Cảm ơn… cái tát–=–Tôi trẻ trung, xinh đẹp, thông minh lại đi chết vì một thằng sở khanh. Tôi chết thì dì dượng làm sao nhìn mặt mẹ tôi và làm sao mẹ sống nổi. Mẹ tôi đã cực khổ bao nhiêu để nuôi tôi lớn khôn, tôi đã trả hiếu ngày nào đâu mà đòi chết…

Cảm ơn… cái tát

Tuổi Trẻ cuối tuần, ngày 19/09/2010

Câu chuyện thứ hai của tư vấn viên (xem TTCT số ra ngày 12-9) là về một trường hợp tự tử “hụt”. Để độc giả tiện theo dõi, chuyện được kể lại bằng ngôi thứ nhất, với sự cho phép của nhân vật chính. Tên nhân vật đã được thay đổi.

Tôi sinh ra không biết cha mình là ai và lúc nhỏ tôi đã làm mẹ đau lòng bằng những câu hỏi: “Cha con đâu? Cha con là ai?”. Mẹ tôi đã chịu bao cực nhục khi một mình nuôi tôi lớn lên tại một làng quê nghèo khó xứ dừa Bến Tre. Khi tôi 16 tuổi, một người em bà con xa của mẹ muốn đưa tôi lên Sài Gòn để nuôi tôi ăn học đồng thời tôi có thể giúp việc nhà cho dì ấy. Mẹ không muốn xa tôi nhưng tôi kiên quyết xin đi, tôi muốn kiếm tiền và học cao hơn nữa để “trả lời” những người từng khinh khi mẹ con tôi nghèo khó.

Câu chuyện của tôi

Nhà dì ở ngoại thành, đó là một biệt thự xinh xắn, có vườn cây và hòn non bộ. Dì là kế toán của một công ty Hàn Quốc, dượng là một bác sĩ nhi khoa. Hai người có một đứa con gái 3 tuổi. Họ đối với tôi rất tốt. Tôi được dì cho đi học tại một trường cấp III gần nhà. Ngoài giờ học tôi nấu ăn và dọn dẹp nhà cửa, giúp dì những việc lặt vặt.

Trong trường tôi không có nhiều bạn bè và mang nặng mặc cảm con nhà nghèo. Một đứa bạn hàng xóm học cùng lớp tôi bí mật truyền tai cả lớp rằng tôi là một ôsin, thậm chí tôi không có cha… Tuy không ai xúc phạm tôi bằng lời nhưng những ánh nhìn, những lời bóng gió của họ làm tôi cảm thấy khó thở vô cùng.

Trong cô độc như vậy, tôi quen một người bạn vong niên của dượng, một bác sĩ trẻ mới ra trường, làm cùng phòng khám buổi tối của dượng. Người bác sĩ trẻ này hay tới nhà dượng chơi cờ tướng. Mới đầu tôi gọi người ấy bằng chú, chú Nhâm, sau thân thiết tôi gọi bằng anh. Nhâm cao ráo và đẹp trai, giọng nói trầm ấm. Nhâm hay mua cho tôi những món quà vặt như bút viết, sách học, sôcôla, kẹp tóc… Nhâm hay đưa đón tôi, mời tôi đi ăn kem và khen tôi là một “tỷ muội xinh đẹp”. Tôi tự hào với tất cả bạn bè vì được hẳn một bác sĩ “trồng cây si” trước cổng trường.

Rồi tình yêu đến thật nhẹ nhàng và ngọt ngào đến không ngờ. Nhâm nói yêu tôi. Tôi nói mình chỉ là một con bé nghèo khổ và ít học. Nhâm bảo tình yêu sẽ vượt qua tất cả mọi rào cản về tuổi tác và địa vị xã hội. Tôi ngưỡng mộ Nhâm vô cùng và nhận lời hẹn hò với anh.

