Tài liệu tĩnh tâm – Hướng tới sự trưởng thành toàn diện – Bài 6: Giá trị của công bằng

Người ta đối xử bất công với nhau trong mọi lĩnh vực: đối với con người cũng như vạn vật và đối với chính Thiên Chúa! Nhưng nhiều khi người ta lại tưởng rằng mình đang giữ được công bằng. Hậu quả là con người không cảm nhận được bình an và các dân tôc chưa được hưởng hoà bình vì “công lý và hoà bình luôn đi chung với nhau”. Chính vì thế “công lý” hay “công bằng” là giá trị cần được chúng ta tìm hiểu và thể hiện trong đời sống.

Hướng tới
sự trưởng thành toàn diện

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Tài liệu tĩnh tâm – 3/2020

PHẦN I
VĂN HOÁ CÔNG GIÁO: NHÂN BẢN TÂM LINH (tt)

Bài 6
Giá trị của công bằng

Lời mở

Ý niệm về công bằng xuất hiện muộn màng trong lịch sử con người. Cho đến hôm nay, nhiều dân tộc vẫn chưa được hưởng sự công bằng. Do bản năng sinh tồn, nhiều loài động vật phải giết nhau, ăn thịt nhau để sống. Mạnh được yếu thua là lẽ sống còn của mọi loài. Câu chuyện chia phần của vua sư tử cho ta thấy công lý của kẻ mạnh. Người ta đối xử bất công với nhau trong mọi lĩnh vực: đối với con người cũng như vạn vật và đối với chính Thiên Chúa! Nhưng nhiều khi người ta lại tưởng rằng mình đang giữ được công bằng. Hậu quả là con người không cảm nhận được bình an và các dân tôc chưa được hưởng hoà bình vì “công lý và hoà bình luôn đi chung với nhau”. Chính vì thế “công lý” hay “công bằng” là giá trị cần được chúng ta tìm hiểu và thể hiện trong đời sống.

180612-vatican-noon-prayer.jpg

1. Công bằng trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan

1.1. Giải thích từ ngữ

Từ Justitia theo nghĩa Latinh, (Anh ngữ: Justice), được dịch là “công lý”, “công bằng”, “công chính”.

Từ điển Công giáo Việt Nam, trong bản in năm 2019, dùng từ “công bình” (từ cũ) thay cho “công bằng”, “công chính”, không dùng từ “công lý” (Bản in năm 2016 lại dùng từ ‘công lý” thay cho “công bình”. Công bằng là việc mỗi người tôn trọng quyền lợi của mình và của tha nhân theo quy định của pháp luật hoặc của quy tắc xã hội. Công chính: không thiên vị, ngay thẳng (x. tr 170-171).

Từ điển Tiếng Việt 2013 dùng từ “công lý”: lẽ phù hợp với đạo lý và ích lợi chung của xã hội; “công bằng”: theo đúng lẽ phải, không thiên vị; “công chính”: ngành chuyên môn về quản lý và xây dựng các công trình công cộng như đường xá, cầu cống….[1]. Nhưng ta đừng hiểu Thánh Giuse là Đấng Công chính theo nghĩa này!

Justice_01.pngTừ điển Bách khoa Việt Nam nói nhiều đến công bằng: công bằng xã hội, công bằng phân phối. Đó là khái niệm đạo đức và ý thức pháp quyền, chỉ điều chính đáng, tương ứng với bản chất và quyền con người.

Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo dùng từ “công bằng” trong 131/583 số. Docat dùng từ này trong 66/328 câu. Điều đó chứng tỏ đây là một giá trị nền tảng trong đời sống con người.

– Ý kiến hiện nay: ta nên phân biệt từ: “công bằng”: theo đúng lẽ phải, không thiên vị (justitia, aequitas) – công lý( justitia): lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội.

1.2. Công lý, công bằng trong lịch sử và đời sống

Dù con người biết suy tư xuất hiện cách đây khoảng 200.000 năm, ý niệm về công bằng cũng mới chỉ được xã hội biết đến một vài ngàn năm trước công nguyên, khi con người nhận ra giá trị cao quý của mình so với vạn vật.

Người Hy Lạp và sau đó là người Roma đã dùng sức mạnh để chiếm đóng và bắt các dân tộc khác phải phục quyền. Họ xây dựng được ý niệm công bằng và công lý với bộ luật dân sự, nhưng chúng chỉ được áp dụng cho dân tộc cai trị chứ không cho những dân tộc bị đô hộ.

Người Do Thái là một dân tộc đặc biệt nhất, khi họ ấn định Mười điều răn như luật công bằng trong mọi lĩnh vực (x. Đnl 5, 1-21; Xh 20,1-17 ), luật “mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân” (Đnl 19,20), “không được áp bức người cùng khổ, mồ côi, goá bụa” “không được xét xử bất công, thiên vị giữa người giàu và người nghèo, giữa người Do Thái và người ngoại bang”… như luật công bằng xã hội cho dân tộc mình.

