Khi giới trẻ trầm cảm: Đừng dồn con vào cảm giác ‘ngu ngốc và bất lực’

Trầm cảm, tự kỷ, tự tử, hoang mang, mất định hướng… là những từ khoá được nhắc đến rất nhiều trong giới trẻ hiện nay. Nhưng đâu mới là giải pháp cho vấn đề này?

 

Khi giới trẻ trầm cảm: Đừng dồn con vào cảm giác ‘ngu ngốc và bất lực’

Trầm cảm, tự kỷ, tự tử, hoang mang, mất định hướng… là những từ khoá được nhắc đến rất nhiều trong giới trẻ hiện nay. Nhưng đâu mới là giải pháp cho vấn đề này?


 
 
 

 /// SHUTTERSTOCK
SHUTTERSTOCK
 

 

Cuộc trò chuyện giữa tôi và Hải diễn ra hoàn toàn tự nhiên, tôi không hề nhắc đến bất cứ vấn đề nào mà em đang gặp phải, như lo lắng, trầm cảm…để em thấy là em đang “chia sẻ” với tôi chứ không phải tôi đang tìm cách “chữa trị” vấn đề tâm lý cho em.

“Em cảm thấy mình ngu ngốc và bất lực”

Tôi gặp Hải, một học sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) trong một buổi trò chuyện tham vấn về những khó chịu, bức xúc của em trong quá trình em học tại trường. Em là một học sinh xuất sắc và cũng thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, nhưng thỉnh thoảng em thường nói rằng em cảm thấy chán cuộc đời này và muốn biến mất. Ba mẹ em cảm thấy lo lắng, muốn tìm cách giải quyết nên đưa em đến gặp tôi.
 
Tôi đề nghị với ba mẹ em là không nên cho em biết là em đến để tham vấn tâm lý mà chỉ là đến để trò chuyện cùng tôi, em đến để giúp tôi hiểu hơn về thế hệ của em, và giúp để tôi có thể thiết kế một sản phẩm phù hợp nhất với thế hệ của em. Cuộc trò chuyện giữa tôi và Hải diễn ra hoàn toàn tự nhiên, tôi không hề nhắc đến bất cứ vấn đề nào mà em đang gặp phải, để em thấy là em đang “chia sẻ” với tôi chứ không phải tôi đang tìm cách “chữa trị” vấn đề tâm lý cho em.
 
Tôi hỏi “Theo em, các bạn cùng lứa tuổi với em hiện đang gặp khó khăn hoặc vấn đề gì không?”. Hải cho biết: “Nhiều lắm chị. Các bạn thường chơi theo nhóm và đồng hoá lẫn nhau trong nhóm, nhưng sẵn sàng miệt thị các bạn khác nhóm hoặc không giống mình. Càng ngày mọi người càng không biết nói chuyện với ai”. “Còn riêng em thì sao? Em thấy vấn đề nào của bản thân cần giải quyết nhất?”, “Đó là những kỳ vọng của ba mẹ chị ạ. Ba mẹ có những ước mơ riêng, và không quan tâm gì đến em cả. Ba mẹ chỉ muốn em làm theo những điều ba mẹ muốn. Em cảm thấy mình nhỏ bé, ngu ngốc và rất bất lực. Em không muốn làm và em cũng không làm được. Em muốn ba mẹ đừng bắt em làm theo ý của ba mẹ nữa”.
 
Tôi đã cho Hải biết không chỉ có bố mẹ Hải mới như vậy, mầ tất cả những ông bố, bà mẹ ngoài kia ít nhiều đều muốn con làm theo ý mình. Là bởi cha mẹ cho rằng như thế mới tốt cho con. Và tôi đã “bày cách” cho Hải để em không phải rơi vào tình huống khiến em luôn cảm thấy bất lực ấy nữa. “Em hãy làm cho ba mẹ tin tưởng em, tin tưởng những quyết định của em. Khi ba mẹ tin tưởng thì sẽ không áp đặt lên em những suy nghĩ của ba mẹ nữa”.
 
Ba mẹ có những ước mơ riêng, và không quan tâm gì đến em cả. Ba mẹ chỉ muốn em làm theo những điều ba mẹ muốn. Em cảm thấy mình nhỏ bé, ngu ngốc và rất bất lực. Em không muốn làm và em cũng không làm được. Em muốn ba mẹ đừng bắt em làm theo ý của ba mẹ nữa 

Hải, một học sinh tại TP.HCM

Trách nhiệm đi cùng tôn trọng

Tôi gặp lại bố mẹ em sau đó. Tôi hỏi ba mẹ là em về có chia sẻ hay kể gì về cuộc trò chuyện đó không. Ba mẹ em nói với tôi là: “Hải nó nói là con giúp cô ấy hiểu hơn về tụi con, nhưng cô ấy lại giúp con hiểu hơn về chính con”. Bố mẹ em hỏi tôi “Làm thế nào để giúp em nhiều hơn”, tôi đã trả lời: “Trách nhiệm với con nhưng đừng quên 2 chữ tôn trọng. Bố mẹ nào cũng muốn điều đúng điều tốt cho con, đó là trách nhiệm với con. Nhưng nếu chỉ có trách nhiệm mà thiếu đi sự tôn trọng thì trách nhiệm lại phản tác dụng. Đừng dùng trách nhiệm để dồn con vào cảm giác “ngu ngốc và bất lực”.
 
Đối với người trẻ, giáo dục trong nhà trường chưa hướng đến việc giúp cho các em tự lập. Để giải quyết vấn đề này, điều đầu tiên đối với người lớn là tinh thần “Các em luôn luôn đúng” và cần sự thấu hiểu nguyên nhân từ đâu mà các em có những hành động hoặc cảm xúc làm hại bản thân.
 
Những cảm xúc này thường phát sinh khi những ý muốn của các em không thành hiện thực, đó có thể là ý muốn bố mẹ phải hiểu mình hơn, ý muốn bạn bè phải yêu thương mình hơn… Khi những ý muốn không thành hiện thực thì các em sẽ cảm thấy mình nhỏ bé, tệ hại, không có quyền đối với bản thân mình. Từ đó khiến các em muốn hành hạ mình nhiều hơn như tự mình thu mình lại trong một thế giới riêng, muốn mình biến mất đi, muốn mình không còn trên thế giới này nữa. 
 
Đối với người lớn, việc giáo dục con cái thật ra là một quá trình ba mẹ học cùng con. Mỗi tác động của ba mẹ, ảnh hưởng rất lớn đến con cái, bởi các con vẫn trong độ tuổi phụ thuộc vào ba mẹ và cảm thấy không có quyền.
 
Để có thể hỗ trợ con tự lập, ba mẹ cần hiểu con hơn. Để hiểu con hơn, ba mẹ cần tôn trọng con hơn. Để tôn trọng con hơn, ba mẹ cần hiểu chính mình hơn. Do vậy, để giải quyết thực sự vấn đề này, chính ba mẹ cũng cần tự thay đổi chính mình.
 
 
 
NGUYỄN THỊ MINH ĐĂNG