứ đạo. GHVN lúc đó có 93 trường trung học với 60.412 học sinh, 1.122 trường tiểu học với 234.749 học sinh, 58 cô nhi viện nuôi 6.616 trẻ, 48 bệnh viện với 6.453 giường, 35 viện dưỡng lão với 244 người, 8 trại phong với 3.465 người và 159 phòng phát thuốc cho khoảng 1.870.073 lượt người.

Sự phát triển của Giáo hội miền Nam Việt Nam trong thời kỳ này trước hết là do sự tổ chức quy củ của các giáo phận cho mọi thành phần Dân Chúa, nhất là trong việc đào tạo các linh mục và tu sĩ. Ở miền Nam, giáo phận nào cũng có các tiểu chủng viện thu nhận các học sinh từ lớp 6 và huấn luyện đến hết lớp 12 để đưa vào các đại chủng viện chung của từng vùng hay từng miền. Vì có chương trình đào tạo hoàn chỉnh và định hướng cụ thể nên các linh mục, sau 7-8 năm học ở đại chủng viện, đã trở thành những người lãnh đạo có khả năng tại các giáo xứ hay trong các hoạt động mục vụ. Giáo hoàng Học viện Piô X ở Đà Lạt còn có chương trình đào tạo cao hơn cho các cấp lãnh đạo trong GHVN[22]. Viện Đại học Công giáo ở Đà Lạt cũng là nơi đào tạo cho các giáo dân và người ngoài Công giáo trình độ văn hoá cao cấp.

Kết quả hình ảnh cho học viện piô đà lạt

Sự phát triển của xã hội, nhất là ở miền Nam Việt Nam, luôn có sự đóng góp tích cực và lớn lao của các hội đoàn và phong trào Công giáo Tiến hành. Mỗi giới, mỗi lứa tuổi, đều có những đoàn thể hướng dẫn nhằm giúp việc sống đạo tiến triển theo đường hướng tích cực. Ta có thể kể tên số đoàn hội tiêu biểu như: Thiếu Nhi Thánh Thể, Hùng Tâm Dũng Chí, Nghĩa Sinh, Hướng Đạo Sinh Công giáo, Thanh Sinh Công, Con Đức Mẹ, Thanh Lao Công, Legio Mariae, Hiệp Hội Thánh Mẫu, Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ, Bác Ái Vinh Sơn, Dòng Ba Phan Sinh, Dòng Ba Cát Minh, Dòng Ba Đa Minh…

Chúng ta không thể nào quên sự đóng góp lớn lao của các tu sĩ nam nữ vào sự phát triển Giáo Hội và xã hội. Trong thời kỳ 1960-1975, các dòng tu phát triển rất mạnh ở miền Nam: 22 dòng và tu hội nam với 956 tu sĩ, 33 dòng và tu hội nữ với 4.977 tu sĩ đã khấn. Phần lớn các tu sĩ dạy trong các trường học và làm việc tại các cơ sở bác ái từ thiện như bệnh viện, nhà hộ sinh, viện dưỡng lão, cô nhi viện, trại phong… Các tu sĩ được học hỏi nhiều về đời tu cũng như về các khoa học đạo đời để có khả năng phục vụ. Trình độ văn hoá của tu sĩ được nâng cao: trước đây là tốt nghiệp lớp 9, sau đó là lớp 12. Nhiều người còn học thêm vài ba năm thần học hoặc theo học các chuyên khoa tại các đại học[23].

Tuy nhiên, sự trưởng thành của GHVN ở miền Nam cũng được thử thách khi người tín hữu tiếp cận với lối sống hưởng thụ dễ dãi, thiên về khoa học thực nghiệm của nền văn hoá phương Tây. Dù được hoàn toàn tự do sống đạo và truyền đạo, nhưng số người theo đạo lại giảm sút so với những thời kỳ trước đây.

Ta có thể căn cứ vào số người lớn được rửa tội trong các giáo phận ở miền Nam để xác định điều này. Thí dụ: TGP. Sài Gòn từ năm 1962-1974, với số tín hữu 500.000 người nhưng số người lớn theo đạo mỗi năm một giảm, từ 4.624 người xuống còn 1.829 người. Hoặc Gp. Xuân Lộc, với số dân Công giáo 332.810 người, chỉ có 857 người lớn trở lại đạo vào năm 1974[24]. Dù rằng các giáo phận này có trên 500 linh mục, hàng ngàn tu sĩ nam nữ, hàng trăm ngàn đoàn viên Công giáo Tiến hành hoạt động trong gần 500 trường trung tiểu học và cả trăm cơ sở bác ái từ thiện. Người ta có thể học trường Công giáo để biết chữ nghĩa, đến cơ sở từ thiện để nhận trợ cấp thuốc men, vật chất, tiền bạc, nhưng người ta không theo đạo Công giáo. Điều này thúc đẩy GHVN phải thay đổi cách sống đạo và rao giảng Phúc Âm để trưởng thành hơn trong đức tin.

Giai đoạn 1975- 2019

Giáo phận mới được Toà Thánh thiết lập là Bà Rịa vào năm 2005, tách ra từ Gp. Xuân Lộc. Như thế là Giáo tỉnh TP.HCM có 10 giáo phận. Giáo phận mới nhất được thành lập ngày 22/12/2018 là Hà Tĩnh, được tách ra từ giáo phận Vinh với giáo dân thuộc 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Như thế giáo tỉnh Hà Nội có 11 giáo phận. Giáo Hội Việt Nam hiện nay có 27 giáo phận.

Kết quả hình ảnh cho 27 giáo phận việt nam

Năm 2019, dân số Việt Nam hiện có hơn 96 triệu người, với tổng số người Công giáo khoảng 7 triệu người, chiếm khoảng 7% dân số với hơn 5.000 linh mục, hơn 5.000 đại chủng sinh và tu sinh. Theo thống kê đầu năm 2019 của Uỷ ban Tu sĩ (UBTS) thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, trên toàn quốc có 307 dòng tu, tu đoàn, tu hội và hiệp hội với tổng số 33.087 tu sĩ, gồm 28.099 nữ tu và 4.988 nam tu, trong đó có 1.670 linh mục dòng. Thống kê của UBTS trong năm 2018 vừa qua cho thấy, có 2.922 tu sĩ nam nữ được gửi đi nước ngoài, trong đó có 2.272 tu sĩ giúp hoạt động mục vụ tại các giáo xứ và 650 tu sĩ trực tiếp đi truyền giáo tại các vùng xa xôi hẻo lánh, tập trung nhiều nhất tại Đài Loan, Nhật Bản và các quốc gia Phi Châu[25].

Quả thật, sau khi thống nhất đất nước, GHCGVN đã bước vào một thời kỳ mới để ý thức hơn về sứ mạng của mình và càng thêm tin tưởng vào quyền năng, ân sủng của Chúa. Cả hai miền trải qua một thời kỳ thử thách căng thẳng từ năm 1975 đến năm 1986, trước khi bước vào thời kỳ “đổi mới”, nhất là đối với những tín hữu Công giáo ở miền Nam, vì chưa có kinh nghiệm sống trong chế độ Cộng Sản như anh chị em ở miền Bắc.