Nhìn vào dòng lịch sử dân tộc Việt Nam, giá trị công bằng ít khi thấy thể hiện trong đời sống. Trong hơn 10 thế kỷ sống dưới ách nô lệ của người Trung Quốc (111 TCN-938) , người Việt bị bóc lột nhiều khi đến tận xương tuỷ, nên không được hưởng sự công bằng trong mọi lĩnh vực: buôn bán sản xuất thì chịu sưu cao, thuế nặng; học hành, làm việc thì bị phân biệt đối xử giữa người cai trị và kẻ bị trị, nơi toà án xét xử thì chịu bao nỗi bất công vì không có công bằng pháp lý. Do đó, người Việt có tâm lý phản kháng, chống đối.

Tâm thức coi nhẹ giá trị công bằng đã chuyển hoá thành một bản sắc của người Việt ngay cả khi sống trong thời quân chủ độc lập (938-1945) vì nạn cường hào ác bá, quan lại tham nhũng, vua chúa độc tài, chuyên chế, xung đột với nhau khiến cho “công lý hầu như chỉ nằm trong tay của kẻ mạnh”. Người Việt dễ ăn cắp của công vì nghĩ rằng của công cũng là do tay mình làm ra nên chúng thuộc về mình. Họ thường trốn thuế vì coi thuế là công cụ bóc lột của chính quyền. Họ ra vẻ chăm chỉ làm việc trước mặt người chủ, nhưng khi chủ vừa quay lưng đi là ngồi chơi hay làm việc riêng của mình, đi làm trễ về sớm vì không quan tâm đến công bằng theo đồng lương đã nhận… Đó chỉ là thái độ phản kháng chống lại kẻ mạnh bất công với mình, nhưng họ lại không nghĩ rằng mình cũng đang bất công với người khác.

Kể từ năm 1945 đến nay, tâm thức coi nhẹ công bằng, xem thường công lý này đạt tới đỉnh điểm khi người ta hô hào, cổ vũ cho hệ tư tưởng vô thần, chết là hết, phá đổ niềm tin ngàn đời của dân tộc: “Trời cao có mắt”, “Thiên bất dung gian”. Khi chối bỏ Trời như Đấng Tối Cao, nhìn thấu tất cả và xét xử muôn loài theo lẽ công bằng, nhiều người Việt không ngại ngùng sử dụng mọi thủ đoạn để buôn gian bán dối, dù biết rằng những hàng độc hại, giả tạo đó đang giết chết đồng bào mình. Nạn tham nhũng trong chính quyền lan rộng đến mọi cấp bậc khiến cho nền luân lý đảo điên, suy đồi. Người Việt chúng ta cần phải học lại ý nghĩa của công bằng nếu muốn cho dân tộc được trường tồn và hoà nhập với cộng đồng thế giới.

00210.jpg1.3. Công bằng trong các lĩnh vực và mọi mối tương quan theo Học thuyết Xã hội Công giáo

Chúng ta đã biết rằng con người trải rộng sinh hoạt của mình trong mọi lĩnh vực và mọi mối tương quan nên giá trị công bằng cũng phải trải rộng như thế.

Trong các lĩnh vực như kinh tế, xã hội, chính trị, giáo dục, văn hoá, nghệ thuật…mỗi cá nhân, từng chính quyền hay tổ chức xã hội đều phải giữ và làm đúng những điều đã quy định trong luật pháp, trong hợp đồng đã được ký kết để bảo đảm công lý và công bằng cho mọi người dân và các thành phần của xã hội. Vì thế, người ta phân biệt công bằng giao hoán, phân phối, pháp lý, xã hội, kính tế, tham gia…

Trong các mối tương quan với Thiên Chúa, với con người, với vạn vật và với chính mình, Học thuyết xã hội Công giáo đã định nghĩa “công bằng là có ước muốn kiên định và vững chắc trả lại những gì mình mắc nợ với Chúa và tha nhân[2].

Công bằng đối với Thiên Chúa là trả cho Ngài sự tôn kính trọn vẹn và biết ơn: đó là đức thờ phượng (số 17, 23, 63, 66, 67) vì Ngài không mắc nợ ai cả trong khi tất cả những gì ta có đều do Ngài ban tặng cho ta. Đức Giêsu cũng xác nhận: “Của Caesar trả về Caesar, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa” (Mt 22,21).

Như thế, “Phải yêu Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn” (x. Mt 22,37) cũng chỉ là luật công bằng trong mối tương quan với Chúa. Còn “Phải yêu người thân cận như chính mình” (x. Mt 22,39) cũng chỉ là luật công bằng trong mối tuơng quan với tha nhân vì người khác là anh chị em của ta trong đại gia đình Thiên Chúa.

