Góp ý các dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng XI: Nên ưu tiên số một cho phát triển nguồn nhân lực

Ngay từ năm 1961, Đại hội III của Đảng đã đề ra mục tiêu công nghiệp hóa (CNH), nhưng mãi tới Đại hội IV, sau khi nước nhà thống nhất nhiệm vụ này mới có thể tiến hành trong cả nước.

Góp ý các dự thảo văn kiện trình ĐH Đảng XI

Nên ưu tiên số một cho phát triển nguồn nhân lực

 

Báo Tuổi Trẻ, ngày 23-9-2010

Ngay từ năm 1961, Đại hội III của Đảng đã đề ra mục tiêu công nghiệp hóa (CNH), nhưng mãi tới Đại hội IV, sau khi nước nhà thống nhất nhiệm vụ này mới có thể tiến hành trong cả nước.

Nói như vậy để thấy rằng do hoàn cảnh đặc thù nên quá trình CNH ở nước ta kéo dài nửa thế kỷ mà thập kỷ tới chỉ là chặng nước rút.

Để chạy về đích một cách suôn sẻ, điều cần thiết là nhìn lại xem 50 năm qua, trong quá trình CNH ta đạt được những điều gì tốt, điều gì chưa tốt. Đặc biệt, nhìn lại chiến lược 2001-2010 để kiểm điểm lại xem đã làm được gì, chưa làm được gì, vì sao?

Cũng cần giải mã một câu rất quan trọng trong dự thảo là: “Nền tảng để Việt Nam trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa được hình thành đầy đủ”. Nền tảng ấy là gì? Vì sao chưa đầy đủ? Cái gì đã có, cái gì còn thiếu? 10 năm tới sẽ củng cố, hoàn thiện như thế nào?

Thêm vào đó, cần nhận thức rõ những nét đặc thù của nước ta khi bước vào chặng nước rút. Ngoài vấn đề nền tảng chưa đầy đủ, nên tính đến một số đặc thù khác nữa. Vì, khái niệm CNH ngày nay đã khác hẳn so với những năm 60-70 thế kỷ trước. Nội dung dự thảo về đại thể đã thể hiện được cách đề cập mới về CNH song cần giải thích một cách ngắn gọn để quảng đại quần chúng hiểu được CNH trong thời đại ngày nay là thế nào.

Nhân đây tôi cũng muốn chia sẻ những suy ngẫm riêng tư về mục tiêu CNH hay HĐH là chính.

Thứ nhất, lâu nay ta quen nêu mục tiêu CNH theo hướng hiện đại song cách đặt vấn đề như vậy có phần hẹp, chủ yếu chỉ thể hiện khía cạnh chuyển dịch cơ cấu và phương thức sản xuất từ xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp, từ phương thức lao động cơ bắp sang máy móc. Như trên đã nói, ngày nay khái niệm CNH đã khác, không chỉ liên quan tới bản thân ngành CN mà CN chỉ có thể phát triển nếu nó song hành với sự phát triển dịch vụ, với kinh tế tri thức, trong đó phần chất xám chiếm tỷ trọng cao… Nói cách khác, đúng ra nước ta đang tiến lên HĐH như một mục tiêu bao trùm, trong đó CNH là một mục tiêu cốt lõi.

Hai là, vừa qua bên cạnh những thành tựu được toàn dân và cả thế giới thừa nhận, nền kinh tế nước ta đã mắc phải một số khuyết tật khá nghiêm trọng. Bên cạnh đó ta lại bị ảnh hưởng của cuộc suy thoái toàn cầu, tốc độ tăng trưởng chậm hẳn lại. Như vậy trong những năm tới nước ta sẽ phải thực hiện nhiệm vụ kép: vừa phải chạy nước rút tiến tới mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp, vừa phải lấy lại phong độ bị mất đi trong mấy năm qua, vừa phải chỉnh sửa những khuyết tật mắc phải. Nói như vậy để thấy rõ hơn tính phức tạp của chặng đường 10 năm tới, đồng thời từ đó chọn bước đi, trình tự ưu tiên thích hợp.

Ba là, nước ta hoàn tất quá trình CNH trong bối cảnh thế giới đang biến đổi rất sâu sắc sau cuộc suy thoái. Trong hoàn cảnh như vậy ta phải làm sao nắm bắt cho được và thích nghi với những thay đổi ấy; nếu không sẽ bị hụt hẫng. Mặt khác không thể loại trừ khả năng trong 10 năm tới thế giới sẽ còn lao đao vì khủng hoảng, suy thoái mới, do đó cần tính đến các phương án khác nhau.

Dưới tác động của các nhân tố trên, mô hình phát triển của nước ta trong 10 năm tới cần đáp ứng nhu cầu phát triển trên bậc thang mới của nước có thu nhập trung bình; nó phải chỉnh sửa cho được những khuyết tật mắc phải, phải phù hợp với những xu thế mới của thế giới. Những nội dung nêu trong dự thảo đã tiếp cận theo hướng đó, tuy nhiên cũng nên miêu tả mô hình mới một cách cô đọng.

Quan trọng là phải xác định được mối tương quan hợp lý. Một trong những nét đặc trưng của mô hình chúng ta hướng tới là chuyển từ sự phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, coi trọng hơn chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển. Chủ trương này có lẽ đều được mọi người tán thành, bởi vừa qua chất lượng và hiệu quả tăng trưởng của nước ta còn thấp. Tuy nhiên tôi băn khoăn về một điều, đó là trong nhiều trường hợp ta sẽ phải chọn ưu tiên vì không phải lúc nào cũng có thể vừa được cái nọ lẫn cái kia. Ví dụ, trong dự thảo nêu quan điểm về yêu cầu phát triển cả nhanh lẫn bền vững. Nếu một mũi tên bắn được cả hai đích thì tốt quá, nhưng trong thực tế không phải lúc nào cũng được như vậy.

Ngoài ra trong thời gian tới ta cần phải giải quyết nhiều mối quan hệ khác nữa như giữa tích lũy và tiêu dùng; giữa nội lực và ngoại lực, kể cả mối quan hệ giữa vốn và thị trường trong nước và ngoài nước; giữa kinh tế và nhất là doanh nghiệp nhà nước với kinh tế tư nhân; giữa kinh tế và văn hóa – xã hội; giữa sự điều hành của Nhà nước và sự vận động của thị trường… Trong tất cả các mối quan hệ ấy đều cần xác định cho được mối tương quan hợp lý.

Việc chọn lựa 3 khâu đột phá Dự thảo đặt ra là đúng. Tuy nhiên, có lẽ nên đặt ưu tiên số một cho vấn đề phát triển nguồn nhân lực, vì trong mọi trường hợp và mọi thời đại, đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định. Một điều khác cần cân chỉnh là nên đặt vấn đề nguồn nhân lực theo nghĩa rộng chứ không nên bó hẹp trong lĩnh vực giáo dục kiến thức và tay nghề; trong xã hội công nghiệp, hiện đại không chỉ cần những con người như vậy mà rất cần những con người có lối sống hiện đại, văn minh, có kỷ luật, có tác phong công nghiệp. Muốn thực hiện mô hình mới coi trọng hiệu quả và chất lượng, thực hiện CNH, HĐH thì không thể không gắn kết sự phát triển kinh tế và nguồn nhân lực với khoa học – công nghệ (cần được coi là quốc sách hàng đầu thay vì là động lực then chốt).

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Mai Hà (ghi)