Dự án Liên Tâm giúp người khuyết tật ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ có hội chứng tự kỷ và người bệnh tâm thần

Các bạn thân mến, Chúng tôi giới thiệu với các bạn Dự án Liên Tâm nhằm giúp người khuyết tật ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ có hội chứng tự kỷ và người bệnh tâm thần để mời gọi các bạn cùng tham gia.

 

Dự án Liên Tâm

giúp người khuyết tật ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ có hội chứng tự kỷ và người bệnh tâm thần 

TP. Hồ Chí Minh, ngày 26/4/2019

 

Các bạn thân mến,

Chúng tôi giới thiệu với các bạn Dự án Liên Tâm nhằm giúp người khuyết tật ở Việt Nam, đặc biệt là trẻ có hội chứng tự kỷ và người bệnh tâm thần để mời gọi các bạn cùng tham gia.

1. Tên gọi

Dự án mang tên Liên Tâm vì gợi ý đến việc y học dùng tim sen (embryo nelumbinis) để làm thuốc an thần, đồng thời muốn liên kết những tấm lòng quảng đại.

2. Mục đích

Dự án nhằm hỗ trợ và cung cấp trang thiết bị cần thiết cho một số giảng viên, những sinh viên các khoa tâm lý, tin học, các bác sĩ, dược sĩ… để cùng nghiên cứu các biện pháp trị liệu liên ngành, nhằm tìm ra phương hướng chữa trị hiệu quả hơn qua việc kết hợp ứng dụng phương pháp phản hồi thần kinh (neurofeedback), phương pháp xoa bóp trị liệu với y học hiện nay nhằm giúp cho trẻ tự kỷ, người bệnh tâm thần cũng như các người khuyết tật khác.

3. Người tham gia

Mọi người trong cộng đồng xã hội đều có thể tham gia, đặc biệt các đối tượng sau đây:

– Các người có hội chứng tự kỷ, rối loạn tâm thần, các dạng khuyết tật khác mong muốn được chữa trị.

– Các chuyên viên tâm lý học, tin học, y học,

– Các thầy cô giáo giảng dạy, y sĩ điều dưỡng chăm sóc cho các trẻ em tự kỷ, người bệnh tâm thần và các dạng khuyết tật khác.

– Các nhà hảo tâm.

– Điều kiện tham gia: chúng tôi mời gọi những ai muốn tham gia dự án này có một tâm hồn thiết tha lo cho những người bệnh nghèo khổ, không tìm lợi ích cá nhân, không lợi dụng những khám phá mới mẻ để trục lợi, sẵn lòng đóng góp công sức, nguồn lực của mình cho công cuộc nghiên cứu và sẵn lòng chia sẻ những khám phá mới của mình cho mọi người mà không đòi bất cứ một quyền lợi nào, sẵn lòng phục vụ những người khuyết tật, nghèo khổ.

4. Tình trạng trẻ tự kỷ, người bệnh tâm thần, khuyết tật và việc chữa trị ở Việt Nam

*  Hội chứng tự kỷ

Trên thế giới, tỷ lệ trẻ được phát hiện và chẩn đoán tự kỷ tăng một cách đáng kể. Trước đây tỷ lệ này là 1/1.000 thì nay ở Mỹ đã tăng lên 1/68, châu Phi là 1/37. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2015, cứ 160 người thì có 1 người tự kỷ.

Tại Việt Nam chưa có con số nghiên cứu chính thức về số lượng trẻ mắc chứng bệnh tự kỷ. Theo thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nước ta có khoảng 200.000 người mắc chứng tự kỷ. Nếu tính theo cách tính của WHO, con số này khoảng 500.000. Thực tế số lượng trẻ được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng từ năm 2000 đến nay.

Chia sẻ tại Hội thảo “Tự kỷ ở Việt Nam- hiện trạng và thách thức” diễn ra tại Hà Nội ngày 1/4/2016, phó giáo sư Phạm Minh Mục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, nghiên cứu mô hình tàn tật ở trẻ em của khoa Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Nhi Trung Ương, giai đoạn 2000-2007, cũng cho thấy thực tế này. Số lượng trẻ mắc bệnh tự kỷ đến khám năm 2007 tăng gấp 50 lần so với thời điểm 7 năm trước đó. Xu thế mắc cũng tăng nhanh từ 122% đến 268% trong giai đoạn 2004-2007 so với năm 2000.

Sự gia tăng trẻ tự kỷ làm chúng ta giật mình nhưng rất tiếc đó là sự thật. Sự thật đang xảy ra với chính Việt Nam, đặc biệt trong 10 năm gần đây, số trẻ tự kỷ đến khám để được xác nhận của Bệnh viện Nhi Trung Ương không phải tăng con số 10, 20 lần mà là 26, thậm chí hàng trăm lần tuỳ từng giai đoạn. Nói như vậy, để thấy rằng số người mắc chứng tự kỷ có thể nhiều hơn con số 200.000 được thống kê hiện nay”, phó giáo sư Mục nhấn mạnh.

Thực tế, hầu như chưa có bác sĩ, chuyên gia nào được đào tạo chính quy từ trường y về tự kỷ. Tất cả các bác sĩ, chuyên gia ngôn ngữ trị liệu, chuyên gia tâm lý… đang làm việc với trẻ tự kỷ đều tự đào tạo hoặc tham gia các khoá đào tạo ngắn hạn do các tổ chức hoặc bệnh viện nước ngoài tài trợ. Cha mẹ là lực lượng then chốt nhất, góp phần lớn thành công cho sự can thiệp nhưng họ không có chuyên môn, kinh nghiệm, không đủ thời gian và tiền của để theo đuổi một quá trình lâu dài. (Nguồn: Web Tuyên Giáo, ngày 2/4/2016). 

* Người bệnh tâm thần

Gần 14 triệu người Việt Nam mắc bệnh tâm thần. Đó là số liệu được Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện chiến lược quốc gia về sức khoẻ tâm thần” tại Hà Nội sáng ngày 7 tháng 12 năm 2015, theo tin VnExpress.

Theo phúc trình nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam, tương đương gần 14 triệu người, hiện đang mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, hoang tưởng, trầm cảm, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Đặc biệt, con số này vẫn không ngừng gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, uống rượu bia nhiều, cách biệt giàu – nghèo, ly hôn, thất nghiệp, xã hội bất an… Trả lời báo chí, ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám Chữa bệnh, Bộ Y tế, cho biết rối loạn tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam và là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật.

Tuy nhiên, số lượng người bệnh được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. “Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn”, ông Tường cho biết thêm. (Nguồn: VnMedia, ngày 8/12/2015).

* Người khuyết tật khác

– Việt Nam là một trong những quốc gia có số người khuyết tật (NKT) khá cao trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, với khoảng 7 triệu người, chiếm 7,8% dân số (x. Tổng cục Thống kê năm 2009, số liệu ngày 3/12/2014). Đây là số NKT và tỉ lệ căn cứ theo các tiêu chí cũ cho 3 dạng tật vận động: khiếm thính, khiếm thị, và một phần của khuyết tật trí tuệ. Nếu tính cả 6 dạng tật, Việt Nam có khoảng 15 triệu NKT.

– Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 10-15% dân số thế giới, tức là khoảng 700 triệu đến 1 tỉ người là NKT. 80% trong số họ sống ở trong các nước đang phát triển.

– Theo cách phân loại của WHO, tỷ lệ chung của Việt Nam là 15,3%. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Đông Nam Bộ, thấp nhất là Tây Bắc, thành thị cao hơn nông thôn (17,8% so với 14,4%), nữ cao hơn nam (16,56% so với 13,69%).

– Số người khuyết tật theo từng dạng (www.nhandan.com.vn, 12/1/2011)

+ Khuyết tật vận động: chiếm 35,46% (2.500.000 người)

+ Khuyết tật thị giác: 15,70%, (1.100.000 người)

+ Khuyết tật thính giác: 14% (1.000.000 người)

+ Khuyết tật thần kinh: 13,93% (980.000 người)

+ Khuyết tật đa tật: 20,22% (1.600.000 người)

+ Khuyết tật trí tuệ: 3% (210.000 người)

– Khuynh hướng gia tăng

+ NKT vận động tăng do tai nạn giao thông và lao động mỗi năm lên khoảng 30.000-40.000.

+ NKT thị giác mỗi năm tăng 85.000 mù cả hai mắt và mù một mắt do đục thuỷ tinh thể. Số trẻ em cận, loạn, viễn thị tăng tới 40-50% do xem tivi, đọc sách màn hình vi tính (x.vnexpress.net,11/4/2012).