Kết quả hình ảnh cho dại hội đức mẹ la vang

Khi tất cả các cơ sở thờ phượng bị kiểm soát chặt chẽ, các cơ sở tu trì, từ thiện, giáo dục, kinh tế của Giáo hội miền Nam bị đóng cửa hay bị quốc hữu hoá, người tín hữu hết sức lo sợ, có người không dám đến nhà thờ. Các chủng sinh và tu sĩ, nhất là những người chưa khấn, được trả về để sống với gia đình. Nhiều cộng đoàn như toà giám mục, nhà xứ, dòng tu, sau vụ đổi tiền ngày 22/9/1975 và ngày 3/5/1978 với mỗi hộ gia đình được đổi 200 đồng, không biết phải làm gì để sinh sống. Nhiều tu sĩ đã khấn đang hành nghề dạy học, bị buộc phải nghỉ dạy, không biết phải làm gì để tiếp tục đời tu. Nhiều người phải đi bán hàng rong, hay làm trong các tổ hợp đan mây tre lá, làm mành trúc,… Đó là chưa kể nỗi lo sợ thường xuyên bị quản lý, theo dõi, khám xét nhà ở. Tuy nhiên, hầu hết đều trung thành trong ơn gọi của mình.

Khi không còn bị ràng buộc bởi những thứ vật chất như cơ sở, phương tiện, người tín hữu tập trung lòng đạo vào việc thể hiện đức tin, đức ái trong đời sống âm thầm khiêm tốn hằng ngày. Các linh mục, tu sĩ bớt bận tâm về trường học hay cơ sở bác ái xã hội để tập trung vào việc học hỏi, dạy giáo lý và sống kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện.

Thật vậy, khi chúng ta tin tưởng vào tình yêu Thiên Chúa Quan Phòng, Đấng đã an bài những điều tốt đẹp nhất cho dân tộc và GHVN, chúng ta sẽ nhìn những gì đã xảy ra với tâm hồn an bình, tràn đầy hy vọng và mới biết cảm tạ Chúa vì hồng ân đặc biệt của Người. Biến cố này dẫn đến sự thống nhất đất nước, cho người hai miền bây giờ san sẻ cuộc sống trọn vẹn cho nhau, đồng thời cũng thống nhất GHVN, qua Đại hội các Giám mục Việt Nam năm 1980, trong đường hướng “sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”.

5.3.2. Trưởng thành trong nhận thức

GHCGVN có lẽ cần quan tâm nhiều hơn để trưởng thành trong nhận thức. Sự nhận thức có được là do các thành phần dân Chúa được đào tạo tương đối hoàn chỉnh để có mối tương quan tốt đẹp với Chúa, với tha nhân, với vạn vật và với chính mình trong các lĩnh vực thể xác và tinh thần, tự nhiên và siêu nhiên, nội tâm và ngoại giới, cá nhân và tập thể thay vì quá chú ý đến các nghi lễ phụng tự hào nhoáng bên ngoài hay những kinh sách dài lời trong các buổi cầu nguyện.

Kể từ sau CĐ. Vaticanô II, người tín hữu có rất nhiều lợi thế để đạt tới sự trưởng thành về nhận thức hơn các thời kỳ của 20 thế kỷ đã qua. Cuốn Thánh Kinh bằng ngôn ngữ bản địa, các văn kiện của Công đồng Vaticanô II, sách Giáo lý của Hội Thánh Công giáo 1992, sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của GHCG 2004, các thông điệp, huấn từ, tông thư… của các vị giáo hoàng thường được dịch ngay sang tiếng Việt, dễ dàng cho các tín hữu học hỏi. Thêm vào đó là các bản văn phụng vụ của Thánh lễ và Giờ kinh Phụng vụ cũng được cử hành bằng tiếng Việt thay vì bằng tiếng Latinh như trước đây, rất dễ dàng cho người tín hữu tham dự cách sống động và tích cực. Các chủng viện, học viện cho tu sĩ, học viện mục vụ dành cho giáo dân với các chương trình dạy triết học, thần học bằng tiếng Việt cũng là những phương tiện hữu ích cho việc đào tạo sự trưởng thành về mặt nhận thức này.

