Nóng giận chết người: Những người trong hai vụ án dưới đây chỉ vì không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện nhỏ hoá thành chuyện lớn, để rồi người bị hoạ sát thân, kẻ phải vào vòng lao lý…

Những người trong hai vụ án dưới đây chỉ vì không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện nhỏ hoá thành chuyện lớn, để rồi người bị hoạ sát thân, kẻ phải vào vòng lao lý…

Nóng giận chết người

Báo Tuổi Trẻ, ngày 08/10/2010

 

Những người trong hai vụ án dưới đây chỉ vì không làm chủ được cơn giận nhất thời, khiến chuyện nhỏ hoá thành chuyện lớn, để rồi người bị hoạ sát thân, kẻ phải vào vòng lao lý…

Cha phạm tội vì con

Ông Nguyễn Văn M. đang ở nhà, nghe tin con mình đang cự cãi đánh nhau với con ông Cao Văn H. nên ông đi gặp và nói với ông H.: “Anh Tám, tụi nhỏ làm như vậy, mình lớn nên can tụi nó ra”.

Ông H. liền trả lời: “Lấy cây đánh cha già này” và xông vào định đánh. Ông M. tự vệ, dùng chân đá làm ông H. té ngã lưng vào hàng rào lưới kẽm. Sau đó, ông H. lấy nhánh tre đánh ông M.. Con ông M. xông lên đỡ nên bị ông H. đánh trúng đầu chảy máu. Ông M. liền đạp vào chân ông H..

Lúc này mọi người đến can ngăn. Ông H. được gia đình đưa về nhà, nhưng một lúc sau bất ngờ ông H. đang ngồi tự té ngửa ra sau, mọi người vội vã chở đi bệnh viện nhưng ông đã chết trên đường cấp cứu. Đó là nội dung tóm tắt cáo trạng tại phiên toà sơ thẩm ngày 28-7-2010 của TAND huyện Châu Thành (tỉnh An Giang).

“Lúc đầu mấy đứa con tui nóng ruột, định kiếm ông M. đánh trả thù nhưng tui khuyên can dẫu gì cha tụi con cũng đã chết rồi. Nếu cứ đánh nhau biết đâu án mạng sẽ xảy ra. Rồi đây bên sẽ mất mạng, bên sẽ đi tù. Oán chồng oán…”

Bà H. (vợ người bị hại) tâm sự

Bị cáo M. bị xét xử về tội “cố ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác”.

Hội đồng xét xử cho rằng: “Tuổi đời bị cáo đã cao, có kinh nghiệm trong cuộc sống. Đáng lẽ khi nghe con cháu đánh nhau, đến nơi bị cáo nên bình tĩnh để tìm giải pháp giải quyết hài hòa cho đôi bên, nhưng bị cáo đã không kiềm chế được bản thân, tính tình nóng nảy chỉ vì câu nói của bị hại, bị cáo dùng chân đá hai cái trúng vào người ông H. làm ông H. té ngã, gây uất ức, tức giận là yếu tố thuận lợi để bệnh lý tim phổi có sẵn của người bị hại bùng phát thành bệnh tim cấp tính dẫn đến tử vong”.

Tuy nhiên, xét thấy một phần cũng do lỗi bị hại nên hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo M. 3 năm tù cho hưởng án treo và bồi thường trên 57 triệu đồng cho gia đình bị hại.

Không đồng tình với bản án trên, vợ ông H. làm đơn kháng cáo yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo. Ngày 15-9-2010, TAND tỉnh An Giang mở phiên phúc thẩm nhưng bị cáo M. vắng mặt vì trước đó ít ngày, ông đã bị tai biến nằm liệt giường, vì vậy phiên toà phải tạm hoãn. Trong phiên phúc thẩm mở lại ngày 23-9-2010, bị cáo M. cũng vắng mặt, vợ ông H. rút toàn bộ kháng cáo nên TAND tỉnh ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, tuyên bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

Tôi đến nhà bị hại và nhà người gây án ở xã Cần Đăng vài ngày sau khi kết thúc phiên toà, hai căn nhà nằm cách nhau chỉ vài trăm mét. Vợ ông H. cho biết bà rút đơn vì nghĩ ông M. bệnh nặng, tuổi đã gần 70, không lẽ cứ kiện tụng một người đi không nổi, dù gì cũng tình làng nghĩa xóm nên mặc dù vẫn còn buồn phiền nhưng bà quyết định bỏ qua.

Đến nhà ông M. thấy ông đang nằm thiêm thiếp trên giường. Vợ ông thổ lộ sau khi sự việc xảy ra, ông M. phiền não, suy sụp tinh thần nên những căn bệnh trước đây như nhồi máu não, huyết áp cao, suy thận càng thêm tiến triển.