+ NKT trí tuệ: số trẻ tự kỷ gia tăng rất nhanh. Hiện nay có khoảng 200.000 trẻ tự kỷ và mỗi năm có thêm 15.000 trẻ mới. Số các em hội chứng Down cũng tăng do cha mẹ nghiện rượu bia, thuốc lá, ma tuý. Việt Nam hiện có 33 triệu người hút thuốc lá, 24 triệu người uống bia, trong đó có vài triệu người nghiện và 300.000 người nghiện ma tuý.

+ NKT tinh thần (tâm thần, tâm linh): trước đây không được tính, nhưng theo phân loại mới, họ thật sự là NKT và số NKT này rất lớn. Theo Viện Thần kinh Trung ương Hà Nội: số người rối loạn tâm thần dẫn đến nguy cơ khuyết tật chiếm 10,6% dân số, nghĩa là khoảng hơn 9 triệu người.

Nguyên nhân: căng thẳng trong đời sống kinh tế, xã hội, rối loạn do chiến tranh, bị tra tấn tù đày, quá khứ đau thương, do phá thai và day dứt về tội ác giết con mình (2 triệu ca phá thai/năm) 30% trong số này bị trầm cảm, 6,62% trong số phụ nữ sinh con rơi vào tình trạng trầm cảm sau khi sinh, do nghiện phim ảnh đồi truỵ (5 triệu người truy cập phim sex hằng đêm), nghiện trò chơi trực tuyến (10 triệu người).

– Thật ra, mỗi người chúng ta đều có khiếm khuyết hoặc về thể chất, hoặc về tinh thần, nhưng mỗi người đều có những giá trị sâu thẳm và đều đáng được tôn trọng.

– Theo Bộ Lao động Thương binh Xã hội (2005), trình độ học vấn của NKT ở Việt Nam rất thấp: 41% chỉ biết đọc, biết viết; 19,5% học hết cấp I; 2,75% có trình độ trung học hay chứng chỉ học nghề; 0,1% có bằng đại học hoặc cao đẳng. Chỉ có 4% có việc làm ổn định.

– Phần lớn NKT sống cùng với gia đình, chiếm tỉ lệ 95,85%; 3,31% sống độc thân; 0,62% sống lang thang. Chỉ có 0,22% sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước (x. www.nhandan.com.vn). Đa số sống thiếu thốn, nghèo khổ; 40% sống cực kỳ nghèo khổ.

5. Thái độ của cộng đồng đối với người khuyết tật

Năm 2007 được sự tài trợ của Quỹ Ford, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) đã tiến hành khảo sát 4 tỉnh thành ở Việt Nam và đưa ra một vài con số thống kê sau đây về quan điểm của cộng đồng về người khuyết tật – qua đó cho thấy sự phân biệt đối xử là lớn như thế nào, các con số biến thiên do sự khác biệt giữa các tỉnh:

Thái độ của cộng đồng với người khuyết tật

Tỉ lệ quan điểm đồng ý

Đáng thương

98% đến 99%

Người khuyết tật là người ỷ lại

18% đến 32%

Người khuyết tật không thể có cuộc sống bình thường

40% đến 59,4%

Người khuyết tật bị như vậy là do số phận

56% đến 65%

Người khuyết tật đáng phải gánh chịu số kiếp khuyết tật như vậy vì họ phải trả giá cho việc làm xấu xa ở kiếp trước

14% đến 21%

Gặp phải người khuyết tật là gặp vận đen

17%

Phân biệt đối xử bởi chính gia đình mình (dựa trên việc đặt câu hỏi với những người quen biết người khuyết tật – lý do là người trong gia đình sẽ không nói thật về hành vi phân biệt đối xử của chính họ):

  • Coi thường người khuyết tật (16%);
  • Coi là gánh nặng suốt cuộc đời (40%);
  • Coi là vô dụng (20,7%);
  • Thường xuyên lăng mạ (14,2%);
  • Bỏ mặc không chăm sóc (8,5%);
  • Bỏ rơi (7,1%);
  • Không cho ăn (4,3%);
  • Kh/xích trong nhà (10,2%);
  • Bắt đi ăn xin (1,5%).

Chính những thái độ đối xử tiêu cực của gia đình và cộng đồng xã hội đối với người khuyết tật đã làm cho bệnh tật của họ trầm trọng thêm và họ bị thương tổn nhiều về mặt tâm lý.

