Dấu hiệu và ý nghĩa

Trong những ngày trung tuần tháng 2 năm 2004, Diễn đàn thời sự (Forum actuallité) của báo điện tử croix.com sôi động với đề tài: “Dấu hiệu và ý nghĩa” (signe et sens). Câu chuyện bắt đầu với câu hỏi của Jean Gauci: “Bạn có đeo thánh giá không? …

Trong những ngày trung tuần tháng 2 năm 2004, Diễn đàn thời sự (Forum actuallité) của báo điện tử croix.com sôi động với đề tài: “Dấu hiệu và ý nghĩa” (signe et sens). Câu chuyện bắt đầu với câu hỏi của Jean Gauci: “Bạn có đeo thánh giá không? Bạn có gắn hình con cá ở xe bạn không? Bạn có một dấu hiệu bên ngoài nào nói lên rằng bạn thuộc về Đức Kitô không? Nếu có thì tại sao? Đâu là ý nghĩa của những dấu hiệu diễn tả lòng tin Kitô giáo của bạn? Cám ơn về những câu trả lời của bạn”. Những câu trả lời thì thật dồi dào và đa dạng.

Những dấu hiệu

Chúng ta gọi chung là dấu hiệu (signe) tất cả những vật (chose) nào đó, mà khi nhìn thấy nó hoặc nhắc đến nó thì người ta nghĩ đến một điều gì khác hơn là chính sự vật đó. Như vậy, những dấu hiệu thì vô vàn, không sao kể xiết. Nói chung nó thuộc về những quy ước minh nhiên hoặc mặc nhiên trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống. Những dấu hiệu mà chúng ta mang trên mình thường là những vật chỉ sự may mắn, sự thuộc về một hội đoàn, một phong trào, một tổ chức hay một tôn giáo nào đó. So với những lĩnh vực khác, có lẽ những dấu hiệu tôn giáo có một tác động mạnh mẽ nhất đối với đời sống tinh thần của con người. Những dấu hiệu tôn giáo chúng ta thường thấy đó là, thánh giá, bàn tay phatma, khăn voan Hồi giáo, mũ Kipa, ngôi sao Đavid, bông sen, cây bồ đề… Ngoài ra, một dấu hiệu xã hội nhưng cũng không kém phần tôn giáo đó là chiếc nhẫn hôn ước (hiểu cả về mặt xã hội lẫn tôn giáo: nhẫn cưới, nhẫn giám mục, nhẫn khấn trọn của tu sĩ một số dòng…).

Người ta cứ dấu này…

Nhờ những dấu hiệu mà người ta khẳng định căn tính của mình. Những dấu hiệu có thể là những biểu hiện hữu hình bên ngoài hoặc ấn tích thiêng liêng bên trong. Chính Chúa Giêsu đã để lại cho các môn đệ của Ngài một dấu đó là điều răn yêu thương: “Nhờ dấu này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35). Có những bí tích để lại một dấu ấn không thể xoá nhoà. Ngày lãnh bí tích Rửa Tội, người Kitô hữu được ghi một dấu: dấu trở thành con cái Thiên Chúa, là thành viên của Giáo Hội. Bí tích Thêm Sức là dấu của một Kitô hữu trưởng thành. Bí tích Truyền Chức Thánh ghi dấu ấn linh mục của Chúa Kitô. Những cử chỉ trao đổi lời ưng thuận cũng như những chiếc nhẫn ngày hôn lễ nói lên sự cam kết yêu thương và trung thành của đôi vợ chồng…

Như thế, những dấu hiệu nhắc cho người mang nó một ý nghĩa, một thực tại quan trọng mà nó chứa đựng. Những dấu hiệu mà người ta mang trên mình biểu hiện một sự hiện diện mà ta cho là rất có ý nghĩa đối với mình. Một bạn trẻ dấn thân phục vụ ở Nam Mỹ, được những người dân địa phương làm tặng cho một thánh giá nhỏ bằng gỗ. Chị luôn mang nó trên mình cách trân trọng vì nó làm chứng cho niềm vui và niềm hy vọng tràn ngập tâm hồn chị bởi Đấng đã nói với chúng ta: “Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá, vốn được Ta trân trọng và mến thương” (Is 43,4). Còn đối với một cô bạn có tên Emmanuelle: “Ngày thành hôn, chồng tôi đã trao cho tôi chiếc nhẫn cưới, và nó không bao giờ rời khỏi ngón tay tôi. Nó là dấu nói với mọi người rằng tôi thuộc về anh ấy. Giống như chiếc nhẫn cưới nói lên tình yêu của tôi đối với chồng tôi, thánh giá để nói với mọi người rằng tôi yêu Chúa. Cả hai thực tại chiếm một chỗ rất quan trọng trong đời sống tôi”.

