Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi?

Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi?

Hãy cùng xem hình ảnh virus corona chủng mới dưới kính hiển vi do Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ công bố.

 

 

Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi? - Ảnh 1.

Virus corona chủng mới (màu vàng) nổi lên trên tế bào (màu hồng và xanh) dưới kính hiển vi điện tử quét (SEM) – Ảnh: NIAID

Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIAID) là một trong 27 viện và trung tâm của Viện Y tế quốc gia – cơ quan của Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ của NIAID là tiến hành nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để hiểu rõ hơn, điều trị và ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm, miễn dịch, và dị ứng.

Theo Đài phát thanh quốc gia (NPR) ở Mỹ, Emmie de Wit, trưởng đơn vị sinh lý bệnh học của NIAID đã cung cấp các mẫu virus và chuyên gia kính hiển vi Elizabeth Fischer cung cấp hình ảnh.

Các bức ảnh đã được phòng thí nghiệm tô màu kỹ thuật số.

Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi? - Ảnh 2.

Virus corona chủng mới (màu vàng) được phân lập từ một bệnh nhân ở Mỹ, nổi lên trên tế bào (màu xám) dưới lăng kính hiển vi điện tử quét SEM – Ảnh: NIAID

Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi? - Ảnh 3.

Trong bức ảnh này virus corona chủng mới có màu cam – Ảnh: NIAID

NIAID lưu ý rằng ảnh của virus corona chủng mới trông khá giống với virus corona MERS-CoV (gây nên hội chứng hô hấp Trung Đông, bùng phát năm 2012) và virus SARS-CoV (gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng, xuất hiện năm 2002).

“Không có gì đáng ngạc nhiên: những cái gai trên bề mặt chủng virus này là lý do chúng được đặt tên là chủng corona, trong tiếng Latin có nghĩa là “crown” (vương miện)”, NIAID giải thích.

Hôm thứ 3, ngày 11-2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt tên cho dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra là COVID-19.

Virus corona chủng mới trông ra sao dưới kính hiển vi? - Ảnh 4.

Hình ảnh virus corona chủng mới dưới kính hiển vi điện tử truyền qua (TEM) – Ảnh: NIAID

Tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc cũng vừa thay đổi cách xác định các trường hợp nhiễm virus, dẫn đến số ca nhiễm tăng vọt.

Cụ thể, bao gồm cả những “ca lâm sàng”, tức bệnh nhân chỉ cần có triệu chứng ho hay khó thở nhưng chưa xét nghiệm hay chưa có kết quả âm tính với virus cũng được tính là một ca nhiễm.

Sự tăng vọt số ca nhiễm có thể làm phức tạp các nỗ lực theo dõi tiến triển dịch bệnh ở Trung Quốc.

Tính đến sáng 15-2, thế giới đã ghi nhận ít nhất 67.100 ca nhiễm dịch bệnh COVID-19 và 1.526 ca tử vong, bao gồm 1.523 người chết ở Trung Quốc đại lục.

MINH KHÔI
TTO