Trong tương quan với con người, ta phải giữ công bằng giữa các cá nhân với nhau (số 462, 474); giữa các quốc gia (số 453, 497; Docat, câu 185-207). giữa chính quyền và công dân (số 527, 565). Những nông sản, hải sản không an toàn vì những hoá chất độc hại, những viên thuốc chữa bệnh không đủ liếu lượng hay giả tạo như những viên thuốc chữa ung thư giả của Công ty VN Pharma… là những vi phạm về công bằng trong phạm vi cá nhân. Những chiến tranh thương mại giữa các nước vì dầu hoả, vì đất hiếm, vì những tài nguyên thiên nhiên… cũng vi phạm công bằng trong phạm vi quốc gia. Những cuộc bầu cử gian lận, những cuộc đấu thầu không công khai cho những dự án lớn… cũng vi phạm công bằng giữa chính quyền và công dân.

Trong tương quan với vạn vật, chúng ta cũng phải giữ công bằng để không khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, như tránh đánh bắt cá trong mùa đẻ trứng hay dùng lưới quyét bắt mọi thứ hải sản lớn nhỏ. Trong tương quan với chính mình, ta phải giữ công bằng để không làm việc đến kiệt sức, dành thời giờ nghỉ ngơi, ăn uống bồi dưỡng để phục hồi sức khoẻ.

1.4. Phân biệt vài dạng công bằng

+ Công bằng giao hoán: quy định sự phân phối hàng hoá khắp thị trường trên thế giới. Nó điều tiết việc trao đổi của cải và dịch vụ theo quy tắc tương xứng về giá trị giữa các cá nhân hay nhóm (số 201, 203; Docat, câu 107).

+ Công bằng phân phối: quy định việc cộng đồng phải thực hiện cho mỗi thành viên của cộng đồng phần xứng hợp với sự đóng góp và nhu cầu của họ (Tóm lược HTXHCG, số 201; Docat, câu 206).

+ Công bằng pháp lý: quy định những bổn phận của mỗi thành viên phải đóng góp cho cộng đồng phần thích hợp của mình (thuế) (số 396; Docat, câu 109).

+ Công bằng xã hội: bao gồm các lĩnh vực liên quan tới xã hội, chính trị, kinh tế: phân phối của cải, trả lương lao động… (số 81, 82, 99, 167, 171, 201, 203, 340, 449; GLHTCG, số 1928-1942; Docat, câu 30, 40, 43, 65, 142). Sự chênh lệch giàu nghèo đòi hỏi phải tổ chức lại theo những chuẩn mực về công bằng xã hội (số 167, 171). Món nợ trả theo lẽ công lý xã hội cho người nghèo (số 184) và chính quyền phải can thiệp để thiết lập lại công lý (số 187).

+ Công bằng kinh tế: quy định những hoạt động kinh tế cần phải tôn trọng phẩm giá con người và sự thịnh vượng của toàn xã hội. Trong nền kinh tế thị trường, một số điều kiện như bệnh hoạn, tật nguyền, nỗi đau khổ, không thể tính theo công lý kinh tế, nhưng được hỗ trợ riêng. Sự phát triển trong công lý đòi nhiều hơn sự tăng trưởng kinh tế: tôn trọng nền văn hoá, quyền sở hữu cá nhân và doanh nghiệp, tôn trọng thị trường tự do khi nó phục vụ toàn thể cộng đồng (số 332; Docat, câu 157-183).

Hầu như mại nước trên thế giới đang tham gia và quan tâm tới các loại Hiệp định Thương mại Tự do (FTA: Free Trade Agrements). Hiện có khoảng hơn 200 hiệp định có hiệu lực. Nổi tiếng là các hiệp định với liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (PTPP). Trong các hiệp định này, các thành viên quan tâm tới sự công bằng và bình đẳng để tất cả các bên cùng có lợi.

Tuy nhiên, các thành viên cũng không được làm thiệt thòi cho những nước ở ngoài hiệp định. Lý do là “ngay trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, phẩm giá cũng như ơn gọi toàn diện của con người và thịnh vượng của toàn thể xã hội cần phải được tôn trọng và thăng tiến. Vì con người là nguồn gốc, trung tâm và mục đích cuối cùng của tất cả đời sống kinh tế và xã hội”[3].

+ Công bằng tham gia: quy định các cá nhân phải tham gia vào đời sống của cộng đồng như quyền bỏ phiếu bầu cử, tham gia vào sinh hoạt của mọi thứ cộng đồng như giáo xứ, đảng phái chính trị: tất cả mọi người đều có quyền tham gia, không được loại trừ ai (Docat, câu 100-101).