Kết quả hình ảnh cho đức thánh cha gioan phaolô ii

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân ưu tuyển là các giáo lý viên, những đoàn viên các đoàn thể Công giáo Tiến hành, cần ý thức rằng chính mình là những người xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ nền văn hoá dân tộc bằng cách phổ biến những giá trị mới mẻ của nền văn hoá Công giáo để xây dựng nền văn minh tình yêu. Nền văn minh này đặt nền tảng trên một tình yêu quảng đại, trong sáng, mãnh liệt, mang tính vĩnh hằng của Thiên Chúa[26]. Tổ tiên Công giáo chúng ta đã giới thiệu cho đồng bào về giá trị của dân chủ, bình đẳng nam nữ, hôn nhân một vợ một chồng, khoa học kỹ thuật, chữ Quốc ngữ… của nền văn minh đó. Từng bài giảng của linh mục trong thánh lễ, từng bài dạy của tu sĩ trong lớp học, cho đến từng sinh hoạt của người tín hữu đều là những dịp thuận lợi để nâng cao nhận thức cho đồng bào, nên chúng ta không thể xem thường, nhưng phải chuẩn bị kỹ lưỡng nhờ giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý rằng: kể từ năm 1954 ở miền Bắc và năm 1975 ở miền Nam, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa với ý thức hệ vô thần và duy vật, cố ý bài bác tôn giáo và tín ngưỡng dân tộc, đã ảnh hưởng sâu xa đến những người được thụ huấn, trong đó có cả những linh mục tu sĩ, chứ không phải chỉ có người dân. Việc bài bác các tôn giáo, không để cho tôn giáo dạy tín hữu ăn ngay ở lành, hành động theo chân thiện mỹ, là phá đổ chính nền tảng của văn hoá của dân tộc, nếu hiểu “văn hoá là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra trong một giai đoạn nhất định của lịch sử”. Kết quả là nhiều người không còn sống theo những giá trị của chân thiện mỹ, buôn gian bán dối, tham nhũng, lừa đảo xảy ra ở khắp nơi, nên đạo đức xã hội càng ngày càng xuống cấp, những tội ác càng ngày càng man rợ, như các người lãnh đạo trong chính quyền đã nhận định[27]. Vì thế, người tín hữu Công giáo rất cần trưởng thành về mặt nhận thức để vừa làm chứng nhân cho Chúa Giêsu Kitô vừa xây dựng nền văn hoá dân tộc.

5.3.3. Trưởng thành trong hành động

Tuy nhiên, “đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2,17) cũng như người có “nhận thức mà không hành động” chỉ là hạng người “pharisêu” từng bị Chúa Giêsu trách cứ nhiều lần. Người tín hữu Việt Nam thời nay phải đưa những nhận thức đúng đắn, hoàn chỉnh và toàn diện của Kitô giáo thành những hành động cụ thể trong đời sống.

Trong giai đoạn hỗn loạn ở miền Nam Việt Nam vào buổi đầu sau khi thống nhất đất nước 1975, các giám mục đã quyết tâm ở lại quê hương, nhưng vẫn tôn trọng sự chọn lựa tự do của người giáo dân khi họ vượt biên và dạy họ can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá ở bất cứ nơi nào trên thế giới[28]. Đó là một sự trưởng thành về hành động.

Hành động cần thể hiện sự trưởng thành có lẽ phải đi xuống sâu hơn, ở những cấp thấp hơn là các linh mục, khi họ dám “đi ra” khởi nhà thờ, nhà xứ để hoà mình vào đời sống người dân, nhất là những người nghèo khổ, tật bệnh, bị gạt ra ngoài lề xã hội và mang lại sự cứu giúp cần thiết, cụ thể và ơn cứu độ như yêu cầu của ĐGH Phanxicô trong tông huấn “Niềm vui Phúc Âm”, ngày 24/11/2013. Hoặc đi xuống tột điểm là các tín hữu giáo dân khi họ biến nhận thức thành hành động cụ thể để không dùng hoá chất nguy hại trong các nông sản, thực phẩm bán cho người mua vì đó là vi phạm giới răn thứ Năm “Chớ giết người” của Chúa. Hàng hoá của người Công giáo làm ra hay bán ra là phải an toàn, tốt đẹp, bổ dưỡng khiến ai cũng muốn giao hảo với người Công giáo, như tổ tiên Việt Nam ta đã làm được trước đây và như anh em Công giáo Hàn Quốc đang thực hiện được ở đất nước của họ khiến tỉ lệ người Công giáo trong vòng 65 năm (1949-2015) tăng từ 1% lên đến 10,5% [29].

