Đừng quá tin kết quả xét nghiệm mà ‘sôi sục’ rằng con là thần đồng

Một số đơn vị làm dịch vụ tư vấn cho phụ huynh rằng nếu không test thì sẽ bỏ lỡ cơ hội để con trở thành thần đồng… làm cho phụ huynh lo lắng.

 

Đừng quá tin kết quả xét nghiệm mà ‘sôi sục’ rằng con là thần đồng

Một số đơn vị làm dịch vụ tư vấn cho phụ huynh rằng nếu không test thì sẽ bỏ lỡ cơ hội để con trở thành thần đồng… làm cho phụ huynh lo lắng.



Đừng quá tin kết quả xét nghiệm mà sôi sục rằng con là thần đồng - Ảnh 1.

 

TS Nguyễn Kim Dung

 

Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến xung quanh hiện tượng cha mẹ cho con đi xét nghiệm ADN xem con mình có phải “thần đồng” hay không xuất hiện nhiều thời gian gần đây.

* TS Nguyễn Kim Dung (phó viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu giáo dục – ĐH Sư phạm TP.HCM): Đừng lạm dụng

Hiện nay, trên thị trường có nhiều dạng xét nghiệm, trắc nghiệm (test) với nhiều phương pháp khác nhau nhằm chẩn đoán những điểm mạnh và những điểm còn hạn chế của một đứa trẻ. Trên cơ sở đó, chuyên gia sẽ tư vấn để phụ huynh hỗ trợ con mình học tập tốt hơn.

Tuy nhiên, cần bình tĩnh để thấy rằng các phương pháp test đó chỉ mang tính chẩn đoán mà thôi. Không nên nghĩ rằng kết quả thông báo “bé có trí thông minh tư duy logic toán học” là sau này sẽ trở thành nhà toán học; “bé có trí thông minh vận động” là sau này trở thành cầu thủ bóng đá; “bé có khiếu về hội họa” không có nghĩa sau này sẽ trở thành họa sĩ… vì sự trưởng thành của một đứa trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Vì vậy, đừng quá lạm dụng các bài test về khả năng của trẻ. Một số đơn vị làm dịch vụ cũng biết “đánh” vào tâm lý của nhiều phụ huynh: mong muốn con mình tài giỏi. Họ tư vấn cho phụ huynh theo kiểu nếu không làm bài test, nếu không phát hiện sớm khả năng của trẻ thì bỏ lỡ cơ hội phát triển tài năng của con, bỏ lỡ cơ hội để con trở thành thần đồng… làm cho phụ huynh lo lắng.

Tôi cho rằng quá trình test không thể thiếu sự giao tiếp của chuyên gia đối với đứa trẻ. Sau đó, một công đoạn rất quan trọng nữa là tư vấn của chuyên gia đối với phụ huynh: cần làm gì để khắc phục những điểm hạn chế và phát huy điểm mạnh của trẻ. Không phải làm bài test để tạo áp lực thêm cho trẻ về việc học hành, vì như vậy là đi ngược lại mục tiêu giáo dục. Bởi trẻ cần sống vui vẻ, hạnh phúc mới có thể phát huy tốt nhất khả năng của mình.

* Anh Phạm Hồng Thái (phụ huynh ở quận 7, TP.HCM): Chỉ để tham khảo

Cách đây 3 năm, vợ tôi quyết định cho hai con trai đi làm trắc nghiệm. Kết quả cho biết bé lớn có khả năng lãnh đạo rất tốt, có tư duy toán học nổi trội nhưng khả năng vận động kém… Lúc ấy, bé chuẩn bị vào lớp 1.

Vợ tôi vui lắm, lên mạng tìm rồi hỏi người thân, bạn bè về những lớp học làm lãnh đạo, học làm quản lý và những lớp học toán tư duy để ghi danh cho con đi học. Tôi không đồng ý. Tôi muốn chuẩn bị các kỹ năng và tâm thế để con có thể học lớp 1 trước đã.

Đến khi bé chính thức vào lớp 1, mẹ nó lại lên xin cô giáo chủ nhiệm cho cháu được làm lớp trưởng vì cháu có khả năng lãnh đạo! Sự việc này tôi chỉ được biết khi con tôi về nhà khóc lóc kể rằng các bạn chê “viết chữ xấu hoắc mà đòi làm lớp trưởng”.

Ngay lập tức, tôi yêu cầu bà xã đến xin cô chủ nhiệm cho con thôi không giữ chức lớp trưởng để tập trung vào việc học hành. Đến lúc đó, bà xã tôi vẫn chưa tỉnh ngộ, mà cứ vài ngày lại nhắc tôi về ý định cho con đi học toán tư duy và kỹ năng lãnh đạo, nói chuyện trước đám đông… 

Tôi phải khẳng định lại rằng con trẻ có khả năng đặc biệt gì đi chăng nữa thì trước hết nó phải có kiến thức nền tảng cơ bản, nếu không thì tương lai rất gần và chắc chắn là… con sẽ bị ở lại lớp.

Đến bây giờ, con lớn của tôi đã học lớp 3 và học khá ổn. Bà xã tôi cũng không còn “sôi sùng sục” việc “ươm mầm” để con trở thành lãnh đạo nữa, bởi chỉ riêng việc chăm nuôi và đưa đón hai con đi học hai buổi mỗi ngày cùng với học thêm, học thể dục cũng đủ để quên đi giấc mộng xa xôi kia.

Kinh nghiệm của tôi là nếu dư dả tiền bạc thì cứ làm xét nghiệm xem khả năng của con mình như thế nào nếu muốn, nhưng chỉ để tham khảo, chứ  ấy và cũng đừng “sôi sùng sục” lên rằng con mình là thần đồng.

 

 

HOÀNG HƯƠNG ghi