Tăng cường dự trữ cho ‘hầm tận thế’ ở Bắc Băng Dương

Tăng cường dự trữ cho ‘hầm tận thế’ ở Bắc Băng Dương

Hầm lưu trữ hạt giống đề phòng thảm hoạ vừa tiếp nhận thêm đợt bổ sung quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa đa dạng sinh học trên thế giới.
Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard ở Bắc Băng Dương /// Reuters

Hầm hạt giống toàn cầu Svalbard ở Bắc Băng Dương   Reuters
Hãng AFP ngày 25.2 đưa tin “hầm tận thế” tại Bắc Băng Dương vừa tiếp nhận 60.000 mẫu hạt giống từ khắp nơi trên thế giới nhằm bổ sung cho kho lưu trữ nguồn giống đề phòng trường hợp xảy ra thảm họa toàn cầu. Những hạt giống được lưu trữ tại căn hầm trong một ngọn núi trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard (Na Uy), cách Bắc Cực khoảng 1.000 km.
Được khởi công vào năm 2006 và hoạt động từ năm 2008, hầm hạt giống toàn cầu Svalbard nằm sâu 120 m trong ngọn núi sa thạch và được thiết kế để lưu trữ tất cả những hạt giống trên thế giới nhằm lưu trữ nguồn giống, đảm bảo lương thực cho nhân loại, bảo vệ đa dạng sinh học trước biến đổi khí hậu, chiến tranh, thảm họa tự nhiên hoặc do con người gây ra. Hầm thuộc diện an toàn nhất thế giới với nhiều lớp cửa, lực lượng an ninh cùng với các thiết bị phát hiện chuyển động và cửa chống đạn.
Những hạt giống đưa vào hầm phải trải qua quá trình xử lý cẩn thận và chứa trong bao bì 3 lớp hoàn toàn kín hơi để chống ẩm. Hầm được quản lý bởi Trung tâm nguồn gien Bắc Âu (NorGen) và được chính phủ Na Uy cùng Tổ chức Crop Trust (trụ sở tại Đức) tài trợ giúp các nước, viện nghiên cứu lưu trữ hạt giống miễn phí.
Theo ông Stefan Schmitz, đại diện Crop Trust tham gia quản lý hầm, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng và đa dạng sinh học ngày càng bị đe dọa khiến nhu cầu bảo tồn các giống cây trồng có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng tăng.
“Quy mô lớn của đợt bổ sung hạt giống lần này thể hiện mối quan ngại trên khắp thế giới về tác động của biến đổi khí hậu và sự sụt giảm đa dạng sinh học liên quan đến sản xuất lương thực”, ông phân tích và cho rằng đợt bổ sung mới thể hiện cam kết toàn cầu ngày càng tăng đối với việc bảo tồn và sử dụng đa dạng các hạt giống, giúp nông dân thích nghi với điều kiện môi trường ngày càng biến đổi.
Trong đợt này, có nhiều hạt giống hoang dã được gửi đến từ các viện nghiên cứu tại những khu vực có sự đa dạng sinh học cao ở Brazil, Mỹ, Đức, Ma Rốc, Mali, Israel và Mông Cổ. Với đợt bổ sung mới, hầm sẽ chứa khoảng 1,05 triệu mẫu hạt giống khác nhau đặt trong 3 gian bên trong. Ngân hàng hạt giống này có khả năng chứa mẫu hạt giống của 4,5 triệu cây trồng khác nhau, tương đương gấp đôi các giống cây trồng hiện có trên thế giới. Các nước có toàn quyền đối với nguồn hạt giống đóng góp. Năm 2015, Syria từng yêu cầu lấy lại 116.000 hạt giống sau khi nguồn giống tại TP.Aleppo bị tàn phá do chiến tranh.
KHÁNH AN
TNO