5.3.4. Trưởng thành trong việc PAH

Nếu nhìn lại các số liệu thống kê về dân số Công giáo, chúng ta thấy dân số ấy tăng trưởng nhanh chóng: năm 1889 có 648.435 người, chiếm 6.5% dân số; năm 1939 có 1.544.765 người, chiếm 6,66%; năm 1960 có 2.094.540 người chiếm 7,17%; năm 1999 có 5.228.000 người chiếm 6,6%[30]; năm 2009 có 5.677.086 người chiếm 6,61%[31]; năm 2015 có 6.489.084 người chiếm 6,78% dân số. Tuy nhiên, đó chỉ là sự gia tăng cơ học, nghĩa là người dân sinh sản nhiều thì dân số tự nhiên tăng theo.

Muốn biết lĩnh vực truyền giáo hiệu quả hay không, người ta phải tính đến số người lớn theo đạo Công giáo hằng năm. Quả thật, trong vài chục năm gần đây, số người lớn gia nhập đạo ở Việt Nam khoảng 30.000 đến 40.000 người mỗi năm, nhưng hầu hết là để lập gia đình với người Công giáo. Điều tra trong các lớp giáo lý tân tòng đã cho chúng ta thấy điều đó. Nhưng sau khi lấy được vợ hay chống rồi, rất ít người còn giữ đạo và số người bỏ đạo mỗi năm cũng tương đương với người theo đạo. Kết quả là tỷ lệ dân số Công giáo hầu như vẫn giữ nguyên khoảng 7% trong suốt hơn 130 năm qua từ năm 1886-2019. Như thế là chúng ta chưa thấy rõ được sự trưởng thành về mặt truyền đạo của GHVN[32].

Kết quả hình ảnh cho thượng hội đồng giám mục thế giới 2012

GHCG toàn cầu đã triệu tập Thượng Hội đồng Giám mục (THĐGM) thế giới vào tháng 10/2012 tại Rôma với đề tài “Tân PAH để thông truyền đức tin” và nhắc nhở tín hữu rằng: tình trạng xã hội, văn hoá của thế giới đã thay đổi sâu xa nhưng người Công giáo không thay đổi cách thức truyền đạo, nên việc truyền đạo không đạt kết quả. THĐGM phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và chúng ta gặp thấy các nguyên nhân ấy ở GHCGVN. Giáo Hội cũng đề ra giải pháp Tân PAH, nghĩa là mỗi tín hữu phải trở thành Phúc Âm, trở thành Lời Sống động là Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, trở thành hiện thân của Đức Giêsu Kitô, thì mới mong đạt được kết quả truyền đạo như thời các Thánh Tông đồ xưa[33].

Trở thành hiện thân của Đức Giêsu Kitô là người tín hữu phải gặp được Người vì đức tin là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa cụ thể là Đức Giêsu với từng con người cụ thể, phải kết hợp mật thiết với Người để Người chuyển thông cho họ tình yêu, sức mạnh, ân sủng và cả quyền năng, rồi từ đó họ mới có thể chia sẻ cho người khác “sự thật và sự sống, sự thánh thiện và ân sủng, tình yêu, công lý và hoà bình”[34]. Xã hội Việt Nam đang rất cần những giá trị đó để có thể đứng vững và phát triển nhưng hình như những tín hữu Công giáo, nhất là những người có trách nhiệm lãnh đạo cộng đồng, chưa ý thức được sứ mạng cao quý của mình. Họ cũng chưa phát huy những ân sủng kỳ diệu của Chúa Giêsu Kitô ban cho họ nên công trình PAH vẫn chưa đạt kết quả như lòng mong ước. Bước đường trưởng thành về PAH còn đang trải dài phía trước cho GHVN.

