Một Đường Hướng Loan Báo Tin Mừng

Bài Tham luận của Ban Công lý Hoà bình – Tổng Giáo phận Sài Gòn và các vấn đề xã hội – do Lm. Giuse Maria Lê Quốc Thăng trình bày trong Công nghị Tổng Giáo phận Sài Gòn

Tham Luận của Ban Công Lý Hoà Bình – Tổng Giáo Phận Sài Gòn Và Các vấn Đề Xã Hội


Một Đường Hướng Loan Báo Tin Mừng  

Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa của HĐGMVN mời gọi mọi thành phần trong Gia đình Giáo Hội tại Việt Nam cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống bằng cách triển khai thư chung thành những hành động và việc làm cụ thể trong đời sống đức tin, góp phần thi hành sứ mệnh loan báo Tin Mừng trong xã hội hôm nay cách thiết thực và hiệu quả. (HĐGMVN, Thư Chung 2010, số 48). Như thế, cần phải đối diện, cần phải hiểu, cần phải đi vào thực trạng xã hội hôm nay. Vấn đề của xã hội thành phố, của đất nước hôm nay cũng là vấn đề của Giáo phận, của Giáo Hội Việt Nam hôm nay.

1. Nhận Định 

Từ lệnh truyền “Sai đi” của Chúa Giêsu đến giáo huấn của Giáo Hội, đặc biệt Công đồng Vat. II và các Giáo huấn của các Đức Thánh Cha sau Công Đồng đều nhấn mạnh đến việc Loan báo Tin Mừng cho con người và thế giới đương thời. Tất cả đều cho thấy Giáo Hội không đứng bên lề xã hội, không là một thực tại tách rời khỏi xã hội nhưng hội nhập vào xã hội. Vì thế, mọi chiều kích, mọi thực tại, mọi vấn đề của xã hội cũng là của Giáo Hội. Nói cách khác Giáo Hội thông phần và cùng với xã hội xây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân loại.

Thư chung nhận định về hiện trạng của xã hội Việt nam hôm nay quả là một thách đố lớn cho sứ vụ của Giáo Hội. Đó cũng là thách đố lớn cho Tổng Giáo Phận Sài Gòn nói riêng vì đây có thể nói là nơi tiêu biểu và đi đầu của mọi thực tại xã hội việt Nam hôm nay từ kinh tế, chính trị, văn hoá, đến con người với các mối tương quan … Cho nên, thách đố cũng sẽ là cơ hội thuận lợi thúc đẩy Tổng Giáo Phận canh tân. Phải làm gì? Làm thế nào để chu toàn sứ vụ Đức Kitô đã trao phó thực thi nơi mảnh đất giàu tiềm năng, lắm thách đố này?

Sự canh tân nhắm tới việc giúp cho mọi thành phần chu toàn được sứ vụ Loan báo Tin Mừng trong môi trường xã hội của thành phố hôm nay. Nghĩa là trong môi trường sống và làm việc của mình, người Công giáo sẽ phải đối diện, sẽ phải cùng sống với những thực tại xã hội của nó với tinh thần của người môn đệ Đức Kitô. Do đó, cần phải quan tâm, cần phải gắn mình với xã hội với những biến chuyển thay đổi của nó, để làm sao cho nền văn minh tình thương và sự sống được bồi đắp thực sự.

Từ những nhận định trên, cho phép chúng ta khẳng định lại đường lối Loan Tin Mừng của Giáo hội trong thời đại hôm nay, cụ thể tại Việt nam là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp. Loan báo Tin Mừng trong thời đại mới cần phải rao giảng Giáo Huấn Xã Hội Của Giáo Hội. “Việc rao giảng Tin Mừng trong thời đại mới phải rao giảng những điểm quan trọng của Giáo huấn Xã hội của Giáo hội…chúng  ta  cần phải lập lại rằng những vấn đề xã hội không thể giải quyết ngoài bối cảnh Tin Mừng được”. GHXHCG  không nhằm mục đích nào khác hơn là hướng dẫn con người cư xử với nhau dựa theo đức công bình. Hơn nữa, GHXHCG như là nền tảng cho việc xây dựng sự hiệp nhất và hòa bình khi con người không thể tránh gặp phải những vấn đề trong đời sống xã hội và kinh tế. Khi thực hiện như thế, Giáo hội chu toàn sứ mạng rao giảng Tin Mừng bằng cách rao giảng chân lý về Đức Kitô, về con người, về Giáo hội và áp dụng chân lý ấy vào những hoàn cảnh thực tế.” ( ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus số 5). Để thực hiện đường lối này cần phải có định hướng cụ thể. 

2. Định Hướng 

Cùng với Sách Thánh, Giáo Huấn Xã Hội của Giáo Hội phải là kim chỉ nam cho mọi thành phần  trong gia đình Giáo Phận suy tư, tham chiếu để đề ra những phương thức hoạt động hay cung cách sống và làm việc của mình.