Quen Nhâm một thời gian tôi thấy anh không làm cùng phòng khám với dượng nữa, cũng không tới nhà dượng đánh cờ. Tôi hỏi, anh bảo làm chỗ khác thu nhập khá hơn. Ngẫm nghĩ thấy hơi vô lý vì không mấy ai rộng rãi về tiền bạc như dì dượng nên tôi có đem việc này hỏi dì. Dì bảo tôi hãy cẩn thận khi quen Nhâm, rằng Nhâm không phải người đàn ông nghiêm túc, Nhâm không còn làm cho dượng nữa vì vi phạm một số nguyên tắc đối xử với bệnh nhân mà dượng đề ra, nhận hoa hồng của hai hãng dược ngoại để móc túi người bệnh.

Biết nhưng tôi cũng chẳng làm gì, vì đã yêu Nhâm mù quáng mất rồi. Tôi cũng đã nghe theo anh, hai ba lần trốn học rong chơi, cùng anh nếm trải cảm giác yêu đương trong những quán cà phê vắng.

Một ngày kia tôi bệnh, nghỉ học ở nhà. Dượng đến bệnh viện, dì đi làm, em bé đi học. Một mình tôi nằm trong căn nhà rộng thênh. Có điện thoại, là Nhâm. Và anh đến thăm tôi. Nhà vắng, tôi lại nằm trong phòng riêng nên chúng tôi bắt đầu thân mật với nhau. Dượng bất ngờ về, có lẽ quên một thứ gì đó. Dượng trông thấy tất cả và đã đánh thẳng vào mặt Nhâm, gọi Nhâm là “đểu giả”, là “ăn cháo đái bát”.

Nhâm không dám phản ứng mà lủi về thật nhanh. Kể từ hôm đó anh không liên lạc với tôi và không bắt máy khi tôi gọi. Một thời gian ngắn sau anh đổi cả số. Tôi rơi vào khủng hoảng nặng nề.

Dì không la rầy gì tôi cả, dượng cũng vậy. Dượng gọi tôi vào phòng làm việc, nói cho tôi biết Nhâm chuẩn bị cưới con gái một người có chức sắc trong ngành y tế và chưa gì anh ta đã gây sức ép hại lại dượng, người từng giúp đỡ Nhâm những ngày mới ra trường còn bỡ ngỡ và túng thiếu.

Khỏi phải nói, những thông tin mà dượng mới nói tôi nghe như sét đánh bên tai. Anh từng bảo sẽ cưới tôi sao lại đi cưới người khác. Và sao lại hại dượng, một người hết sức tốt không chỉ với tôi mà cả với mọi người xung quanh. Tôi đau khổ đến tận cùng.

Bọt sóng

Ý nghĩ về cái chết đến với tôi trong một giấc mơ. Tôi mơ thấy mình nhảy xuống sông và tan biến như bọt sóng. Mọi khổ đau đều biến mất thật nhanh và cảm giác thật dễ chịu. Ước muốn được chết không hiểu sao ám tôi suốt ngày, nó như một cái bẫy sập mà tôi lỡ mắc vào không sao thoát được.

Ý nghĩ về cái chết thít dần lấy tôi, ngày một róng riết, tựa như sợi dây thòng lọng siết dần vòng oan nghiệt. Tôi nghĩ đến từng chi tiết về cái chết của mình. Tôi yêu Nhâm, tôi hận Nhâm tận cùng. Tôi nghĩ rằng cái chết của tôi sẽ khiến anh dằn vặt và đau khổ như tôi đang đau khổ. Và nếu thế thì tôi chết cũng thoả lắm rồi.

Nhà dì có một cái kho dưới chân cầu thang khá kín, trong khi phòng ngủ của tôi lại rộng thênh và có rất nhiều lỗ thông hơi. Tôi âm thầm dọn sạch kho. Một tối, lúc dì dượng đã ngủ, tôi tắm rửa sạch sẽ rồi vào bếp khiêng bình gas vào kho. Tôi đóng cửa rồi mở khí gas hết cỡ. Tôi nằm lơ mơ và nghĩ đến mẹ tôi. Chắc mẹ sẽ đau khổ… Tôi thầm xin mẹ hãy tha lỗi cho tôi.

