Chúa Nhật II Mùa Chay năm A: Đức Giêsu mạc khải vinh quang phục sinh

Biến cố hiển dung chứng thực thần tính cũng như sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu; đồng thời cho các môn đệ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu sau khi chịu khổ nạn như Người đã tiên báo, mà trước đó các ông không thể chấp nhận. Cuộc hiển dung này củng cố đức tin của các ông trước thử thách sắp đến.

CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – NĂM A (St 12,1-4a; 2Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9)

Chủ đề:

ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI VINH QUANG PHỤC SINH

Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.

Dung nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2)

I. CÁC BÀI ĐỌC

Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến ơn gọihành trình đức tin của ông Abraham, của các tín hữu, và nhất là của Đức Giêsu. Để thi hành sứ mạng cứu độ và để đạt tới vinh quang Phục Sinh, Đức Giêsu phải vâng phục thánh ý Thiên Chúa bằng cách trải qua cuộc khổ nạn và chịu chết. Các môn đệ không chấp nhận điều đó. Vì thế, để củng cố đức tin của các ông, Đức Giêsu đã biến đổi hình dạng để tỏ lộ vinh quang. Đức Giêsu chiến thắng sự chết và tội lỗi bằng chính hiến tế của mình trên thập giá, để đạt tới vinh quang và ban vinh quang cứu độ cho chúng ta. Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì nhờ kế hoạch của Người và tình yêu hiến tế của Đức Giêsu mà chúng ta được nhận lãnh ơn cứu độ.

1. Bài đọc I: St 12,1-4a

Bài đọc I trích sách Sáng Thế hôm nay kể lại sự vâng phục của ông Abram (sau này được đổi tên thành Abraham: St 17,5) trước tiếng gọi của Thiên Chúa: “Đức Chúa phán với ông Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi”. Dù ông không biết nơi ông sẽ đến, nhưng ông đáp lại lệnh truyền của Thiên Chúa một cách mau mắn, vì ông đặt niềm tin vào Người cách tuyệt đối: “Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”. Ông Abram đã tiến bước trong tin tưởng và vâng phục. Nhờ sự vâng phục của Abram, Thiên Chúa đã thể hiện quyền năng và lời hứa của Người. Để theo tiếng Chúa gọi, ông bỏ quá khứ, nhưng sau này, ông sẵn sàng từ bỏ cả tương lai khi chấp nhận hiến tế người con duy nhất làm của lễ dâng lên Thiên Chúa (x. St 22). Hành trình của ông là hành trình đức tin, và nhờ tin mà ông được kể là người công chính (St 15,6). Đó cũng là hành trình đức tin mẫu mực cho Dân Thiên Chúa.

Nhờ ông Abraham, dân Do Thái được thừa hưởng đất mà Thiên Chúa hứa ban và nhiều dân tộc trên trái đất được chúc lành. Chúng ta cũng là những con cháu của Abraham, không phải do dòng máu, nhưng do đức tin, nên trở thành những người thừa hưởng lời chúc lành của Thiên Chúa. Vào thời Tân Ước, sự chúc lành ấy được thể hiện cách trọn vẹn và cụ thể qua Con của Người là Đức Giêsu Kitô. Đấng mang ơn cứu độ và đem chúng ta tới “Nước Trời” là Đất Hứa, nơi Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta. Chúng ta thừa hưởng tất cả những ơn lộc này nhờ sự vâng phục của Đức Giêsu trước thánh ý của Thiên Chúa Cha.

2. Bài đọc II: 2Tm 1,8b-10

Thánh Phaolô nói về ơn cứu độ của Thiên Chúa là do ân sủng và tình thương của Thiên Chúa, chứ không do công trạng của con người: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng do kế hoạch và ân sủng của Người”. Ân sủng này Thiên Chúa ban cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Người đã chấp nhận mang lấy thân phận con người, tự hiến trên thập giá, để trở nên nguồn ơn cứu độ cho muôn người: “Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết và dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử”. Quả thật, Đức Giêsu Kitô là Đấng hiện thực lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong lịch sử nhân loại. Còn chúng ta được đón nhận ơn cứu độ là nhờ ân sủng của Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, chứ không do công trạng của chúng ta. Để đáp lại ân sủng đó, chúng ta hãy cộng tác với nhau để loan báo Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa (2Tm 1,8b).

3. Tin Mừng (Mt 17,1-9)

Ngay sau khi tiên báo lần thứ nhất về cuộc thương khó cho các môn đệ (x. Mt 16,21), các môn đệ lo sợ và bối rối. Vì thế, để củng cố đức tin và ơn gọi cho các ông, Đức Giêsu biểu lộ cách công khai về vinh quang Phục Sinh của Người cho Phêrô, Gioan và Giacôbê trên một ngọn núi cao ở Galilê. Trong cuộc biến hình này, Thiên Chúa Cha mạc khải căn tính đích thực của Đức Giêsu: “Có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Hình ảnh của Môsê và Êlia xuất hiện bên cạnh và đàm đạo với Đức Giêsu mang nhiều ý nghĩa. Hôm nay Đức Giêsu tỏ lộ căn tính của mình cho các môn đệ, như Môsê được Thiên Chúa mặc khải cho biết căn tính của Người trên núi Sinai, và ngôn sứ Êlia cũng được Thiên Chúa tỏ lộ căn tính của mình trên núi Khôrếp qua một cơn gió thoảng nhẹ (x. 1V 19,9-18). Thêm vào đó, hình ảnh Môsê và Êlia đứng bên cạnh Đức Giêsu muốn nói lên rằng: Đức Giêsu là Đấng mà Lề Luật và các ngôn sứ nói đến. Từ đó, những ai đáng trông chờ Đấng Mêsia chắc hẳn sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu là Đấng hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa trong Cựu Ước.

Trong cuộc hiển dung, khuôn mặt Đức Giêsu chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng. Chính Chúa Cha là Ðấng vén mở vinh quang thần linh của Người Con, vinh quang này đang bị che khuất khi Người Con sống phận con người. Biến cố hiển dung chứng thực thần tính cũng như sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu; đồng thời cho các môn đệ thấy trước vinh quang phục sinh của Đức Giêsu sau khi chịu khổ nạn như Người đã tiên báo, mà trước đó các ông không thể chấp nhận. Cuộc hiển dung này củng cố đức tin của các ông trước thử thách sắp đến. Ðiều quan trọng mà Chúa Cha nhắn nhủ là “hãy vâng nghe lời Người”.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc cảm nếm vinh quang của Đức Giêsu trong biến cố hiển dung là điều quá dễ, nên các ông muốn “ở đây, thật là hay”, nhưng việc “vâng nghe lời Người” lại là điều rất khó, khiến các ông tránh né. Lời đó đòi buộc các ông phải từ bỏ tất cả, kể cả bản thân, vác thập giá mỗi ngày, đến mức hy sinh mạng sống. Họ chỉ có được chút hưng phấn chóng qua nhờ thấy cuộc hiển dung, nhưng lại không đủ trung tín để theo Thầy đến cùng trên con đường thập giá. Như thế, biến cố hiển dung không chỉ tỏ lộ Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia, mà còn giúp các môn đệ nhận ra sứ vụ đích thực của Người, nhờ đó họ biết rõ con đường mình sẽ đi theo Thầy sẽ là con đường thập giá, nhưng sau thập giá sẽ là vinh quang phục sinh.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. “Đức Chúa phán với Abram: Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi… Abram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông”. Abram đặt lòng tin vững vàng vào Thiên Chúa và ông cũng phải trải qua những thử thách để tinh luyện đức tin của mình, trước khi thừa hưởng những lời hứa của Thiên Chúa. Hành trình đức tin của ông là mẫu mực cho hành trình đức tin của tôi như thế nào? Cuộc sống của tôi có bước theo tiếng gọi của Thiên Chúa với niềm phó thác và tin yêu?

2. “Anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin mừng. Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng do kế hoạch và ân sủng của Người”. Con người hưởng cứu độ nhờ ân huệ của Thiên Chúa ban cho, chứ không do công trạng của riêng mình. Tôi có cảm nghiệm được ơn sủng cao cả này trong đời sống thiêng liêng của mình? Tôi có khiêm nhường phó thác cuộc sống mình vào sự chở che của Thiên Chúa? Tôi có cộng tác vào công cuộc loan báo Tin mừng, để đáp lại ân sủng cứu độ mà Thiên Chúa đã ban cho tôi?

3. “Có tiếng từ đám mây phán rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Thiên Chúa mặc khải căn tính đích thực của Con của Người cho các môn đệ và truyền lệnh cho họ vâng nghe lời dạy của Đức Giêsu. Cảm nếm vinh quang của Đức Giêsu Con Thiên Chúa trong biến cố hiển dung là niềm vinh dự và vui sướng, nên các ông muốn “ở đây, thật là hay”, nhưng việc “vâng nghe lời Người” lại là điều rất khó. Tôi có nỗ lực vâng phục và thực hành những lời dạy của Đức Giêsu trong Tin Mừng vào cuộc sống?

4. Trong Sứ điệp Mùa Chay 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc lại lời trong Tông huấn “Christus vivit/ Đức Kitô sống” số 123: “Hãy chăm chú nhìn vào đôi tay dang rộng của Đức Kitô chịu đóng đinh, hãy cho phép mình được cứu, hết lần này đến lần khác, mãi mãi. Và khi các con đi xưng thú tội lỗi của mình, hãy vững tin vào lòng thương xót của Chúa, vốn có sức giải thoát các con khỏi ách tội lỗi”. Tôi có sẵn sàng hoán cải bản thân, đổi mới đời sống để trở về, để cho phép mình được Thiên Chúa cứu?

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Chúa Giêsu Kitô đã bày tỏ vinh quang của Người nhằm giúp các môn đệ và tất cả chúng ta thêm vững lòng tin tưởng, mà bước theo Người trên con đường thập giá. Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và sốt sắng dâng lời cầu nguyện:

  1. Chúa nói với Abram: “Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ nhờ ngươi mà được chúc phúc”. Chúng ta cầu nguyện cho mọi thành phần Hội Thánh luôn gắn bó mật thiết với Đức Kitô tử nạn và phục sinh, hầu trở nên dấu chỉ tình thương và phúc lành của Thiên Chúa cho thế giới.
  2. Đức Kitô đã dùng Tin Mừng làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trên thế giới đang trong cơn khủng hoảng vì dịch bệnh, biết tin tưởng chạy đến với Đức Giêsu Kitô là vị lương y đầy quyền năng và giàu lòng thương xót.
  3. Ông Phêrô thưa Chúa rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu biết tích cực sống Mùa Chay thánh, qua việc tham dự những cử hành phụng vụ của Hội Thánh, và đón nhận nhiều hiệu quả từ những cử hành ấy.
  4. Tiếng Chúa Cha phán từ trời: “Ðây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết say mê học hỏi Thánh Kinh và nỗ lực thực thi lời Chúa, để xứng đáng là con yêu dấu của Cha trên trời.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha toàn năng, Chúa mời gọi chúng con vâng nghe và bước theo Con yêu dấu của Chúa là Đức Giêsu Kitô, để được hưởng sự sống đời đời. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và gia tăng niềm tin yêu hy vọng nơi mỗi người chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.