6. Vài nét lịch sử liên quan đến dự án

Ngay từ những năm 2004-2008, trong tư cách là Tổng Thư ký của Uỷ ban Bác ái Xã hội (UBBAXH) thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, và Giám đốc Caritas Việt Nam, chúng tôi đã quan tâm đến tình trạng sức khoẻ của những người khuyết tật, bệnh nhân tâm thần và những trẻ tự kỷ. Chúng tôi đã trợ giúp nhiều chương trình cho Trung tâm Điều dưỡng Người bệnh Tâm thần Thủ Đức ở TP.HCM. Chúng tôi liên kết với Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM để tổ chức 7 khoá học (4 tại TP.HCM, 3 tại Hà Nội), mỗi khoá 2 tuần, nhằm huấn luyện phương pháp chữa trị trẻ tự kỷ cho các thầy cô và phụ huynh của các em. Khoá học do tiến sĩ tâm lý Nguyễn Văn Thành từ Thuỵ Sĩ về phụ trách. Tuy nhiên, sau nhiều năm theo dõi, chúng tôi thấy các phương pháp điều trị bằng tâm lý có hiệu quả khá chậm.

Theo lời mời của tiến sĩ Armin Kuhr, người Đức, Viện trưởng Viện tham vấn Điều trị Tâm lý Dinklar ở Đức, từ ngày 4/9 đến 24/9/2012, chúng tôi cùng tiến sĩ Nguyễn Thị Loan và thạc sĩ Nguyễn Thanh Hằng thuộc khoa tâm lý Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM đã sang thăm và làm việc tại các cơ sở để  điều trị tâm lý cho các trẻ tự kỷ, các người bệnh bị khủng hoảng tâm lý vì nghề nghiệp, vì nghiện ma tuý, phim đồi truỵ hay trò chơi điện tử ở Đức. Chúng tôi đặc biệt thăm một bệnh viện chuyên khoa tên là Berolina ở vùng Lohne Bad Oeynhausen, ngày 13/9/2012, với hướng điều trị sức khoẻ toàn diện gồm 4 yếu tố: thể lý, tâm thần, tâm lý và tâm linh. Đây là xu hướng điều trị mới của các nước tiên tiến.

Tháng 1 năm 2016, trong chuyến công tác ở Hoa Kỳ, chúng tôi đã biết đến công trình nghiên cứu bộ não và phản hồi thần kinh (Neurofeedback) đang được áp dụng để chữa trị cho các trẻ tự kỷ tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là một phương pháp khá mới và chỉ một số chuyên viên tâm lý hàng đầu áp dụng nên người bệnh phải chi trả một số tiền chữa trị khá lớn: 500 USD cho 1 lần chữa trị kéo dài chừng 1 giờ. Vì thế, nhiều người bệnh nghèo ở Hoa Kỳ không thể tiếp cận với phương pháp này, nhất là khi cơ quan bảo hiểm y tế chưa chịu thanh toán phí tổn chữa trị theo phương pháp này.

Tháng 2 năm 2016, bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc đã tặng cho chúng tôi bộ máy của công ty BrainMaster đo 4 điểm theo phương pháp Neurofeedback để giúp chữa trị cho các trẻ tự kỷ. Từ 1/6-31/8/2016, chúng tôi cùng với tiến sĩ Nguyễn Thị Loan, trưởng bộ môn điều trị tâm lý của Đại học Hoa Sen, chuyên viên Nguyễn Hoàng Anh Vũ và Huỳnh Thị Bảo Yến đã học hỏi về phương pháp này. Khoá học do kỹ sư Phạm Đình Hải phụ trách. Ông là người có nhiều nghiên cứu và thử nghiệm phương pháp này sau khi đã mua bộ máy điều trị trên chính người con mắc bệnh tự kỷ của mình.

Từ 1/9/2016 đến 31/5/2017, các anh chị thuộc bộ môn điều trị tâm lý Đại học Hoa Sen đã áp dụng thử nghiệm kết hợp tham vấn tâm lý và neurofeedback bằng bộ máy này cho một số bệnh nhân đồng ý thực hiện biện pháp này trong tình trạng đang bị rối loạn tâm thần và trẻ có hội chứng tự kỷ, tăng động và thu được kết quả tốt. 