Nhưng làm sao mà tôi chết được. Mấy ngày nay dì dượng đâu rời mắt khỏi tôi, nhất cử nhất động của tôi đều không qua được ánh mắt hai người. Dượng không khó khăn phá cửa vào và cấp cứu cho tôi. Khi tôi tỉnh hẳn thì dượng tát tôi thật đau và mắng tôi thật ngu ngốc, rằng bao bệnh nhân ung thư đau đớn từng ngày còn khát khao sống.

Tôi trẻ trung, xinh đẹp, thông minh lại đi chết vì một thằng sở khanh. Tôi chết thì dì dượng làm sao nhìn mặt mẹ tôi và làm sao mẹ sống nổi. Mẹ tôi đã cực khổ bao nhiêu để nuôi tôi lớn khôn, tôi đã trả hiếu ngày nào đâu mà đòi chết…

Cái tát của dượng làm tôi tỉnh hẳn, nó mạnh mẽ và công hiệu hơn bất cứ gáo nước lạnh nào đối với một kẻ u mê như tôi. Tôi xin lỗi dì dượng, khóc suốt hai ba ngày. Những ngày đó, dì túc trực bên tôi và an ủi tôi. Dượng cũng khuyên giải tôi, mua cho tôi những món ngon và ép tôi ăn.

Khóc cạn nước mắt rồi thì tôi cũng nhẹ lòng. Tôi đã đứng dậy được và coi dì dượng như cha mẹ thứ hai của mình. Sau này nghĩ lại tôi luôn hối hận vì sự nông nổi, ngu ngốc của chính mình. Tuổi trẻ, mơ ước, tình yêu còn ở phía trước và cuộc đời tôi còn thật dài, thật rộng, thật thênh thang… thì tại sao tôi lại tìm đến cái chết!

Bây giờ nhớ lại thời gian đó tôi thấy thật đáng sợ, tất cả chuyện kinh hoàng dường như mới xảy ra với tôi hôm qua. Cảm ơn… cái tát của dượng đã làm tôi tỉnh dậy sau ác mộng.

THỤY AN

Quý trọng giá trị bản thân

Trẻ vị thành niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như cha mẹ ly hôn hay sinh ra đã thiếu cha (hoặc mẹ) thường hay bi quan, mặc cảm, chông chênh về mặt tình cảm. Thụy An là một trường hợp như vậy. Trong cô đơn, em tin yêu một người và không may bị phản bội. Mất niềm tin và tuyệt vọng, em tìm đến cái chết như một cách để “trả thù” người gây tổn thương em. Dĩ nhiên đây là một suy nghĩ nông cạn và sai lầm.

Tôi được đề nghị hỗ trợ Thụy An sau khi em tự vẫn “hụt”, tức là ở một giai đoạn muộn. Tôi chỉ có thể tư vấn cho phụ huynh và người bảo trợ (ở đây là dì dượng của Thụy An) cách thức tiếp cận và trò chuyện với em, giải tỏa, chia sẻ những đau khổ mà em đang chịu đựng. Quan trọng nhất lúc này là phải tìm cách giúp em hiểu được đâu là giá trị của bản thân em, đâu là giá trị thực của cuộc sống mà em đang có.

Biết quý trọng bản thân, Thụy An sẽ không tái tự vẫn như những trường hợp khác. Những vấp váp đầu đời sẽ là bài học khiến em trưởng thành và nhận rõ “đục trong”. Tình thương của dì dượng sẽ khiến em đủ mạnh mẽ mà đứng dậy bước tiếp con đường phía trước.

Biết khơi gợi và đánh thức những mơ ước “ngủ quên” trong một đứa trẻ từng tự tử là bước đi thứ hai vô cùng quan trọng đối với việc giúp trẻ đứng dậy sau cú ngã đầu đời. Với Thụy An, em từng mơ ước học hành thành tài đỡ đần mẹ thoát khỏi cảnh nghèo khó. Đó cũng là một ước mơ hết sức tích cực, hết sức đẹp và đáng khuyến khích. Làm sống dậy ước mơ đó trong em sẽ khiến em sống có ý nghĩa hơn, lạc quan hơn, tin tưởng vào cuộc sống và tương lai phía trước nhiều hơn nữa.

BẢO NHI