Điểm mạnh trên hành trình

Tôi cứ mãi băn khoăn mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng về dụ ngôn cây vả bị chúc dữ (x. Mt 21,18-22; Mc 11,12-14.20-24). Tôi có cảm tưởng rằng Chúa quá nghiêm khắc. Thánh Máccô chú thích thêm một chi tiết củng cố thêm suy nghĩ đó: “Vì không phải là mùa vả” (x. Mc 11,14).

ĐIỂM MẠNH TRÊN HÀNH TRÌNH

Tôi cứ mãi băn khoăn mỗi lần đọc đoạn Tin Mừng về dụ ngôn cây vả bị chúc dữ (x. Mt 21,18-22; Mc 11,12-14.20-24). Tôi có cảm tưởng rằng Chúa quá nghiêm khắc. Thánh Máccô chú thích thêm một chi tiết củng cố thêm suy nghĩ đó: “Vì không phải là mùa vả” (x. Mc 11,14).

Tại sao Chúa lại chúc dữ cây vả không có trái khi không phải mùa ra trái của nó? Hẳn Chúa phải biết điều đó chứ?

Để hiểu rõ ý nghĩa của dụ ngôn này, thiết tưởng chúng ta phải đọc nó trong bối cảnh chung của Tin Mừng và trong ý đồ của các thánh sử. Dụ ngôn này diễn ra trong bối cảnh Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem để chịu thương khó, nhằm đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Đây chính là cao điểm trong cuộc đời sứ mạng của Đức Giêsu ở trần gian.

Dụ ngôn muốn nhấn mạnh rằng, thời gian mà Thiên Chúa viếng thăm mang một ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó quyết định sự sống còn của mỗi thụ tạo. Thái độ sẵn sàng (mang hoa trái) trước sự thăm viếng của Thiên Chúa đồng nghĩa với sự sống; ngược lại, sự không sẵn sàng (không có trái) đồng nghĩa với cái chết. Điều này thật rõ ràng. Chúa Giêsu đã nói rất nhiều về sự được và sự mất liên quan đến sự sẵn sàng hoặc không. Chúng ta có thể kể ra vài ví dụ điển hình sau: Dụ ngôn tiệc cưới (x. Mt 22,1-14; Lc 14,15-24), người đầy tớ trung tín (x. Mt 24,45-51; Lc 12,42-46), mười trinh nữ  (x. Mt 25,1-13), Maria xức dầu thơm chân Chúa (x. Mt 26,6-13), người phú hộ (x. Lc 12,16-21), người trộm lành (x. Lc 23,39-43), hoặc sự khóc thương thành Giêrusalem vì đã không ý thức được giờ Chúa thăm viếng (x. Lc 19,41-42)… Như thế đã rõ. Sự bất hạnh không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa, mà chính là thái độ không sẵn sàng của con người trước ân huệ, trước ơn cứu độ của Người.

Đời sống con người là một cuộc hành trình dài. Tuy nhiên trên hành trình này có những thời điểm quan trọng hơn và những thời điểm ít quan trọng hơn. Có những lúc chúng ta sống theo một nhịp sống bình thường, có những lúc chúng ta phải rất nỗ lực. Đời sống kitô hữu cũng thế. Để giúp chúng ta sống tốt hành trình thiêng liêng, Giáo Hội chia năm phụng vụ thành những mùa với những cử hành phụng vụ mang màu sắc và ý nghĩa khác nhau. Ngoài ra, Giáo Hội còn chọn chủ đề cho tháng, cho năm… để giúp mỗi người đào sâu thêm đời sống đức tin của mình.

Tháng hè thường được xem như thời điểm để nghỉ ngơi, để thăm viếng những người thân, để tổ chức những cuộc du ngoạn nhiều ngày, để làm những công việc đặc biệt mà trong năm họ không làm được. Người công giáo chúng ta cũng lợi dụng thời điểm này để tổ chức những cuộc hành hương khác nhau nhằm củng cố thêm sức mạnh trong đời sống đức tin… Trong những ngày hè vừa qua chắc chắn chúng ta đã thực hiện được những điều thật bổ ích.

Đầu năm học cũng là một thời điểm hết sức quan trọng. Người ta lên chương trình hoạt động cho suốt một niên khoá. Người ta đưa ra những dự phóng, những quyết tâm, đồng thời hoạch định những giai đoạn, những phương cách và những phương tiện cụ cụ thể để đạt tới mục tiêu đề ra. Đối với sinh viên học sinh, đầu năm học là thời điểm họ phải cân nhắc xem nên học trường nào? (điều này có thể phải suy nghĩ và quyết định ngay từ hè). Học những môn học nào? Cách nào? Với thời lượng và phương tiện nào? Đối với những sinh viên xa nhà, lại còn phải tính cả chuyện ăn ở và đôi khi cả việc làm thêm để có thể hoàn thành tốt năm học đang phía trước. Rõ ràng có rất nhiều việc phải làm để khởi động một năm học mới.

Như vậy, cuộc sống con người luôn có những thời điểm mạnh. Ở những thời điểm đó người ta thường đầu tư, suy nghĩ nhiều hơn. Và không hiếm khi có những quyết định mang tính quan trọng đối với đời sống của họ, đặc biệt đối với những người trẻ. Kinh nghiệm Tây phương cho thấy rằng tương lai và hậu vận của một con người tuỳ thuộc vào một vài lần nói có hay không, được thốt lên vào lứa tuổi thiếu niên. Điều quan trọng không phải là kết quả sẽ như thế nào, mà là tôi có biết sử dụng cách hợp lý thời gian, biến cố mà Thiên Chúa ban, gửi đến cho tôi vào những thời điểm quan trọng hay không.

Hành trình đời sống chúng ta sẽ đạt tới đích một cách sung mãn khi Chúa đến viếng thăm chúng ta, cho dù là nửa đêm, thấy đèn của chúng ta vẫn đang thắp sáng (x. Mt 25,10), hoặc thấy chúng ta đang đón đợi Ngài (x. Lc 12,37-38). Hạnh phúc thay!

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán