Những tài xế tình nguyện lao ra đường khi quê hương ‘ngã bệnh’

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán. Khi thành phố ‘ngã bệnh’, tôi cảm thấy có trách nhiệm phải đóng góp gì đó tích cực. Những gì tôi đang làm chỉ nhỏ bé giống như con kiến”, Hoàng Hiểu Dân, một tài xế tình nguyện ở Vũ Hán, tâm sự.

 

Những tài xế tình nguyện lao ra đường khi quê hương ‘ngã bệnh’

“Tôi sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán. Khi thành phố ‘ngã bệnh’, tôi cảm thấy có trách nhiệm phải đóng góp gì đó tích cực. Những gì tôi đang làm chỉ nhỏ bé giống như con kiến”, Hoàng Hiểu Dân, một tài xế tình nguyện ở Vũ Hán, tâm sự.


 

Những tài xế tình nguyện lao ra đường khi quê hương ngã bệnh - Ảnh 1.

Hoàng Hiểu Dân đón một y tá đã làm việc 24 tiếng đồng hồ. Hoàng cho biết anh thức dậy lúc hơn 6h sáng, mang theo ít bánh mì lên xe ăn. Anh hạn chế uống nước vì việc tìm kiếm toilet trên đường đi khá khó khăn – Ảnh chụp màn hình ETtoday/WeChat

 

Kể từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV) bùng phát ở thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, hầu hết người dân tại đây tránh ra đường để giảm nguy cơ nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, có một nhóm tài xế địa phương vẫn tình nguyện “lao ra đường” để chở các bác sĩ và y tá di chuyển từ nhà đến bệnh viện. Vì các y bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân mỗi ngày, điều đó đồng nghĩa những tài xế này cũng đối mặt với nguy cơ cao bị nhiễm virus mới, theo trang Trung Quốc Nhật Báo.

“Tôi lo là làm sao các chuyên gia y tế có thể đến bệnh viện làm việc. Làm sao mà những người lính có thể chiến đấu nếu họ không thể đến chiến trường?!”, Hoàng Hiểu Dân (Huang Xiao Min), người tổ chức Đoàn xe tình nguyện 123, cho biết.

Theo trang ETtoday, Hoàng giải thích anh chọn tên đoàn xe tình nguyện “123” vì ngày 23-1 là ngày thành phố Vũ Hán bị phong tỏa. “123” còn giống như một câu khẩu hiệu bắt đầu hành động.

Ngoài Hoàng, một số người dân khác ở thành phố Vũ Hán cũng tình nguyện lái xe đưa các y bác sĩ đến nơi làm việc và vận chuyển vật tư y tế tới các bệnh viện.

Hoàng tâm sự: “Có một câu nói: ‘Mỗi người đều có một phần trách nhiệm đối với vận mệnh của đất nước’. Tôi sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán. Khi thành phố ‘ngã bệnh’, tôi cảm thấy có trách nhiệm phải đóng góp gì đó tích cực.

Những gì tôi đang làm chỉ nhỏ bé giống như con kiến. Tôi biết rằng những nỗ lực của bản thân là tầm thường, nhưng tôi vui vì có thể giúp đỡ người khác”.

Dù công việc là tình nguyện, Hoàng vẫn có những quy định khắt khe với các tài xế: phải mang khẩu trang, găng tay và đồ bảo hộ. Họ cũng phải khử trùng xe trước khi đón một hành khách mới.

Có lúc đoàn xe của Hoàng có tới 170 tài xế, nhưng giờ còn khoảng 90 tài xế, trong đó có những người chỉ ở độ tuổi 20. Có 1/10 trong số các tài xế này là phụ nữ. Họ đưa đón khoảng 200 nhân viên y tế mỗi ngày. Mỗi tài xế nhận trung bình 3-5 cuốc xe mỗi ngày.

 

Những tài xế tình nguyện lao ra đường khi quê hương ngã bệnh - Ảnh 2.

Những tài xế tình nguyện tham gia nhóm của Hoàng để đưa đón các nhân viên y tế – Ảnh chụp màn hình ETToday/WeChat

 

Hiện cũng có hàng trăm nhân viên y tế hoạt động trong các nhóm WeChat do Hoàng lập ra. Trong đó, những người điều phối sẽ gửi giờ và địa điểm đón các y bác sĩ tới các tài xế, hành khách khi bước lên xe phải trình thẻ công tác để nhận diện.

“Các tài xế trong đoàn xe chúng tôi đã đưa đón các chuyên gia y tế này khoảng 1.000 lần. Việc đưa họ đi làm trên những chiếc ôtô như thế này vừa tiện lợi vừa thoải mái, giúp họ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi và lấy lại năng lượng”, Hoàng chia sẻ.

Anh cho biết thêm trước đây nhiều người không có ôtô riêng, đặc biệt các y tá trẻ, phải đi bộ từ nhà hoặc đi xe đạp trong 1-2 tiếng đồng hồ để đến bệnh viện. Những trận mưa trong những ngày gần đây cũng khiến việc đi lại vất vả hơn.

“Số lượng các chuyên gia y tế ở Vũ Hán không nhỏ và nhu cầu đi lại của họ cũng vậy. Các tài xế tình nguyện đang đóng vai trò quan trọng ở thành phố này”, Hoàng chia sẻ. Anh cho biết trước đây có khoảng 5.000 tài xế tình nguyện ở Vũ Hán, nhưng con số này giờ còn khoảng 400 người.

Hệ thống giao thông công cộng của Vũ Hán gồm tàu cao tốc, xe buýt và phà đều ngưng hoạt động từ hôm 23-1. Các tuyến đường sắt và đường hàng không đi vào, đi ra thành phố đều bị cắt đứt. Thành phố 11 triệu dân này bị phong tỏa để ngăn lây lan dịch bệnh.

Phát biểu tại một cuộc họp báo gần đây, thị trưởng Vũ Hán, ông Chu Tiên Vượng, cho biết hiện có hơn 60.000 chuyên gia y tế đang chữa trị cho các bệnh nhân bị nhiễm virus corona và nỗ lực kiềm chế dịch bệnh.

Hôm 26-1, nhà chức trách Vũ Hán cho biết họ đã tổ chức 6.000 taxi cho người dân đi lại và 300 chuyến xe buýt dành cho nhân viên y tế đi làm. Các nhân viên y tế cũng có thể ở tại ký túc xá bệnh viện hoặc các khách sạn tình nguyện cho họ ở. Một vài bệnh viện cũng tổ chức các chuyến xe cho nhân viên y tế.

 

 

BÌNH AN

TTO