Lời kết

Nhìn lại dòng lịch sử dân tộc, người tín hữu Việt Nam sẽ cảm nghiệm được tình yêu thương của Cha Trên Trời để sống hoà thuận và hiệp thông với anh em trên mọi miền đất nước, cũng như với mọi người trên thế giới. Ý thức được điều này, người Công giáo Việt Nam càng muốn hoà nhập vào lòng dân tộc để thể hiện sứ mạng đã được Cha Trên Trời trao phó: xây dựng tình huynh đệ chân thành nơi địa phương mình sống. Trong đại gia đình dân tộc hiện nay có nhiều nền văn hoá khác nhau nên người tín hữu cần tìm hiểu và đối thoại với anh em để cùng xây dựng một nền văn minh tình yêu và hoà bình.

Kết quả hình ảnh cho hội đồng giám mục việt nam 2019

Bước vào thiên niên kỷ mới, HĐGMVN đã thiết tha yêu cầu người tín hữu đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách sống của mình theo đúng tinh thần của Chúa Kitô để có thể “sống, làm chứng và loan báo Phúc Âm cho mọi giới đồng bào thân yêu”[35]. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, trong Thông điệp Khởi đầu thiên niên kỷ mới, cũng mời gọi tất cả chúng ta cùng “ra khơi với Đức Giêsu Kitô” để thả lưới và bắt được nhiều “cá người” cho Thiên Chúa (số 51-52). Chúng ta sẽ không đứng yên trên bờ hay vui chơi trên bãi biển theo xu hướng cầu an hưởng thụ của con người thời nay. Chúng ta sẵn sàng chấp nhận những gian lao vất vả trong cuộc sống đạo và truyền đạo để làm cho Giáo Hội và quê hương Việt Nam mỗi ngày thêm phát triển, tràn đầy tình thương và sự sống của chính Thiên Chúa.

———————————————————

Câu hỏi gợi ý

1. Các tín hữu Công giáo thời xưa đã sống như thế nào để thu phục đồng bào tin theo Chúa Giêsu Kitô?

2. Tín hữu thời nay nên sống cụ thể tích cực ra sao để làm chứng cho Nước Trời?

———————————————————

Chú thích:

  1. x. Đây là bài được trình bày trong Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam 2016, của Hội đồng Giám mục Việt Nam, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, tr.171-194.
  2. x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Giáo Hội tại châu Á, 1999, số 5.
  3. X. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Thư Chung 1980, số 9.
  4. x. Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục được soạn thảo dưới triều vua Tự Đức từ năm 1856, quyển 33, phần chính biên, tờ 5-6.
  5. Trong cuốn Niên giám Giáo hội Công giáo Việt Nam năm 2016 của Hội đồng Giám mục Việt Nam ở trang 175, tác giả viết dòng Đa Minh. Sau khi tìm hiểu và tra cứu, chúng tôi xin đính chính lại là Phanxicô, x. cuốn “Tỉnh Dòng  Anh Em Hèn Mọn Việt Nam – Lược khảo lịch sử, Tập 1” của linh mục A.M Trần Phổ, OFM, xuất bản 1996 đã viết những thông tin này (tr.47), và ghi các thừa sai là dòng  Phanxicô (với trích dẫn từ các tác giả: J. Vermeulen, Lorenzo Perez, Victor-Bernardin de Rouen, Antolin Abad Perez, Romanet du Caillaud). Xin cáo lỗi với anh em dòng Phanxicô.
  6. x. C. A. Poncet, La Princesse Marie, trong Bulletin des Amis du Vieux Hué, tháng 12/1941, tr.351-358; Lê Triều Thượng Cổ truyền giáo, tr.111.
  7. x. Đỗ Quang Chính, Lịch sử Chữ Quốc ngữ, 1620-1659, Tủ sách Ra Khơi, Sài Gòn, 1972.
  8. x. Công giáo và Dân tộc, Công giáo Việt Nam sau quá trình 50 năm, 1945–1995, 1996, tr.86.
  9. x. Nguyễn Văn Kiệm, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, UBKHXH, Viện KHXH và Ban Tôn giáo Chính phủ, 1988, tr.29-42.
  10. x. Trần Đình Sơn, Vua Gia Long với quyết định chọn người kế vị, tạp chí Xưa và Nay của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, số 81B, tháng 11/2000, tr.26-27.34.
  11. x. Nguyễn Văn Kiệm, Một số vấn đề lịch sử…, sđd, tr. 27.
  12. x. Trần Đình Sơn, Sđd, Tạp chí Xưa và Nay, số 81B, tháng 11/2000, tr.26-27.
  13. x. Gs. Lê Văn Sáu, Một số vấn đề lịch sử… Sđd, tr.101.
  14. x. Nguyễn Văn Quý, Địa phận Sài Gòn 1835-1944, tư liệu, 1993, tr.5-39.
  15. x. Lm. Bùi Đức Sinh, OP., Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, q.II, tr.17-200.
  16. x. Lm. Geffroy thuộc Hội Thừa Sai Paris (MEP), đăng sự kiện này trên tuần báo Missions Cathothiques ở Paris vào các ngày 3, 10, và 17 tháng 9 năm 1886 (bản tiếng Việt), cũng như trong tài liệu của H. Ravier, Sử ký Hội thánh (Historiae Ecclesiasticae). Q. III.
  17. x. Một số vấn đề lịch sử…, sđd, tr.19.
  18. x. Một số vấn đề lịch sử… sđd, tr.17-21.
  19. x. Thống kê GHVN năm 1889.
  20. x. Một số vấn đề lịch sử… sđd, tr.78.
  21. x. Một số vấn đề lịch sử… sđd, tr.45.
  22. x. Niên Giám 2016, Chương 17, Các đại chủng viện ở Việt Nam.
  23. x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giáo Hội Công giáo Việt Nam Niên Giám 2016, Chương 18, Đời sống thánh hiến tại Việt Nam.
  24. x. Nguyễn Ngọc Sơn, Người mục tử cộng đồng hướng về tương lai, Toà TGM. TPHCM xuất bản 1997, tr.73-88.
  25. x. Bài phỏng vấn cha Tôma Vũ Quang Trung, dòng Tên, thư ký Uỷ ban T u sĩ của HĐGMVN, ngày 15/5/2019.
  26. x. Sứ điệp Ngày Thế giới Hoà bình 1/1/2001 của ĐTC Gioan Phaolô II; Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo, 2004, số 103,391,582.
  27. x. Sđd, Niên Giám GHCGVN 2016, Chương 13, Công cuộc Tân PAH ở Việt Nam.
  28. x. Thư ngỏ của các giám mục thuộc TGP. TP.HCM gửi các tín hữu Công giáo trên thế giới về vấn đề di tản.
  29. x. Our Sunday Visitor’s, Catholic Almanac 2015, tr. 316; Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cẩm nang tân Phúc Âm Hoá, NXB tôn Giáo, 2014, tr.280.
  30. x. Catholic Almanac 2002, tr.338.
  31. x. Tổng Điều tra Dân số toàn quốc 2009.
  32. x. Sđd, Niên Giám GHCGVN 2016, Chương 21, GHVN trong tình hiệp thông.
  33. X. Sđd, Niên Giám GHCGVN 2016, Chương 13, Công cuộc Tân PAH ở Việt Nam.
  34. X.. Kinh Tiền Tụng Lễ Chúa Giêsu, Vua Vũ Trụ.
  35. X. HĐGMVN, Thư Mục vụ, tháng 10/2000, số 2, 3, 5, 8.