7. Hướng phát triển nghiên cứu

Vào năm 2015, ở Việt Nam mới chỉ có 2 bộ máy BrainMaster loại 4 điểm trong khi số bệnh nhân tự kỷ và tâm thần rất lớn. Hiện nay đã có những máy thuộc thế hệ mới đo được 19 điểm trên bộ não người. Tuy nhiên, giá mỗi hệ thống máy hiện nay còn khá cao. Một hệ thống với máy 19 điểm có máy tính cao cấp, màn hình và phụ liệu đầy đủ giá khoảng  gần 500 triệu đồng VN (khoảng 20 ngàn USD). Các bệnh viện ở Việt Nam chưa đầu tư vào lĩnh vực này do lợi ích kinh tế không cao và người sử dụng máy đòi hỏi phải giỏi về y học và tin học. Hơn nữa, việc điều trị con người lại đòi hỏi người chữa trị không những thông thạo về y học, nhất là hệ thần kinh, mà còn phải hiểu rõ về tâm lý, hành vi của con người.

Chúng tôi nghĩ rằng việc chữa trị cho những trẻ có hội chứng tự kỷ và người bệnh tâm thần rất phù hợp với khoa điều trị tâm lý trong các trường đại học có khoa tâm lý. Nếu các thầy cô giảng viên và các sinh viên khoa tâm lý được cung ứng những trang thiết bị cần thiết và những chương trình thích hợp của hệ thống quản lý bộ não và phản hồi thần kinh, việc nghiên cứu kết hợp với chữa trị sẽ giúp rất nhiều cho giảng viên trong  công tác đào tạo đồng thời cũng thúc đẩy các sinh viên học hành vì thấy được ích lợi thực tế của bộ môn mình học. Điều khó khăn hiện nay là các đại học không có đủ phương tiện tài chính để mua sắm các thiết bị này. Vì thế, chúng tôi muốn xây dựng dự án Liên Tâm này nhằm giúp cho các giảng viên và sinh viên khoa tâm lý có được những phương tiện nghiên cứu và học tập để giúp chữa trị cho các trẻ tự kỷ, tăng động và những người bị bệnh tâm thần.

Chúng tôi hy vọng có những nhà hảo tâm hoặc các phụ huynh người bệnh có thể cùng đóng góp để cung cấp hệ thống máy Brainmaster cho các trường đại học như Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM, đại học ở Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và hình thành một mạng lưới để chia sẻ những kiến thức và kết quả nghiên cứu giữa các đại học với nhau.

Chúng tôi thấy rằng có thể sử dụng phương pháp này trong nhiều lĩnh vực khác để nghiên cứu về hoạt động của bộ não con người, thí dụ: đo lường ảnh hưởng của một số đồ ăn nguy hại đến bộ não như thế nào, tác dụng của thuốc men, rượu bia, các loại ma tuý tác động lên bộ não người nghiện ngập ra sao để tìm phương cách chữa trị.

Chúng tôi cũng đang tập trung nghiên cứu đối với từng loại bệnh nhân tâm thần: bệnh nhân do di truyền, do căng thẳng trong đời sống, do một biến cố đột ngột gây sốc về tâm lý… để tìm ra những thông số kỹ thuật nơi bộ não cho từng loại.

Đối với trẻ có hội chứng tự kỷ, chúng tôi đang nghiên cứu để có thể khám phá xem một số khuyết tật như trẻ không nói được, không nghe được, không chú ý, không tổng hợp được các dữ liệu, tăng động… có thể cư trú nơi những điểm nào trong bộ não con người, với những thông số nào. Từ đó chúng ta hình thành nên những biểu đồ điều trị cho các khuyết điểm ấy.

Khi đã lập được biểu đồ này, chúng ta có thể dùng phương pháp xoa bóp, ấn day các điểm trên đầu người bệnh hay trẻ có hội chứng để tạo nên các hiệu ứng, rồi sau một vài tuần chữa trị, quan sát sự thay đổi thái độ, hành vi của người bệnh, chúng ta có thể đo lại các thông số kỹ thuật để lên phương án chữa trị tiếp theo. Hơn nữa, vì số lượng máy còn quá ít ở Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ đến một phương cách là: chỉ dùng máy này để đo lúc khởi đầu cho mỗi bệnh nhân và khi cần kiểm tra lại số liệu. Các lần khác, thay vì chạy máy, chúng ta dùng phương pháp xoa ấn trên đầu bệnh nhân.

Chúng ta có thể phổ biến biểu đồ và phương pháp day ấn các điểm trên đầu cho các giáo viên, phụ huynh đang phải dạy dỗ trẻ tự kỷ hoặc nhân viên chăm sóc các người bệnh tâm thần để họ có thể chữa bệnh cho chính con cháu họ, qua những khoá học chuyển giao công nghệ chữa trị tổ chức tại cơ sở địa phương.