Mọi thành phần của gia đình Giáo Phận từ giáo sĩ đến giáo dân cần phải quan tâm đến mọi chiều kích của thực tại xã hội hiện nay để biết sống và làm chứng cho Tin Mừng. Đặc biệt các vị chủ chăn quan tâm đầy đủ hơn nữa các vấn đề của xã hội để định hướng cũng như hướng dẫn giáo dân khi đối diện với các vấn đề của xã hội đi đúng đường hướng của Tin Mừng, của Giáo HộiXã hội và con người Việt Nam hôm nay đang bị căn bệnh thờ ơ, vô cảm tấn công mạnh mẽ gây ra biết bao đau khổ và phá huỷ tận gốc nền tảng luân lý đạo đức trong mối tương quan giữa con người với nhau. Con người, gia đình, những thực tại xã hội và ngay cả Giáo Hội đang là nạn nhân của môt xã hội đầy bệnh hoạn. Nguyên nhân sâu xa của căn bệnh này là chủ trương vô thần, muốn loại trừ Thiên Chúa và tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội; là những cơ chế xã hội què quặt thiếu vắng công lý, tự do, thiếu tôn trọng phẩm giá con người. Dù có cố tình nhắm mắt làm ngơ hay bàng quang không quan tâm người ta vẫn thấy hiển hiện những thực tại nghèo đói, bất công, vô luân, phá hoại môi trường sống tinh thần cũng như tự nhiên, hủ bại đạo đức ngày càng trầm trọng. Những căn bệnh ấy cũng đang tấn công vào trong đời sống Giáo Hội. Vì thế, Vấn đề không phải là “ lên tiếng hay không lên tiếng” mà là “phải lên tiếng, lên tiếng như thế nào? và sống Tin Mừng như thế nào?”

Gia đình Tổng Giáo Phận phải dấn thân đi vào lòng xã hội, phải hiện diện, đồng hành và thao thức, trăn trở với những vấn đề xã hội đang nảy sinh gây ra những bất công, nghèo đói và bất hạnh khổ đau cho con người. Việc rao giảng Tin Mừng sẽ chỉ có kết quả khi đời sống và sứ vụ của Giáo Hội gắn kết với toàn bộ thực tại xã hội và con người Việt Nam . Phúc Âm hoá con người và xã hội một cách cụ thể với những trạng huống cụ thể, con người cụ thể chứ không phải là một khẩu hiệu chung chung, một đường lối trừu tượng, thận chí mơ hồ, viễn vông.

Hướng đi đúng chưa đủ cần phải có những cách thế cụ thể để lên đường. Vì thế, chúng con xin được nêu lên trước Công Nghị một vài đề nghị cơ bản sau:

3. Đề Nghị

Giáo huấn Xã hội của Giáo hội cần phải được phổ biến sâu rộng trong mọi thành phần Dân Chúa qua mọi hình thức đặc biệt mở các khoá lớp chuyện biệt về GHXH cho mọi người, mọi giới.

Trên hết và trước hết các linh mục cần phải thấm nhuần và là những nhà chuyên môn thực sự về GHXH như hiểu biết và thấm nhuần Lời Chúa vậy. Do đó, cần phải được thường huấn và tự đào tạo thường xuyên về lãnh vực này.

Mọi thành phần Giáo Phận nhất là các Chủ Chăn cần biết lắng nghe tiếng nói thời đại, tiếng nói của người nghèo, người bị áp bức bất công, những người thấp cổ bé họng không thể lên tiếng để kịp thời lên tiếng thay cho họ và là tiếng nói đích thực của những anh chị em ấy trong sự thật, với lòng can đảm dấn thân, không sợ hãi, không né tránh. Trong tình liên đới luôn phải ưu tiên thể hiện sự hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa trong toàn thể Giáo hội nhất là những nơi, những anh chị em đang bị bách hại, đang gặp khó khăn cách này cách khác.

Giáo Phận phải bén nhậy, thức thời can đảm lên tiếng và không ngừng hướng dẫn mọi thành phần Dân Chúa nhất là Giáo dân trước những vấn đề khó khăn, tế nhị và nhạy cảm (như các vấn đề về chính trị, tôn giáo, tự do và nhân quyềncông lý và hoà bình…).

Được sự gợi hứng từ Lời Chúa, từ GHXH của Giáo hội, dựa trên thực tế xã hội cần phải đề ra những chương trình hành động cụ thể cho từng giới, từng Đoàn Thể áp dụng và thực thi GHXH như các chương trình bảo vệ sự sống, huấn luyện giáo dục nhân bản, ý thức trách nhiệm cộng đồng, tôn trọng nhân quyền, nhân phẩm, tự do và công ích … ngay từ trong gia đình, nơi đoàn thể, nơi Giáo xứ đến toàn Giáo phận.

Mọi hành động, mọi sự đổi mới cần phải khởi đi từ nhận thức đúng đắn và đầy đủ về tầm quan trọng của sứ vụ loan báo Tin Mừng trong bối cảnh xã hội hôm nay; cần phải ý thức rõ ràng sứ vụ chỉ được thực thi trong môi trường xã hội hiện nay với tất cả những vấn đề của nó. Tin Mừng không thể đâm chồi nơi những gì hư ảo, không thực; nơi những gì trừu tưởng chung chung mà từ môi trường xã hội cụ thể, từ những con người và cảnh huống cụ thể. Thửa ruộng để Chúa và Giáo hội Việt Nam gieo hạt giống Tin Mừng chính là xã hội và con người Việt Nam ngày nay. Giáo Hội Công Giáo Việt Nam phải chứng tỏ mình là sự hiện thân của tình yêu Chúa cho con người, cho đất nước và cho dân tộc Việt nam.

 

Ban Công Lý Và Hoà Bình, Tổng Giáo Phận Sàigon