Lần dự phiên toà sơ thẩm phải có bác sĩ theo dõi sức khoẻ cho ông. Từ khi bị tai biến, ông nằm liệt giường, sống đời thực vật. Vợ ông khóc nói cú sốc này rất nặng đối với chồng bà, bởi hồi nào tới giờ ông sống có trước có sau, chưa làm tổn thương ai.

Ông đã tự dằn vặt mình phải chi lúc đó đừng mất bình tĩnh, đợi đến lúc sự việc nguội bớt mới nói phải trái rõ ràng thì không đến nỗi xấu như thế. Không ngờ chỉ một phút nóng giận mà cuối đời ông gây tội, phải đến chốn pháp đình. Rồi còn số tiền bồi thường nữa…

Xóm giềng nói ông M. vốn rất hiền nhưng có lẽ tại hôm đó nóng giận nhất thời mới xảy ra chuyện đáng tiếc. Nếu cả hai biết kiềm chế thì giờ ông H. và ông M. đang quây quần bên con cháu, hưởng niềm vui tuổi già, đâu đến nỗi phải rơi vào thảm kịch.

Con phạm tội vì cha

Thấy bọc rác trước nhà, Trần Bảo T. thuận chân đá sang sân nhà ông Đỗ Quốc V.. Ông V. thấy vậy la chửi, T. liền xin lỗi và đem bọc rác ném chỗ khác. Chiều hôm đó, sau khi uống rượu, ông V. kêu ông Trần Văn Đ., cha của T., đến nói chuyện rồi cự cãi. Hai bên đánh nhau. Hai người con là Đỗ Quốc L. và Trần Bảo T. cũng tham gia, dùng cây đánh nhau. Sau đó L. bị đau đầu, nôn ói, rồi tử vong do chấn thương sọ não.

Bị cáo Trần Bảo T. có khuôn mặt tái ngắt, đứng co rúm trước vành móng ngựa trong phiên toà sơ thẩm ngày 30-9-2010 tại TAND tỉnh An Giang. Khó mà nghĩ rằng trước đó bị cáo đã đánh chết một thiếu niên chưa tròn 16 tuổi.

Trước toà, bị cáo biện hộ bằng giọng run rẩy: “Tại vì bị cáo thấy L. dùng cây đánh cha bị cáo nên mới giật cây đánh lại. L. vào nhà lấy cây khác ra đánh với bị cáo. Bị L. đánh trúng đầu, mặt… nên bị cáo tức giận đánh mạnh từ trên xuống trúng vào vùng đầu L.. Bị cáo biết tội của mình, bị cáo rất hối hận, mong toà giảm nhẹ tội cho bị cáo sớm về luyện thi đại học tiếp, để sau này có kiến thức giúp đời”.

Chủ tọa phân tích: “Bị cáo là một thanh niên trưởng thành, có đầy đủ năng lực hành vi để nhận thức. Tuy sự việc xảy ra có phần lỗi của gia đình bị hại nhưng lẽ ra bị cáo cần phải bình tĩnh, biết kiềm chế, khuyên can cha mình và lựa chọn giải pháp hợp lý để giải quyết mâu thuẫn. Thế nhưng chỉ vì bênh vực người nhà mà bị cáo đã không ngần ngại cầm cây đánh vào đầu nạn nhân, dẫn đến tử vong”. Bị cáo cúi gằm mặt.

Chủ toạ hướng về ông Đ. và ông V. nói bằng giọng nghiêm khắc: “Chính các ông cư xử không đúng mực, thiếu tình làng nghĩa xóm, từ một việc không đáng lại làm to chuyện dẫn đến đánh nhau. Do bênh vực các ông mà L. và T. đã thực hiện hàng loạt hành vi trái pháp luật dẫn đến hậu quả đau thương tang tóc cho cả hai gia đình. Một người chết và một người chịu sự trừng phạt của pháp luật. Hậu quả xuất phát từ các ông mà ra. Đây là bài học kinh nghiệm đối với các bậc làm cha mẹ phải biết cách cư xử với xóm giềng, phải nghĩ đến câu bán anh em xa mua láng giềng gần chứ…”.

Chắc có lẽ giờ đã thấy chính mình mang đến hoạ cho con, nên cả hai người cha chỉ biết cúi đầu im lặng.

Toà tuyên bị cáo T. 8 năm tù giam, đồng thời phải bồi thường cho bên bị hại số tiền trên 49 triệu đồng. Năm nay 20 tuổi, khi ra tù, muốn thực hiện ước mơ trở thành sinh viên, T. phải dò dẫm và bắt đầu từ điểm xuất phát. Điều đó quả là không dễ dàng.

MINH TÂM