      Tuy nhiên, không phải lúc nào những dấu hiệu cũng mang một ý nghĩa tích cực. Những dấu hiệu nhiều khi trở thành đề tài của những tranh cãi, bất đồng. Như thế những dấu hiệu cũng mang trong mình tính hàm hồ của nó trong không ít những tình huống khác nhau trong cuộc sống thực tế.

Tính hàm hồ của dấu hiệu                                             

      Trước tiên, ai trong chúng ta cũng dễ dàng nhận ra rằng, ngày nay việc đeo những dấu hiệu tôn giáo dường như không còn mang nặng tính tôn giáo nữa. Đôi khi đó chỉ đơn thuần là một vật trang sức. Chúng ta chẳng lạ gì khi thấy Chúa Giêsu “treo lủng lẳng” trên vành tai của những thiếu nữ; hoặc nằm giữa ‘đôi gò bồng đảo’ của những cô nàng… mặc áo thiếu vải! Những dấu hiệu của các tôn giáo khác cũng không tránh khỏi sự “phàm tục hoá” như những dấu chỉ tôn giáo vừa được kể ra.

      Kế đến, những dấu hiệu tôn giáo còn trở nên đề tài tranh cãi và tranh chấp trong lĩnh vực luật pháp và xã hội. Cũng trong thời gian đầu năm 2004, nước Pháp lâm vào tình huống luẩn quẩn trong việc đưa ra một đạo luật cấm học sinh trung học mang những dấu chỉ tôn giáo có tính cách phô trương trong các trường công lập. Sự việc bắt đầu từ chiếc khăn voan Hồi giáo, để rồi thánh giá, mũ Kipa, cây bồ đề… cũng bị liên luỵ và trở thành đề tài tranh cãi không lối thoát! Hẳn chúng ta hãy còn nhớ vào thập niên 60, sự biến loạn liên quan đến Phật giáo Việt Nam cũng mang màu sắc “dấu hiệu tôn giáo” (cờ và biểu ngữ Phật giáo).

      Tính hàm hồ của những dấu hiệu tôn giáo nằm ở dụng ý của những người muốn khai thác những dấu hiệu này. Chiếc khăn voan Hồi giáo có thể được giải thích như là sự phục sức đoan trang của phụ nữ Hồi giáo, nó cũng có thể được hiểu như là một sự áp chế mà những người phụ nữ Hồi giáo phải cam chịu bởi sự phân biệt đối xử nam – nữ. Chính đây là lý do mà những người đấu tranh cho quyền bình đẳng phụ nữ đã nêu ra để đòi phải cấm những dấu hiệu tôn giáo có tính phô trương nơi trường học công lập.

      Những dấu hiệu tôn giáo cũng dễ trở thành những dấu diệu của sự mê tín dị đoan. Không ít người coi và mang những dấu hiệu tôn giáo như một bùa chú. Những dấu hiệu bị tách khỏi ý nghĩa mà nó muốn thông đạt. Người ta không còn coi việc đeo thánh giá hay ảnh tượng Chúa, Đức Mẹ như là dấu nhắc nhớ đến sự hiện diện của Chúa, của Đức Mẹ, hay nhắc rằng mình là Kitô hữu, mà coi những dấu hiệu này như có phép màu chữa khỏi tai nạn, đem đến sự may mắn… Tôi thật sự ngạc nhiên khi chứng kiến một số người Pháp (tôi chưa gặp trường hợp người Việt), ngày Lễ Lá, họ đến nhà thờ lấy lá làm phép rồi về (để trừ quỷ?) chứ không tham dự thánh lễ!

      Như vậy, những dấu hiệu tôn giáo có thể là biểu hiệu của niềm tin, nhưng cũng có thể là sự mê tín dị đoan hoặc là một công cụ thống trị của một số người lợi dụng.

Chính danh

      Những dấu hiệu chỉ thực sự có giá trị khi nó diễn tả được thực tại mà nó ám chỉ. Ngược lại, nó có nguy cơ trở nên phản dấu chỉ và phản chứng. Có người cổ vũ việc mang những dấu hiệu tôn giáo, có những người phản bác. Điều quan trọng hơn có lẽ không nằm ở việc có mang hay không mang những dấu hiệu tôn giáo, mà nằm ở chỗ những dấu hiệu này có giúp ta ý thức hơn và sống tích cực hơn niềm tin của mình hay không. Việt Nam ta vẫn thường hay nói: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Thật vậy, tự chiếc áo không làm người mặc nó trở nên thầy tu, nhưng nó nhắc người mặc nó phải trở nên người tu thật sự. Cũng thế, chúng ta mang danh Kitô hữu, điều đó không làm cho chúng ta trở nên Kitô hữu thực sự; chúng ta chỉ là Kitô hữu thực sự khi chúng ta sống theo điều mà danh xưng Kitô hữu đòi hỏi, tức là sống theo Tin Mừng của Đức Kitô và tuân giữ các điều răn của Người.

Dom. Ninh Nguyễn Thông Phán