2. Can đảm dấn thân hành động cho công bằng xã hội

“Tin Mừng dứt khoát dẫn người ta đến chỗ phải dấn thân cho tình yêu, công lý, tự do và hoà bình. Khi Đức Giêsu tuyên bố Nước Trời đã đến, Người không chỉ chữa lành và cứu mạng một số cá nhân, mà hơn thế nữa, Người thiết lập một hình thức mới của cộng đồng – một vương quốc của hoà bình và công lý” (TLHTXHCG, số 63, 260; Docat, câu 28).

“Bắt chước Đức Giêsu, mỗi tín hữu tiếp tục công trình cứu độ của Người, nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần: để trả lại công bằng cho người nghèo, giải thoát người bị áp bức, an ủi người phiền muộn, tích cực đi tìm một trật tự xã hội mới, trong đó có những giải pháp thích đáng để giải quyết sự nghèo nàn về vật chất” (x. HTXHCG, số 325).

Tín hữu phải biết hợp tác với mọi người để bảo vệ công bằng (số 448) trong mọi lĩnh vực như giáo dục (số 332), truyền thông (số 562), kinh tế (số 564), chính trị (565).

Vấn đề không phải là đi tìm những công thức mới, kế hoạch mới, nhưng Giáo Hội giới thiệu “Đức Giêsu Kitô như là tâm điểm cho mọi hoạt động xã hội của chúng ta để Người được nhận biết, yêu thương, bắt chước” (HTXHCG, số 577).

3. Tình yêu hoàn thiện những công trình của công bằng

“Chỉ có tình yêu mới có khả năng thay đổi tận gốc những mối quan hệ con người đang có với nhau. Đây chính là viễn cảnh giúp mọi người thiện chí thấy được những chân trời công lý rộng mở, và con người phát triển trong sự thật và sự thiện hảo” (HTXHCG, số 4).

“Tự một mình, có công bằng thôi chưa đủ. Thật vậy, công bằng có thể phản bội chính mình, trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”). Học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt giá trị của công bằng song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình (HTXHCG, số 325).

Tình yêu vừa giả thiết có công bằng, vừa vượt lên trên công bằng. “Công bằng phải được hoàn tất trong bác ái”. Nếu công bằng “tự nó thích hợp cho chúng ta dựa vào mà phân xử giữa con người với nhau, mỗi khi đụng chạm đến việc phân phối các thiện ích khách quan sao cho công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà Chúa Giêsu quen gọi là lòng thương xót) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình[4].

Kết luận

“Lý lẽ của quà tặng không loại trừ công bằng nhưng vì Thiên Chúa là tình yêu, nên sự phát triển kinh tế, xã hội, chính trị, nếu muốn thật sự là nhân bản, cần phải dành chỗ cho nguyên tắc cho không như một biểu hiện của tình huynh đệ”[5].

———————————————————

Câu hỏi

1. Con người ngày nay đang quan tâm nhất tới loại công bằng nào?

2. Khi người chủ trả lương không công bằng cho người làm công cho mình, người làm công sẽ hành động thế nào để đòi được công bằng cho mình?

3. Bạn có bao giờ áp dụng nguyên tắc cho không và lý lẽ quà tặng trong đời sống xã hội của bạn? Bạn áp dụng như thế nào?

4. Bạn nghĩ sao về những “tác quyền” đang được bảo vệ kỹ lưỡng và rất cao giá trong một số lĩnh vực như công ty tin học, các nhà xuất bản, các cơ quan truyền thông…?

5. Bạn nghĩ sao về tác quyền của những nhà xuất bản Công giáo ở nước ta khi đòi phải trả phí khá cao cho những bản dịch Thánh Kinh, các bản văn Phụng vụ, các sách tu đức, văn học Công giáo khiến cho người tín hữu Công giáo ít có khả năng tiếp cận với các loại sách Công giáo…?

6. Tại sao không có một hệ thống phân phối văn hoá Công giáo qua các giáo phận, giáo xứ, dòng tu để bớt trung gian và hạ giá sách xuống? Tại sao ít người Công giáo tặng sách theo kểu “ấn tống” như các anh em Phật giáo, Tin Lành để phổ biến văn hoá Công giáo mà chỉ tập trung cho việc xây cất những cơ sở vật chất?

———————————————————

Chú thích:

  1. x. Viện Ngôn ngữ học, Từ điển Tiếng Việt 2013, NXB Đà Nẵng, tr.282.
  2. x. Tóm lược HTXHCG, số 201, GLHTCG, số 1807.
  3. x. CĐ. Vat. II, GS, số 63; Docat, câu 158.
  4. Tóm lược HTXHCG, số 206, 582, 583; ĐTC Gioan Phaolô II, TĐ Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, số 10.
  5. Docat, tr.300; ĐGH Bênêđictô XVI, TĐ. Caritas in Veritate, số 34.