Trong thực tế, chúng tôi đã chữa cho một số trẻ mà bệnh viện cho là bị bại não, bằng việc chạy máy brainmaster và xoa bóp, chúng tôi đã giúp cho trẻ vận động được toàn thân, nói, nghe và hiểu được thay vì nằm bất động. Chúng tôi cũng chữa trị cho bệnh nhân được Bệnh viện Mắt cho rằng không thể cứu chữa đã có thể nhìn lại được. Vì thế chúng tôi hy vọng phương pháp neurofeedback kết hợp với phương pháp xoa bóp trị liệu và các phương pháp trị liệu tâm lý có thể giúp ích cho rất nhiều người khuyết tật, trẻ tự kỷ và người tâm thần.

8. Tiến trình thực hiện

Từ tháng 12/2017, chúng tôi đã tổ chức khoá học II về máy Brainmaster cho 8 anh chị học viên trong thời hạn 2 tháng. Chúng tôi đã nhập thêm 1 máy 4 điểm và một máy 19 điểm trong tháng 1/2018 và thiết kế hệ thống và quy trình chữa trị trong tháng 2/2018.

Sau khi áp dụng có hiệu quả tại Đại học Hoa Sen TP.HCM, chúng tôi bắt đầu giúp cho các trẻ tự kỷ, bệnh nhân nghèo tại địa chỉ 166F Bùi Thị Xuân, Q.1 vào các chiều thứ Ba, Năm, Bảy từ 14g-17g. 

Chúng tôi đã tổ chức Khoá Tư vấn Tâm lý cho khoảng 20 người tham gia phương pháp chữa trị này từ ngày 21/05/2018 đến ngày 01/06/2018, tại Học viện Mục Vụ Tổng giáo phận TP.HCM. Khoá do tiến sĩ Nguyễn Thị Loan, trưởng bộ môn Điều trị Tâm lý thuộc Đại học Hoa Sen TP.HCM, phụ trách.

Chúng tôi đã liên kết với các bác sĩ, nha sĩ, dược sĩ, điều dưỡng của nhiều bệnh viện trong TP.HCM, Hội Răng Hàm Mặt thuộc Đại Học Y Dược TP.HCM để tổ chức các đoàn khám sức khoẻ, khám chữa bệnh, chữa răng, phát thuốc miễn phí cho các người khuyết tật, trẻ em mồ côi và bệnh nhân nghèo ở TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa -Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông, An Giang trong những năm gần đây. Mỗi năm phục vụ khoảng 10.000 người.

9. Liên lạc

Tuy nhiên, trước tình trạng hàng trăm ngàn trẻ tự kỷ và hàng triệu người tâm thần, khuyết tật ở Việt Nam hiện nay cùng với những đau khổ, lo lắng, tủi nhục của những người thân yêu họ, sự phục vụ đó chẳng thấm vào đâu. Vì thế, chúng tôi mời gọi các bạn cùng tham gia dự án để giúp cho nhiều người quanh ta hạnh phúc hơn và dân tộc chúng ta an lành hơn.

Chúng tôi không ngại ngùng chia sẻ với các bạn những mơ ước và dự tính trên đây về dự án này. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự góp ý của các bạn để dự án có thể mang lại hiệu quả tốt đẹp hơn cho mọi người.

Các tổ chức và cá nhân  muốn tham gia dự án có thể liên lạc với chúng tôi tại địa chỉ sau đây: Lm. Nguyễn Ngọc Sơn, 166F Bùi Thị Xuân, P.PNL, Q.1, TP.HCM, Việt Nam; Đt: 84.908411106; Email: antnnson1948 @yahoo.com; web: hanhkhatkito.org.

Xin chân thành cảm ơn các bạn. Cầu chúc các bạn luôn an vui và hạnh phúc.

Trân trọng,
Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Người Khuyết tật và Trẻ Mồ côi TP.HCM
Trưởng ban Y tế Xã hội

 

 

 

Hình ảnh

 

Hình 1: Chữa trị trẻ tự kỷ đầu tiên tại Đại học Hoa Sen

 

Hình 2:Trẻ tự kỷ

 

Hình 3: Người bệnh tâm thần tại Trung tâm Điểu dưỡng Tâm Thần Thủ Đức

 

Hình 4: Làm việc tại bệnh viện Berolina, Đức

 

Hình 5: Làm việc tại Khoa Tâm lý cho các trẻ tự kỷ ở Đức

 

Hình 6: Hệ thống máy Brainmaster